Quảng Ngãi hút đầu tư vào KKT Dung Quất và các KCN

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với việc chú trọng xây dựng hệ thống hạ tầng, việc thu hút đầu tư vào vào các khu công nghiệp (KCN), đặc biệt là Khu kinh tế (KKT) Dung Quất ngày càng khởi sắc, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Quảng Ngãi.

18 tỷ USD đăng ký đầu tư

Phát triển công nghiệp, đô thị và thương mại, dịch vụ tổng hợp được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng để phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi. Để thực hiện mục tiêu này, Quảng Ngãi đã và đang tập trung đầu tư, xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là phát triển hạ tầng KKT Dung Quất và các KCN trên cơ sở khai thác lợi thế sẵn có.

Khu kinh tế Dung Quất (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi)
Khu kinh tế Dung Quất (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi)

Đầu năm 2022, dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, việc xúc tiến, thu hút đầu tư vào KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi có nhiều khởi sắc. Số lượng các nhà đầu tư đến tìm hiểu, khảo sát, nghiên cứu đầu tư vào KKT Dung Quất có tăng.

Theo thống kê, trong 7 tháng đầu năm 2022, có 4 dự án với vốn đăng ký khoảng 63,61 triệu USD được cấp mới; 6 dự án điều chỉnh tăng vốn trên 31 triệu USD.

Tính đến nay, KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi thu hút khoảng 18 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư. Trong đó vốn thực hiện đạt 9,2 tỷ USD, giải quyết việc làm cho khoảng 70.000 lao động. Năm 2021 đóng góp ngân sách trên địa bàn đạt 20.212 tỷ đồng, chiếm 85% tổng nguồn thu ngân sách tỉnh Quảng Ngãi.

Ông Hà Hoàng Việt Phương - Trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất (bên phải) trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN nhẹ Bình Hòa – Bình Phước. 
Ông Hà Hoàng Việt Phương - Trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất (bên phải) trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN nhẹ Bình Hòa – Bình Phước. 

Đặc biệt, sau 26 năm hình thành, KKT Dung Quất đã có bước phát triển vượt bậc, được đánh giá là một trong những KKT tiên phong và thành công của cả nước, là trung tâm sản xuất công nghiệp nặng gắn với cảng nước sâu cho tàu đến 200.000DWT; là hạt nhân tăng trưởng và là động lực phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Quảng Ngãi và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Bốc xếp hàng hóa ở cảng PTSC (KKT Dung Quất).
Bốc xếp hàng hóa ở cảng PTSC (KKT Dung Quất).

Mặc dù vậy, công tác thu hút đầu tư vào KKT, các KCN trên địa bàn tỉnh vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo một số nhà đầu tư, khu vực thực hiện dự án có nhiều dân cư sinh sống, trong khi đó, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư khó khăn, kéo dài dẫn đến nhà đầu tư khó tiếp cận đất đai, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trong các năm 2020, 2021 nên ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai các dự án.

Đối với các dự án thuộc lĩnh vực khu dân cư, khu đô thị, thương mại, dịch vụ, do có sự chồng chéo giữa các luật nên nhiều dự án dù đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư nhưng chưa được giao đất, cho thuê đất nên không thể tiếp tục triển khai, phải thực hiện thủ tục để lựa chọn nhà đầu tư theo quy định hiện hành.

Hình thành trung tâm công nghiệp và năng lượng quốc gia

Theo ông Hà Hoàng Việt Phương - Trưởng Ban quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi, trong thời gian tới sẽ tập trung đầu tư nâng cấp hạ tầng và xây dựng đề án huy động các nguồn lực xây dựng các khu tái định cư, phục vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng trong KKT Dung Quất, đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư và triển khai những dự án trọng điểm như: Các dự án của Tập đoàn Hòa Phát, các dự án điện khí, các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN.

Các vướng mắc về chính sách đất đai sẽ được tập trung tháo gỡ.
Các vướng mắc về chính sách đất đai sẽ được tập trung tháo gỡ.

Bên cạnh đó, phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng liên quan để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về chính sách đất đai, hỗ trợ triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt, tái định cư. Qua đó, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư cũng như đảm bảo quỹ đất để mời gọi nhà đầu tư.

Ngoài ra, tập trung hoàn thiện hồ sơ và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung KKT Dung Quất đến 2035 và tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời tiến hành tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch 1/2000 các khu chức năng; lập và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất để tăng cường xúc tiến các dự án thuộc lĩnh vực phụ trợ cho ngành công nghiệp luyện cán thép; chuỗi dự án sản xuất các sản phẩm sau thép, cơ khí chế tạo của Tập đoàn Hòa Phát và các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN.

Công nhân làm việc ở nhà máy thép Hòa Phát - Dung Quất
Công nhân làm việc ở nhà máy thép Hòa Phát - Dung Quất

“Quảng Ngãi đặt mục tiêu hình thành trung tâm công nghiệp và năng lượng quốc gia tại KKT Dung Quất, phát triển các KCN theo định hướng khu công nghiệp sinh thái, thực hiện cộng sinh công nghiệp, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, với định hướng phát triển du lịch xanh của tỉnh, KKT Dung Quất sẽ đa dạng hóa các loại hình du lịch theo hướng bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, khai thác đường bờ biển dài và đẹp, đồng thời duy trì, phát huy các giá trị văn hóa gắn với đảo Lý Sơn” - ông Hà Hoàng Việt Phương thông tin.

Cũng theo Trưởng Ban quản lý KKT Dung Quất, đơn vị này đang tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua việc hỗ trợ cho các nhà đầu tư có dự án đã được cấp phép triển khai thực hiện dự án để họ an tâm sản xuất kinh doanh, mở rộng đầu tư, tạo hiệu ứng lan tỏa thông tin thu hút các nhà đầu tư mới. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác xúc tiến đầu tư, tận dụng các lợi thế của hình thức xúc tiến đầu tư trực tuyến.

Bên cạnh đó, tập trung xúc tiến đến những quốc gia, vùng lãnh thổ có lợi thế công nghiệp phù hợp với lợi thế so sánh của KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi, đang đầu tư mạnh vào Việt Nam cũng như vào tỉnh Quảng Ngãi như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, Hồng Kông và những quốc gia như Mỹ, EU,... và cả các quốc gia đang có xu hướng chuyển dịch các dự án từ Trung Quốc sang Việt Nam.