Quảng Nam: Ngư dân ngại đánh bắt xa bờ

Công Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện đang là vụ đánh bắt hải sản trong năm, nhưng do giá xăng dầu còn cao cùng với việc tiền hỗ trợ nhiên liệu theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ bị “treo” quá lâu khiến nhiều ngư dân Quảng Nam ngại vươn khơi, đánh bắt xa bờ.

Gặp khó vì tiền hỗ trợ “treo” quá lâu

Ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại cảng cá An Hòa và Tam Quang (huyện Núi Thành) ngày 14/7, dẫu đang là cao điểm của mùa đánh bắt, song nhiều tàu cá của ngư dân vẫn nằm bờ. Nguyên nhân khiến cho những con tàu này ngại vươn khơi là vì giá xăng dầu còn cao, trong khi chính sách hỗ trợ nhiên liệu theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ để ngư dân bám biển lại bị “treo” quá lâu, không đáp ứng được nguyện vọng cấp thiết của họ.

Ngư dân Phan Trinh (51 tuổi, trú xã Tam Giang, huyện Núi Thành) - chủ tàu QNa- 91892 TS cho biết, trong năm 2021, tàu cá của ông đã hoàn thành 4 chuyến biển với mỗi chuyến ít nhất hơn 20 ngày và gửi đủ tin nhắn theo quy định. Sau đó, ông Trinh làm hồ sơ để nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước nhưng đến nay vẫn chưa nhận được.

Nhiều ngư dân đang mong chờ nhận tiền hỗ trợ nhiên liệu để an tâm vươn khơi khi chi phí đầu tư mỗi chuyến biển hiện quá cao.
Nhiều ngư dân đang mong chờ nhận tiền hỗ trợ nhiên liệu để an tâm vươn khơi khi chi phí đầu tư mỗi chuyến biển hiện quá cao.

“Tất cả các tiêu chí để nhận tiền hỗ trợ nhiên liệu theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ tàu tôi đều đảm bảo hết. Thế nhưng, đã quá nửa năm 2022 rồi mà tiền hỗ trợ quý III và IV/2021 vẫn chưa thấy đâu. Nếu được hỗ trợ kịp thời thì nay chúng tôi không phải để tàu nằm bờ trong vụ đánh bắt chính như vậy”, ông Trinh than thở.

Cùng tâm trạng, ngư dân Phạm Quyến (63 tuổi, trú xã Tam Giang, huyện Núi Thành) - chủ tàu cá QNa-91234 TS cũng liên tục than ngắn, thở dài vì giá xăng dầu quá cao trong khi chính sách hỗ trợ nhiên liệu để ngư dân vươn khơi bám biển lại chi trả chậm trễ.

Ông Quyến cho hay: “Đến nay, số tiền hỗ trợ nhiên liệu quý III và IV/2021 tôi vẫn chưa nhận được. Trong khi giá xăng dầu thì cao ngất ngưởng, còn giá hải sản thì thấp, chẳng bù vào đâu được nên suốt 2 tháng qua tôi cho tàu neo đậu tại cảng cá An Hòa. Hiện nay giá xăng dầu giảm xuống dưới 30.000 đồng/lít, đây cũng là thời điểm vụ câu mực chính nên tôi phải vay mượn để thuê bạn thuyền vươn khơi”.

Việc chưa nhận được tiền hỗ trợ theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ đã khiến nhiều chủ tàu đánh bắt xa bờ ở Quảng Nam gặp vô vàn khó khăn. Bởi, chi phí đầu tư cho một chuyến biển dài ngày lên đến hàng trăm triệu đồng nên ngư dân rất cần số tiền hỗ trợ trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao như hiện nay.

Không những vậy, một khó khăn khác mà nhiều ngư dân Quảng Nam gặp phải liên quan đến Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ là trong quá trình đánh bắt xa bờ nhiều ngày, họ có bật thiết bị định vị vệ tinh và giữ liên lạc với các trạm 24/24 nhưng nhiều chuyến khi vào bờ cả tháng tín hiệu chuyến đi mới đến được với các trạm theo dõi. Điều này ảnh hưởng đến việc làm thủ tục để nhận hỗ trợ của ngư dân.

Không có người làm vì cán bộ lãnh án

Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành nhằm hỗ trợ, khuyến khích hoạt động khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa. Cụ thể, tàu cá từ 700 CV trở lên được hỗ trợ 100 triệu đồng/chuyến biển, tàu cá từ 400 CV đến 700 CV được hỗ trợ 75 triệu đồng/chuyến biển…

Nhờ có chính sách này, ngư dân cả nước nói chung và Quảng Nam nói riêng ai nấy đều rất phấn khởi, vơi bớt đi phần nào khó khăn và an tâm vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.

Tuy nhiên, thời gian gần đây việc chi trả số tiền hỗ trợ này bị chậm trễ khiến ngư dân Quảng Nam gặp nhiều khó khăn.

Giá xăng dầu tăng cao trong khi số tiền hỗ trợ nhiêu liệu theo Quyết định 48 bị “treo” quá lâu khiến cho nhiều ngư dân Quảng Nam ngại vươn khơi.
Giá xăng dầu tăng cao trong khi số tiền hỗ trợ nhiêu liệu theo Quyết định 48 bị “treo” quá lâu khiến cho nhiều ngư dân Quảng Nam ngại vươn khơi.

Trả lời về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam Võ Văn Long thừa nhận, việc chi trả tiền hỗ trợ ngư dân trên địa bàn chậm trễ. Nguyên nhân là do đơn vị thiếu nhân sự.

“Năm 2021, đơn vị có tất cả 28 nhân sự bao gồm cả công chức, viên chức. Tuy nhiên, do một số bạn đã chuyển công tác, một số khác thì theo quy định không được tiếp tục công việc nên đơn vị chỉ còn lại 16 cán bộ. Hiện, Chi cục đang tuyển 5 công chức để đủ chỉ tiêu 21 biên chế được giao nhưng vẫn chưa tuyển được”, ông Long nói.

Ngoài ra, một nguyên nhân khác đẫn đến việc chậm chi trả tiền hỗ trợ là do vừa qua, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam Phạm Thị Hoàng Tâm cùng 1 trưởng, 1 phó phòng của đơn vị này lãnh án tù vì hành vi đưa và nhận hối lộ liên quan việc thẩm định, chi trả tiền hỗ trợ nhiên liệu theo Quyết định 48 trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, hàng loạt hồ sơ còn tồn đọng chưa được xử lý cũng như ảnh hưởng đến tâm lý của các cán bộ làm việc tại cơ quan.

Tương tự, ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNN kiêm Chủ tịch Hội đồng Thẩm định Quyết định 48 tỉnh Quảng Nam cũng cho rằng, việc 3 cán bộ chủ chốt của Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam bị khởi tố, đưa ra xét xử đã ảnh hưởng rất lớn đến công việc của đơn vị này.

“Vụ án của 3 cán bộ chủ chốt trên đã gây hoang mang, ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của các cán bộ nhân viên Chi cục, vì họ sợ bị trách nhiệm nếu có sự cố xảy ra. Việc xét duyệt, thực hiện hồ sơ phải làm kỹ, thận trọng hơn để tránh sai sót nên càng chậm trễ”, ông Tấn nói.

Cũng theo ông Tấn, hiện nay, hội đồng thẩm định đã thực hiện xong hồ sơ của quý III và IV/2021, đang trình UBND tỉnh phê duyệt kinh phí để hỗ trợ ngư dân.