Quy định mới gắn với quyền của người lao động

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Luật Lao động (sửa đổi) vừa chính thức được công bố với nhiều sửa đổi, bổ sung lớn, quan trọng, trong đó có nhiều quy định mới liên quan mật thiết tới quyền lợi của người lao động.

Mở rộng sự bảo vệ đối với lao động
Khi công bố Luật, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ Luật có ba nội dung sửa đổi, bổ sung lớn. Đó là mở rộng đối tượng điều chỉnh; sửa đổi phù hợp hơn với các nguyên tắc của kinh tế thị trường và bảo đảm phù hợp, tiệm cận hơn các tiêu chuẩn lao động quốc tế, nhất là các tiêu chuẩn lao động cơ bản.
Trong đó, có nhiều điểm mới như: Nới trần làm thêm giờ theo tháng từ 30 giờ/tháng lên 40 giờ/tháng và quy định cụ thể các trường hợp được làm thêm giờ đến 300 giờ/năm; bổ sung 1 ngày nghỉ lễ liền kề trước hoặc sau ngày Quốc khánh 2/9.
 Công nhân làm việc tại một nhà máy ở quận Long Biên. Ảnh: Phạm Hùng
Bộ Luật cũng mở rộng bảo vệ pháp luật với người lao động như Nhà nước chỉ ban hành mức lương tối thiểu, người sử dụng lao động tự quyết định chính sách tiền lương (thang bảng lương) trên cơ sở tham vấn với tổ chức đại diện người lao động. Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, từ 1/1/2021, Nhà nước sẽ không ban hành thang bảng lương mà giao cho DN quyết định. Nhà nước chỉ ban hành mức lương tối thiểu làm cơ sở để thỏa thuận và thương lượng.
Một điểm đáng quan tâm nữa là Bộ Luật còn bảo đảm hơn sự tự do giao kết hợp đồng lao động. Theo đó, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần lý do mà chỉ phải báo trước với người sử dụng lao động. Đồng thời, mở rộng sự bảo vệ đối với lao động chưa thành niên ở cả khu vực chính thức và phi chính thức, lao động chưa thành niên làm việc không có quan hệ lao động.
Bộ Luật cũng đưa khuôn khổ pháp luật tiệm cận với các tiêu chuẩn lao động quốc tế, nhất là các tiêu chuẩn lao động cơ bản như, quy định quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động...
“Quyền” nghỉ hưu sớm
Điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình là nội dung được dư luận xã hội và người lao động dành nhiều sự quan tâm. Theo đó, kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035 và quy định về quyền nghỉ hưu sớm hơn hoặc muộn hơn không quá 5 tuổi.
Trả lời những câu hỏi xoay quanh việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu như, tăng tuổi nghỉ hưu sẽ có tác động như thế nào tới người lao động, lương hưu của người nghỉ hữu sẽ tăng như thế nào?… Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu là chiến lược đa mục tiêu: Nhằm tăng trưởng kinh tế; giải quyết việc làm cho giới trẻ; thích ứng với già hóa dân số khi điểm rơi của cơ cấu dân số già là năm 2040; bảo toàn sự phát triển bền vững của Quỹ BHXH; bảo đảm rút dần khoảng cách chênh lệch về giới trong độ tuổi nghỉ hưu và tiến tới cân bằng trong độ tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ.
Bộ trưởng cũng cho biết, kèm theo sửa Bộ Luật Lao động, còn cần phải sửa rất nhiều luật khác liên quan đến quyền của người nghỉ hưu và người hưởng chế độ hưu. Trước mắt, năm 2021, cần rất khẩn trương sửa đổi Luật BHXH, Luật Việc làm... Trong Luật BHXH, có thể điều chỉnh giảm thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống còn 15 năm để tăng số người tham gia và tiến tới có thể 10 năm theo 3 nguyên tắc: Đóng hưởng, bình đẳng và chia sẻ.
Liên quan đến việc nghỉ hưu sớm hơn hay muộn hơn so với trần tuổi nghỉ hưu, Bộ Lật đã sửa đổi theo hướng linh hoạt cho người lao động. Cụ thể, quy định trước đây cho phép người lao động “có thể” nghỉ hưu sớm hơn hoặc muộn hơn so với trần tuổi nghỉ hưu, nay Bộ Luật quy định, người lao động “có quyền” nghỉ hưu sớm hơn hoặc muộn hơn so với trần tuổi nghỉ hưu.
Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, “quyền này có thể tiến tới đưa thành quy định của Luật BHXH. Theo đó, người lao động có thể nghỉ hưu trước 5 năm, thậm chí 10 năm, nhưng nếu chưa đủ tuổi nghỉ hưu thì phải chờ. Tất cả thông lệ quốc tế đều quy định như vậy. Nếu chưa đủ tuổi nghỉ hưu, người lao động có thể đóng bổ sung vào một lần để đủ tuổi và được hưởng luôn chế độ nghỉ hưu”.

Để thực thi Bộ Luật, dự kiến từ nay đến 2021, Chính phủ sẽ ban hành 14 nghị định và quyết định của Thủ tướng, 7 thông tư của Bộ LĐTB&XH nhằm quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ Luật. Trong đó, Bộ sẽ ban hành danh mục những nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để làm cơ sở xác định những trường hợp người lao động có thể nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn quy định (khoảng 1.810 nghề, với số lượng hiện khoảng 3 triệu người).