Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt: Đề nghị thí điểm một đặc khu, không nên làm đồng loạt

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 23/5, Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (gọi tắt là Luật Đặc khu). Dù đã cắt giảm bớt ưu đãi tại đặc khu, song các đại biểu (ĐB) vẫn băn khoăn và tranh luận hết sức sôi nổi.

Cắt giảm nhiều ưu đãi

So với bản Dự Luật trình trong những lần thảo luận trước, nhiều ưu đãi được cắt giảm. Dự Luật mới bỏ quy định về miễn thuế mà chỉ áp dụng giảm 50% thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân khác làm việc tại đặc khu. Đối với các dịch vụ kinh doanh casino, trò chơi điện tử, đặt cược, mức thuế tiêu thụ đặc biệt (VAT) được điều chỉnh từ 10% trong thời hạn 10 năm sang 15%...
 Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội). Ảnh: Quochoi.vn
ĐB Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho rằng, thuế VAT gánh trên mình nhiệm vụ điều tiết tiêu dùng, định hướng tiêu dùng. Do đó nên bỏ quy định giảm thuế VAT với một số dịch vụ đặc biệt như kinh doanh casino, đặt cược, trò chơi điện tử… Tương tự, với thuế thu thập cá nhân, ĐB Mai cho rằng, đặt vấn đề miễn cũng là chưa phù hợp vì "bản chất của thuế thu nhập cá nhân là có thu nhập thì phải chịu thuế". Do đó, ĐB hướng theo phương án giảm 50% thuế với các nhà quản lý, chuyên gia trình độ chuyên môn cao…Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, 85% nhà đầu tư (NĐT) khi được phỏng vấn đều cho rằng thuế chưa phải là vấn đề quan trọng. Hiện, nhiều nước cũng không đặt thuế là vấn đề tiên quyết. “Do đó cần rà soát chính sách thuế để đảm bảo tính khả thi trong khi nguồn lực thực hiện có hạn” - ĐB Mai đề nghị.

Theo ước tính, nguồn lực để đầu tư cho 3 đặc khu là 1,57 triệu tỷ đồng. Các ĐB cho rằng, với tính chất đặc thù của cả 3 đặc khu là kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, dù có huy động nguồn lực bên ngoài thì có những công trình, dự án, hạng mục vẫn không thể thiếu được bàn tay Nhà nước. Vì sử dụng ngân sách là bất buộc nên phải tính cụ thể trong tổng số nguồn lực ấy thì Nhà nước đầu tư vào bao nhiêu và tính khả thi của các dự án thực hiện.

Thêm nhiều yếu tố phải cân nhắc

Theo Dự Luật lần này, Chủ tịch UBND đặc khu có thẩm quyền vừa lập dự án, vừa thẩm định, vừa phê duyệt, vừa ký kết hợp đồng đầu tư dự án. Theo các ĐB, đây là quy trình có nhiều công đoạn khác nhau, được thực hiện bởi nhiều chủ thể khác nhau. Nếu chỉ giao cho một cá nhân thực hiện toàn bộ quy trình này, có lẽ sẽ rất khó đảm bảo tính khách quan, hợp lý. Rất có thể có trường hợp gây thất thoát cho ngân sách.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị: Dự Luật bỏ điều khoản thời hạn giao đất 99 năm. “Không có vòng đời dự án đầu tư nào cần đến thời hạn 99 năm. Thời hạn này thực chất là ưu đãi bổ sung để NĐT có thể chuyển nhượng sau khi khai thác xong hoặc là thay đổi dự án giữa chừng mà không phải trả lại đất” - ĐB Nghĩa nêu. Đồng thời cũng cho rằng, lãnh thổ 3 đặc khu đều liên quan tới biển đảo, chủ quyền trên biển: Từ Vân Đồn tới đảo Hải Nam (Trung Quốc) chỉ cách 200 hải lý, Vịnh Vân Phong rất gần Trường Sa nên phải tuân theo Luật Biên giới, Luật Biển và Tài nguyên nước.

ĐB Trương Trọng Nghĩa cũng đặt câu hỏi về việc có cần thiết cả 3 đặc khu có casino không trong khi Singapore cũng chỉ mở một casino từ năm 2012 sau hàng chục năm cấm. Do vậy, cần rà soát chặt chẽ NĐT chiến lược, để đặc khu thu hút NĐT công nghệ cao, không chỉ thu hút các NĐT bất động sản, casino. ĐB cũng cho rằng, trong lộ trình thành lập các đặc khu chỉ nên làm trước một đặc khu để rút kinh nghiệm, không nên làm đồng loạt. "Lò đã nóng lắm rồi, không ai muốn có thêm nhiều củi vào lò khi đặc khu ra đời" - ĐB nói.

ĐB Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) bày tỏ quan điểm, nói đến đặc khu, đừng bỏ qua 2 yếu tố: Thứ nhất, đang thử nghiệm nên có thể thành công hoặc thất bại, do đó “không thể phiêu lưu”; thứ hai, về địa chính trị. Nhấn mạnh trách nhiệm của các ĐB khi bỏ phiếu các vấn đề liên quan đến đặc khu, ĐB Dương Trung Quốc đề nghị Quốc hội nên có hình thức minh bạch ý kiến ĐB Quốc hội, nếu áp dụng hình thức bấm nút chỉ có con số chung chung.