Quảng Trị: Vì sao tỷ lệ cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thấp

Minh Tân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù triển khai 6 dự án đo đạc, lập hồ sơ địa chính nhưng tỷ lệ cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn đạt tỷ lệ thấp. Cử tri và nhân dân đã nhiều lần kiến nghị, phản ánh đến HĐND các cấp của tỉnh Quảng Trị.

Từ năm 2015 đến nay, UBND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt đầu tư 6 dự án nhằm đo vẽ, chỉnh lý bản đồ địa chính, cấp lại, cấp đổi, cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. Tổng kinh phí thực hiện trên 116,3 tỷ đồng và Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị làm chủ đầu tư.

Theo đó, 6 dự án được triển khai thực hiện tại các xã, thị trấn thuộc địa bàn huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, TP Đông Hà và một số xã điều chỉnh, sáp nhập địa giới hành chính như xã Ba Lòng, xã A Bung, huyện Đakrông; xã Lìa, huyện Hướng Hóa.

TP Đông Hà nhìn từ trên cao
TP Đông Hà nhìn từ trên cao

Mới đây, Đoàn Giám sát Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Quảng Trị đã chỉ ra, công tác đo đạc, chỉnh lý lập bản đồ địa chính của 6 dự án được phê duyệt đảm bảo thời gian. Thế nhưng, việc cấp đổi GCNQSDĐ thực hiện không đạt như thời gian phê duyệt, phải gia hạn nhiều lần và đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Theo đó, công tác lập hồ sơ cấp GCNQSD đất song hành cùng với quá trình đo đạc đạt trên 80% cho cả 6 dự án, nhưng tỷ lệ cấp đổi GCNQSDĐ cho người dân đạt tỷ lệ thấp.

Đơn cử, dự án triển khai tại TP Đông Hà với tổng kinh phí phê duyệt là gần 35,5 tỷ đồng nhưng dự án chỉ mới thực hiện được nhiệm vụ cấp đổi GCNQSDĐ đạt 0,32% (37/11.602 hồ sơ). Dự án triển khai tại 4 xã Gio Mỹ, Gio Thành, Trung Giang và Gio Châu thuộc huyện Gio Linh cũng chỉ mới thực hiện công tác cấp đổi GCNQSDĐ chỉ 1,01% (110/10.866 hồ sơ).

Người dân bức xúc phản ánh việc cấp đổi GCNQSDĐ chậm trễ trên Cổng thông tin phản ánh hiện trường tỉnh Quảng Trị.
Người dân bức xúc phản ánh việc cấp đổi GCNQSDĐ chậm trễ trên Cổng thông tin phản ánh hiện trường tỉnh Quảng Trị.

Ngoài những nguyên nhân khách quan, như: Lượng hồ sơ lớn, cán bộ mỏng, nhiều cấp thẩm định, giải quyết, việc quy chủ gặp khó khăn… thì Ban Giám sát cũng chỉ rõ những nguyên nhân chủ quan khác. Trong đó, liên quan đến quá trình triển khai thực hiện các dự án, sự phối hợp giữa các đơn vị chưa tốt, quy trình thực hiện còn lúng túng, chồng chéo, thiếu thực tế hiện trạng... kể cả sự phối hợp của một số chủ sử dụng đất trong quá trình kê khai cấp đổi giấy chưa thực sự tốt.

Đoàn Giám sát kiến nghị UBND tỉnh Quảng Trị tiếp  tục chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện Đề án tổng thể về đo đạc đăng ký đất đai, cấp đổi giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai và biến động, chỉnh lý hồ sơ địa chính chung cho toàn tỉnh.

Trước mắt, UBND tỉnh không phê duyệt thêm dự án mới về nhiệm vụ việc đo đạc lập hồ sơ địa chính để tập trung giải quyết nhanh, dứt điểm việc cấp đổi GCNQSDĐ cho các dự án đã được phê duyệt có hồ sơ tồn động kéo dài; tránh tình trạng mỗi địa phương làm một cách, gây phiền hà về thủ tục hành chính, kéo dài thời gian, gây chậm trễ cho công trình. 

Một phiếu xin lỗi công dân của Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Quảng Trị - Chi nhánh huyện Hải Lăng với lý do hồ sơ chậm trễ là do khối lượng công việc nhiều.
Một phiếu xin lỗi công dân của Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Quảng Trị - Chi nhánh huyện Hải Lăng với lý do hồ sơ chậm trễ là do khối lượng công việc nhiều.

Đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu của chủ đầu tư, đơn vị được giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng tư vấn và các địa phương đơn vị khác có liên quan do để dự án kéo dài, gia hạn nhiều lần, không hoàn thành mục tiêu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. 

Bên cạnh đó, Đoàn giám sát cũng kiến nghị đối với Quốc hội, Chính phủ sớm sửa đổi Luật đất đai 2013, Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014, Nghị định 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn theo hướng tạo thuận lợi hơn về thủ tục, rút ngắn thời gian trong việc thực hiện các Dự án đo đạc bản đồ địa chính, lập hồ sơ cấp mới, cấp đổi GCNQSDĐ.

Đồng thời, tổ chức đánh giá lại hiệu quả hoạt động của mô hình tổ chức Văn phòng đăng ký đất đai một cấp; đề nghị tách thành 2 cấp tỉnh và huyện riêng biệt để dễ tổ chức, thực hiện.