Quốc hội thảo luận Dự án Luật về PPP: Làm rõ phạm vi kiểm tra, giám sát các dự án

Nguyễn Vũ – Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 11/11, Quốc hội đã nghe tờ trình và thảo luận tại tổ về Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Hầu hết đại biểu (ĐB) Quốc hội tán thành, khi luật hóa một cách cụ thể, minh bạch sẽ thu hút được nhà đầu tư ngoài Nhà nước.

Phân định rõ công, tư
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Dự Luật đề xuất nên áp dụng hình thức PPP với các dự án quy mô lớn, phức tạp, cần ràng buộc trách nhiệm giữa các bên thông qua hợp đồng dài hạn.
Về cách thức sử dụng vốn đầu tư công trong dự án PPP, theo Bộ trưởng, cần phân tách rõ phần “vốn công” và “vốn tư” trong các dự án PPP để thuận lợi cho công tác quản lý, hậu kiểm, tránh tâm lý e ngại của các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài.
Do đó, Dự thảo Luật quy định 2 hình thức quản lý và sử dụng vốn đầu tư công trong dự án PPP, cụ thể: Tách thành một dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công trong dự án PPP; giải ngân cho DN dự án theo hạng mục cụ thể với tỷ lệ, giá trị, tiến độ giải ngân được quy định tại hợp đồng...
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng thảo luận về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Ảnh: Lâm Khánh
Thẩm tra Dự Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật. Đồng thời, Ủy ban Kinh tế cho rằng cần làm rõ tính chất đặc thù của phương thức đầu tư PPP, từ đó có những quy định phù hợp, làm rõ sự khác biệt giữa dự án PPP với các dự án đầu tư công hoặc dự án đầu tư tư nhân thuần túy. Do đó, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP gắn với việc phân loại dự án PPP...
Cân nhắc mức đầu tư tối thiểu dự án PPP là 200 tỷ đồng
Trong phiên thảo luận tại tổ, phân tích cụ thể các quy định của Dự Luật, ĐB Nguyễn Quốc Bình (đoàn Hà Nội) nhận định, hợp đồng đối tác công tư rất quan trọng, phải được quy định cụ thể trong Dự Luật với những điều khoản cơ bản, tránh tình trạng mỗi nơi áp dụng một kiểu. Bên cạnh đó, cần làm rõ dự án có mục tiêu là gì, đóng góp công tư thế nào, đặc biệt phải có quy định đảm bảo lựa chọn nhà đầu tư công khai minh bạch.
Về mức đầu tư tối thiểu dự án PPP, theo ĐB Nguyễn Quốc Bình, Dự thảo quy định mức 200 tỷ đồng. “Dự án PPP gồm nhiều lĩnh vực nên phải phân ra, quy định mức tối thiểu cho từng lĩnh vực một” – ĐB nói.

Ngày 11/11, Quốc hội nghe tờ trình và thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Trong đó, về giấy phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng, Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội tán thành với Dự Luật cần quy định việc miễn giấy phép xây dựng với đối với các công trình đã được thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở. Bên cạnh đó, đề nghị quy định rõ trường hợp dự án, công trình được miễn giấy phép xây dựng để tránh bị lạm dụng, buông lỏng quản lý; rà soát, bổ sung quy định xử lý vi phạm trật tự xây dựng và thực hiện nghiêm kỷ cương trong quá trình tổ chức triển khai.

Dự án Luật sẽ được Quốc hội thảo luận tại tổ vào ngày 19/11.

ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cũng cho rằng, phải xác định rõ khi nào dự án cần đưa vào đầu tư PPP. "Có dự án chỉ dành cho đầu tư tư nhân nhưng nếu chuyển thành PPP thì Nhà nước lại gánh chịu rủi ro cho nhà đầu tư. Trường hợp các dự án chỉ đầu tư công nếu cứ đưa vào đầu tư PPP sau này sẽ dẫn tới rủi ro, phần gánh chịu của xã hội lớn hơn” - ĐB phân tích.
Đồng thời cho rằng, Dự Luật mới quy định về vốn và nếu chỉ dựa vào vốn có thể chưa đạt được mục tiêu đề ra, vì mức 200 tỷ đồng chỉ phù hợp với một số lĩnh vực về hạ tầng giao thông, trong khi nhiều lĩnh vực khác đòi hỏi kinh nghiệm, năng lực của nhà đầu tư...
Do vậy, ĐB đề nghị, cần bổ sung các tiêu chí để xác định dự án nào cần kêu gọi đầu tư PPP chứ không chỉ đơn thuần dừng lại ở tiêu chí vốn. Bên cạnh đó, mức vốn cũng cần đa dạng hơn theo từng lĩnh vực.
ĐB Phạm Phú Quốc (đoàn TP Hồ Chí Minh) thì đề nghị thay từ “hình thức” bằng “phương thức” để đảm bảo bao quát hết các hình thức hợp tác đầu tư (BT, BOT, BOO…). Đồng thời lưu ý, Luật nên tách bạch rõ khoản vốn công và tư trong dự án để có các giải pháp vận hành, quản lý, thanh tra, xử lý phù hợp.
ĐB cũng cho rằng quy định nguồn vốn Nhà nước trong các dự án PPP chỉ từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn là quá hạn hẹp, tuỳ đặc thù của tỉnh, thành mà có thể còn nhiều nguồn vốn khác có thể sử dụng cho đầu tư phát triển (vốn địa phương, các quỹ đất, nhà)...
Cho rằng khái niệm “tư” trong Dự Luật này nên hiểu không chỉ là DN tư nhân, mà có thể là cả khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khu vực DN Nhà nước, ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị, về lĩnh vực có thể áp dụng dự án PPP, đề nghị mở rộng hơn, cho phép áp dụng cả với phát triển khu kinh tế, khu chế xuất.
Các ĐB cũng cho rằng, để thu hút được các nhà đầu tư tư nhân cần phải có cơ chế đảm bảo quyền lợi, hạn chế thấp nhất rủi ro, đây cũng là nội dung trọng tâm của Luật PPP. Đồng thời, khi đã có dự án, cần phải có cơ chế giám sát quá trình đầu tư và vận hành dự án. Bởi đây thực chất là một dự án đầu tư công và mang lại lợi ích công cho người dân. Khi người dân trả tiền để hưởng dịch vụ đó thì người dân cũng có quyền tham gia giám sát.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc:  PPP phải là Luật thông thoáng, đôi bên cùng có lợi

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, rất cấp bách, cần thiết có Luật Đầu tư theo hình thức công tư (PPP) để kêu gọi nguồn lực phát triển; bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư, xã hội hóa đầu tư, kêu gọi tư nhân tham gia. Theo Thủ tướng Chính phủ, ở các nước phát triển, họ đầu tư xong, người dân chỉ việc hưởng lợi. Nhưng ở nước ta, giờ mới vừa sản xuất kinh doanh, vừa đầu tư hạ tầng. Trong dân nguồn lực còn rất lớn nhưng chưa kêu gọi được, chưa có luật pháp bảo vệ họ thì họ không thể bỏ vốn ra được.Thủ tướng khẳng định, các ĐB Quốc hội, Chính phủ đều thúc đẩy Luật ra đời theo hướng “một Luật thông thoáng cùng có lợi”.

“Lợi ích tối đa cho Nhà nước, nguyên tắc là phải bảo vệ quyền lợi cho Nhà nước nhưng nhà đầu tư có lợi thì họ mới làm. Họ không làm chính trị, họ làm kinh tế. Hai bên cùng có lợi, cùng phát triển, cùng hưởng lợi thì chúng ta mới có thể kêu gọi vốn trong dân, các nhà đầu tư nước ngoài, trong nước cùng làm ăn” - Thủ tướng khẳng định.

Đồng thời nêu rõ, cần phải nhanh về thủ tục, thuận lợi trong quản lý, minh bạch, khách quan. Bởi hiện nay, do vẫn còn sự chồng chéo, vướng mắc về luật pháp nên các nhà đầu tư chưa nhiệt huyết đầu tư vào Việt Nam.

Nhấn mạnh thể chế rất quan trọng, Thủ tướng chỉ rõ, theo quy luật kinh tế, khi đầu tư theo hình thức công tư, cả Nhà nước, nhà đầu tư, người dân đều có lợi, dân sẽ giàu có hơn. Dân có giàu thì nước mới mạnh, đó cũng chính là mục tiêu của Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh đó, Nhà nước phải có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư tư nhân, họ mới yên tâm đầu tư. Tất cả lĩnh vực phải mở rộng hơn để thu hút khối tư nhân tham gia theo phương châm "Nhà nước và tư nhân cùng làm", trừ những lĩnh vực mà Nhà nước phải nắm "yết hầu" kinh tế như chính sách tiền tệ, an ninh, quốc phòng...

Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý, Dự Luật có phân cấp rất mạnh song cũng nên có sự giám sát. Nếu có một nhà đầu tư thì chỉ định, còn hai nhà đầu tư trở lên thì đấu thầu. Luật này nên quy định những nguyên tắc quan trọng để nhà đầu tư yên tâm, còn lại giao cho Chính phủ quy định những nội dung cụ thể.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần