Quy chế tổ chức kinh doanh dịch vụ ăn uống đường phố: Sẽ lấy ý kiến các chủ cửa hàng

Hoàng Lan (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội muốn nói không với bún “chửi”, cháo “chửi”. Chính vì vậy, vừa qua, UBND TP Hà Nội đã giao cho Sở VH&TT chủ trì, phối hợp xây dựng và ban hành Quy chế tổ chức kinh doanh dịch vụ ăn uống đường phố trên địa bàn.

Quy chế này sẽ được xây dựng như thế nào, liệu có trùng lặp với các quy tắc ứng xử chuẩn bị được ra đời? Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội xung quanh các vấn đề này.
Dư luận đang rất quan tâm Quy chế này sẽ được xây dựng như thế nào? Ông có thể cho biết thời gian dự kiến để Quy chế có thể ra đời?
- UBND TP vừa có chỉ đạo về việc thực hiện nếp sống văn hóa trong kinh doanh dịch vụ ăn uống đường phố theo hướng văn minh, hiện đại, giao các địa phương, đơn vị liên quan triển khai theo đúng chức năng quản lý của mình. Sở VH&TT được giao phối hợp với Sở Công Thương, Sở Y tế xây dựng Quy chế trình UBND TP ban hành. TP không ấn định thời gian ban hành, song chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành sớm. Dự kiến, các bước xây dựng Quy chế sẽ diễn ra như sau: Trước hết, Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan tiến hành khảo sát nhằm nhận diện chính xác thực trạng giao tiếp ứng xử trong các nhà hàng, quán ăn; đồng thời đánh giá mức độ quan tâm và nhu cầu ban hành “Quy chế tổ chức kinh doanh dịch vụ ăn uống đường phố theo hướng văn minh, hiện đại” tại các địa bàn trung tâm của TP. Trên cơ sở các kết quả khảo sát, kết hợp với việc nghiên cứu tài liệu liên quan, chúng tôi sẽ tổ chức các hội thảo xin ý kiến và tiến hành xây dựng dự thảo Quy chế. Nội dung Quy chế có thể sẽ bao gồm một số vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội như: Giao tiếp ứng xử trong nhà hàng, quán ăn dành cho cả chủ hàng và khách hàng; vấn đề vệ sinh ATTP trong nhà hàng và trên hè phố (bao gồm niêm yết công khai chứng nhận ATTP và các điều kiện liên quan đến dịch vụ ăn uống…); vấn đề công khai giá tiền của các món ăn… Dự thảo sẽ được lấy ý kiến góp ý của đông đảo các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là ý kiến của các chủ thể kinh doanh dịch vụ ăn uống; các nhà quản lý trật tự đô thị, an toàn vệ sinh thực phẩm; và các chuyên gia pháp chế, chuyên gia quản lý văn hóa…
Hà Nội đang chuẩn bị ban hành Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Kinh doanh ăn uống đường phố cũng có thể là một nơi công cộng. Vậy, việc ban hành Quy chế này có trùng lặp với Bộ Quy tắc dự kiến ban hành trong tháng 1/2017?
- Các nội dung này có thể đã được quy định trong các văn bản khác, nhưng đây là biện pháp quan trọng mà TP yêu cầu để cụ thể hóa các quy định đó đi vào cuộc sống. Trên thực tế các quy định có rồi nhưng việc hệ thống hóa những quy định đó để các quán ăn, nhà hàng ứng xử văn minh và công khai minh bạch hơn thì chưa có và thậm chí các chủ nhà hàng, quán ăn lẫn khách hàng vẫn mơ hồ về điều này. Quy chế sẽ tổng hợp cô đọng, xúc tích nhằm giới thiệu lại và cụ thể hóa các nội dung cơ bản các văn bản liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động kinh doanh ăn uống hè phố để người dân dễ ghi nhớ, đi vào cuộc sống.
Theo ông, có thể kỳ vọng khi Quy chế ra đời sẽ xóa bỏ được hoàn toàn các hàng quán kinh doanh kiểu cháo “chửi”, bún “chửi”?
- Thủ đô là nơi quy tụ rất nhiều sắc thái văn hóa của mọi vùng miền trong cả nước và không ít người nước ngoài; là nơi tập trung nhiều loại hình kinh doanh, lao động, trong đó lĩnh vực kinh doanh dịch vụ ăn uống với số lượng lớn, nhiều chủ thể, đối tượng tham gia rất đa dạng và cũng rất phức tạp. Gần đây, công luận có phản ứng, bức xúc trước một số điểm kinh doanh ứng xử chưa chuẩn mực của người bán hàng như bún chửi, cháo quát, ốc lắm mồm, quán chặt chém… Nhưng xin khẳng định rằng, đây chỉ là số ít trường hợp cá biệt trong hàng vạn người kinh doanh dịch vụ ăn uống ở Hà Nội văn minh, lịch sự khác. Ban hành Quy chế này bên cạnh thuận lợi là được chính quyền quan tâm, sự ủng hộ của Nhân dân và công luận, nhưng khó khăn là việc tổ chức thực hiện có phát huy được tính tự giác của cả chủ hàng và khách hàng lâu dài, bền vững, tạo thành nét đẹp văn hóa không.
Ông có tính đến việc sẽ xây dựng chế tài xử phạt đối với các trường hợp vi phạm Quy chế?
- Quy chế chưa được dự thảo nên bây giờ chưa thể định hình được các biện pháp kiểm tra, xử lý với các trường hợp vi phạm. Song, theo chúng tôi, các chế tài xử phạt phải tuân thủ các điều luật liên quan hiện hành. Kinh doanh muốn tồn tại phải có khách hàng, nếu khách hàng tẩy chay các hình thức kinh doanh phản văn hóa thì chắc chắn chủ thể kinh doanh đó không thể tồn tại, đây là mục tiêu mà chúng tôi đặt ra khi xây dựng Quy chế này. Để làm được như vậy, chúng tôi mong muốn các phương tiện truyền thông đại chúng cùng các tầng lớp Nhân dân đồng lòng với chúng tôi nói không với các trường hợp kinh doanh chưa chuẩn mực về văn hóa, cùng xây dựng môi trường văn hóa Hà Nội lành mạnh, phong phú; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa Thăng Long - Xứ Đoài, truyền thống Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần