Quy chế tuyển sinh đại học năm 2020: Được áp dụng thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp

Bảo Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ GD&ĐT vừa công bố quy chế chính thức tuyển sinh đại học năm 2020, theo đó, các cơ sở giáo dục được áp dụng phương thức thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp thi tuyển và xét tuyển.

Năm nay, các thí sinh phải đối mặt với sự đa dạng trong tuyển sinh đại học do Luật Giáo dục từ 1/7 cho phép các trường tự chủ trong tuyển sinh.
Ngày 8/5, Bộ GD&ĐT đã công bố quy chế tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non (Quy chế). Theo đó, Quy chế áp dụng với cơ sở giáo dục tuyển sinh đào tạo chính quy; tuyển sinh đào tạo vừa làm vừa học, theo đặt hàng và liên thông; tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ sở đào tạo trong công tác tuyển sinh... (không áp dụng đối với việc tuyển sinh đi học nước ngoài, đào tạo từ xa).
Với các trường đào tạo sư phạm, từ 1/7 khi Luật Giáo dục có hiệu lực, chỉ tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non (không tuyển sinh trình độ trung cấp sư phạm).
Về đề án tuyển sinh, Quy chế yêu cầu các trường phải đảm bảo: Cung cấp đầy đủ các thông tin về tuyển sinh trình độ đại học (ĐH), trình độ cao đẳng (CĐ) ngành giáo dục mầm non và các điều kiện đảm bảo chất lượng (Phụ lục kèm theo); quy định chỉ tiêu tuyển sinh theo các hình thức tuyển sinh khác nhau (nếu có) và ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào phù hợp với quy định của Quy chế này, thể hiện chính sách chất lượng của nhà trường; quy định rõ về việc trường có sử dụng hay không và các điều kiện để sử dụng kết quả miễn thi bài thi môn ngoại ngữ, điểm thi được bảo lưu từ các kỳ thi THPT, THPT quốc gia các năm trước;
Ngoài ra, các trường quy định rõ phương thức xét tuyển học sinh tốt nghiệp trung cấp sư phạm vào học trình độ CĐ ngành giáo dục mầm non, tuân thủ quy định Quy chế; ghi rõ năm bắt đầu đào tạo, quyết định cho phép của cơ quan có thẩm quyền hoặc quyết định của trường được tự chủ đối với các ngành tuyển sinh theo quy định của pháp luật.
Các trường đào tạo sư phạm có thể mở rộng diện xét tuyển thẳng đối với các học sinh đã tốt nghiệp trường THPT chuyên của các tỉnh, TP vào các ngành phù hợp với môn học chuyên hoặc môn đoạt giải nếu đáp ứng điều kiện: 3 năm học THPT chuyên của tỉnh đạt học sinh giỏi hoặc đoạt giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi học sinh giỏi do cấp tỉnh trở lên tổ chức và các điều kiện khác do trường quy định trong Đề án tuyển sinh của trường.
Tất cả nhà trường đều phải xây dựng và công khai Đề án tuyển sinh các hình thức đào tạo trên trang thông tin điện tử của trường trước 15 ngày tính đến ngày thí sinh bắt đầu đăng ký xét tuyển và chịu trách nhiệm giải trình về các nội dung của Đề án với Bộ GD&ĐT, cơ quan có thẩm quyền và các bên liên quan theo quy định và theo yêu cầu; chịu trách nhiệm trước pháp luật về điều kiện tuyển sinh, các điều kiện đảm bảo chất lượng, tính đầy đủ, chính xác của các nội dung trong đề án; gửi Đề án về Bộ GD&ĐT ngay sau khi đăng trên trang thông tin điện tử của trường.
Về nguyên tắc, phương thức tuyển sinh, Quy chế quy định các trường chỉ tuyển sinh khi đáp ứng đủ các điều kiện được phép đào tạo theo quy định hiện hành; phương thức tuyển sinh gồm: Thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển.