Quốc gia thành viên NATO nêu giải pháp chấm dứt xung đột Nga-Ukraine

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto, các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với Moscow sẽ không giải quyết được cuộc xung đột Nga -Ukraine.

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto. Ảnh: Tass
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto. Ảnh: Tass

Trong bài trả lời phỏng vấn đài truyền hình SVT ngày 5/3, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết các giải pháp mà châu Âu đang thực hiện nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine đều không hiệu quả và cuộc xung đột hiện tại chỉ có thể chấm dứt thông qua một lệnh ngừng bắn.

Ông Szijjarto lưu ý thêm các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga không thể ngăn chặn cuộc xung đột.

"EU đã đưa ra 10 gói trừng phạt chống Nga liên quan đến chiến dịch quân sự tại Ukraine. Tuy nhiên việc gia tăng sức ép kinh tế nói trên không giúp liên minh tìm được giải pháp hiệu quả cho cuộc xung đột quân sự. Các lệnh trừng phạt kinh tế này không hạ gục nền kinh tế Nga, thay vào đó lại gây tác động rất nghiêm trọng đến các nước châu Âu” - Ngoại trưởng Hungary nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi của đài SVT rằng tại sao Hungary không gửi vũ khí cho Kiev, ông Szijjarto, cho biết: "Chúng tôi là quốc gia láng giềng với Ukraine và chúng tôi không muốn làm gia tăng thêm căng thẳng và có thêm thương vong. Đó là lý do chính khiến chúng tôi không hỗ trợ quân sự cho Ukraine và chúng tôi tiếp tục ủng hộ giải pháp hòa bình".

Trong một diễn biến liên quan, Chủ tịch Quốc hội Hungary Laszlo Kever cũng chỉ trích hoạt động viện trợ quân sự trị giá hàng tỷ USD của phương Tây.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình tiếng Anh của Hungary HirTV ngày 5/3, nghị sĩ Hungary nói rõ: "Các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và EU đã hỗ trợ cho một trong những bên trong xung đột là Ukraine các thiết bị sát thương trị giá gần 60 tỷ USD".

Theo ông Kever, điều đó có nghĩa là "những quốc gia thành viên hai khối này trên thực tế đều đã trở thành các bên tham gia xung đột”.

Trước đó, hôm 2/3, Thủ tướng Hungary Viktor Orban nói rằng châu Âu cần liên minh quân sự của riêng khối này và không chịu ảnh hưởng của Mỹ. Ông Orban cho biết, việc Mỹ muốn mở rộng hơn nữa tầm ảnh hưởng của nước này là nguyên nhân dẫn đến căng thẳng giữa phương Tây và Nga.

Thủ tướng Orban nhắc lại quan điểm rằng Hungary nên đứng ngoài cuộc xung đột Nga - Ukraine. Ông cũng nói rằng Hungary phải chịu "sức ép liên tục" khi các quốc gia phương Tây khác "muốn lôi kéo chúng tôi vào cuộc chiến bằng mọi cách có thể".

Ông Orban cho rằng các quốc gia phương Tây cần thể hiện "mong muốn" và "ý chí" hòa bình thực sự nếu họ muốn đạt được điều đó ở Ukraine.

Nhà lãnh đạo Hungary nhận định, xung đột Ukraine đã ở giai đoạn giằng co, bế tắc, vì vậy các bên cần nối lại hòa đàm càng sớm càng tốt. Ông Orban cảnh báo, nếu xung đột tiếp tục kéo dài, nhân loại sẽ đối mặt với nguy cơ Thế chiến III.

Hungary là thành viên EU và NATO nhưng giữ quan điểm tương đối trung lập vì phụ thuộc lớn vào năng lượng Nga. Budapest từ chối gửi vũ khí cho Ukraine và không đồng thuận với các lệnh trừng phạt năng lượng Nga mà EU đề xuất, cho rằng các biện pháp này sẽ gây thiệt hại cho liên minh.