Quốc hội Hàn Quốc họp bất thường: Ván bài bầu cử chưa ngã ngũ

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phiên họp bất thường của Quốc hội Hàn Quốc chính thức khai mạc từ ngày 1/2, với các dự luật liên quan tới chính trị trở thành tâm điểm tranh cãi chính do khả năng tổ chức cuộc bầu cử Tổng thống sớm ngày một nâng cao.

Ngoài phiên họp thường kỳ, Quốc hội Hàn Quốc có thể mở phiên bất thường vào các tháng chẵn, ngoại trừ tháng 8, tháng 10 và tháng 12. Quốc hội cũng có thể họp phiên bất thường theo yêu cầu từ Tổng thống, hoặc của trên 1/4 nghị sĩ. Phiên họp thường kỳ diễn ra một lần/năm, kéo dài 100 ngày, bắt đầu từ ngày 10/9 hàng năm. Trong khi đó, phiên họp bất thường không được kéo dài quá 30 ngày.

 Quốc hội Hàn Quốc trong một phiên họp.

Sau phiên khai mạc vào chiều hôm 1/2, chủ tịch các đảng lần lượt có bài phát biểu trước Quốc hội từ ngày 2 - 7/2. Phiên họp toàn thể sẽ diễn ra từ ngày 23/2 - 2/3. Đảng Saenuri cầm quyền đặt mục tiêu xúc tiến thông qua các dự luật liên quan đến kinh tế, trong khi đó, các đảng đối lập quyết tâm thông qua dự luật hạ độ tuổi bầu cử từ 19 tuổi xuống 18 tuổi. Nếu dự thảo này được thông qua, dự kiến trong đợt bầu cử Tổng thống sớm tới đây sẽ có thêm 260.000 cử tri, một nhân tố ảnh hưởng lớn tới "ván bài" bầu cử sắp tới nên các đảng chắc chắn sẽ đối đầu gay gắt nhằm thông qua quy định này.

Ngoài cuộc đấu tranh trên nghị trường, trên thực tế, chính giới Hàn Quốc đã lao vào cuộc chạy đua tranh cử Tổng thống ngay sau khi Quốc hội thông qua quyết định tạm tước quyền điều hành của Tổng thống Park Geun-hye. Tuy nhiên, "ván bài" bầu cử đang thay đổi nhanh chóng sau khi cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, người được coi là đại diện sáng giá duy nhất của phe bảo thủ trong cuộc chạy đua vào Nhà Xanh sắp tới đã bất ngờ tuyên bố không tranh cử hôm 1/2. Trong một kết quả thăm dò ý kiến do Đài phát thanh và truyền hình Hàn Quốc (KBS) tiến hành vào đầu năm nay, có 27,5% cử tri ủng hộ ông Ban Ki-moon. Trong số đó, nếu loại đi những cử tri ủng hộ cho nhiều ứng cử viên cùng lúc, còn lại khoảng 10% cử tri chỉ ủng hộ duy nhất ông Ban Ki-moon. Sau khi ông Ban tuyên bố rút lui, 10% cử tri này nhiều khả năng sẽ chuyển sang ủng hộ các ứng cử viên bảo thủ khác như nghị sĩ Yoo Seung-min của đảng Chính nghĩa, Tỉnh trưởng tỉnh Gyeonggi Nam Kyung-pil của đảng Chính nghĩa và đặc biệt là Quyền Tổng thống Hwang Kyo-ahn. Một số ứng cử viên trung lập từng ủng hộ ông Ban có thể sẽ ủng hộ cho ứng cử viên phe đối lập như cựu Chủ tịch đảng Dân chủ đồng hành Moon Jae-in hay cựu Chủ tịch Đảng vì Nhân dân Ahn Cheol-soo.

Phe bảo thủ dự kiến sẽ phải đưa ra chiến lược tranh cử hoàn toàn mới. Trước tình hình cuộc bầu cử Tổng thống nhiều khả năng sẽ diễn ra sớm, phe này sẽ khó có thể tìm ra một nhân vật sáng giá vừa không dính dáng tới bộ máy Chính phủ Tổng thống Park Geun-hye đang chìm trong bê bối, vừa thu hút được sự ủng hộ của đối tượng cử tri trung lập. Cuộc cạnh tranh giữa các ứng cử viên trong phe bảo thủ vì thế cũng sẽ trở nên gay gắt hơn. Ngược lại, việc ông Ban Ki-moon quyết định không tranh cử đẩy cao khả năng thắng cử cho các ứng cử viên của phe đối lập, đặc biệt là ông Moon Jae-in, người đang dẫn đầu về tỷ lệ ủng hộ của cử tri. Những diễn biến này cho thấy, "ván bài" bầu cử Tổng thống rất khó dự đoán được kết quả do việc chọn ứng viên tham gia cuộc đua vẫn đang là bài toán khó của các đảng trên chính trường Hàn Quốc.