Quy định cụ thể trách nhiệm của người phát ngôn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 3/1, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã làm việc với Bộ TT&TT về tình hình thi hành Luật Báo chí tại một số tỉnh, TP trong cả nước năm 2013.

Theo Bộ TT&TT, hiện cả nước có hơn 800 cơ quan báo in; 92 báo, tạp chí điện tử; 67 đài phát thanh, truyền hình với gần 17.000 nhà báo được cấp thẻ và khoảng 5.000 phóng viên đang hoạt động báo chí nhưng chưa đủ điều kiện cấp thẻ nhà báo. Trong năm 2013, Bộ đã xử lý 49 trường hợp vi phạm, chủ yếu do không thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật về báo chí, trong đó vi phạm thông tin sai sự thật chiếm tỷ lệ khá lớn.

Tại buổi làm việc, các ý kiến tập trung đánh giá Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí được ban hành từ năm 1999 đến nay đã và đang bộc lộ những hạn chế, bất cập, không phù hợp với thực tiễn. Trong Luật đã có quy chế người phát ngôn, nhưng thực tế khi nhà báo tiếp cận vụ việc, sự kiện với người phát ngôn thì rất khó khăn. Đó là chưa kể người phát ngôn nhiều khi từ chối trách nhiệm phát ngôn của mình; họ biện bạch, đưa ra nhiều lý do để né tránh báo chí. Điều này đã khiến nhà báo phải tìm kiếm các nguồn tin khác mà rất dễ dẫn tới sai sót. Vì vậy, các đại biểu đề nghị Luật Báo chí cần quy định cụ thể tính trách nhiệm của người phát ngôn và xử lý họ như thế nào mỗi khi họ không tuân thủ luật pháp. Bên cạnh đó, trước những vi phạm thông tin sai sự thật chiếm tỷ lệ khá lớn, cần tăng chế tài xử phạt, rõ trách nhiệm của các đối tượng khi có sai phạm xảy ra…