Quy định mới xử lý vi phạm trật tự xây dựng: Vẫn chưa bịt được kẽ hở

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giới chuyên gia xây dựng – quy hoạch tỏ ra khá bất ngờ với Thông tư 03/2018/TT-BXD hướng dẫn Nghị định 139/2017/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng vừa được Bộ Xây dựng ban hành.

 
Sự bất ngờ xuất phát từ việc, khi soạn thảo Thông tư này, nhiều người đã kỳ vọng các quy định pháp lý sẽ bịt kẽ hở “phạt cho tồn tại”, nhất là khi vi phạm xây dựng ngày một gia tăng. Tuy nhiên thực tế hoàn toàn trái ngược. Xung quanh vấn đề này, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với TS Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng.
Xin ông cho biết quan điểm của mình xung quanh việc bỏ quy định cho nộp tiền để tồn tại công trình sai phạm và buộc tháo dỡ phần diện tích vi phạm?

- Trước đây, khi Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 02/2014/TT-BXD ngày 12/2/2014 cho phép nộp tiền để tồn tại công trình xây dựng sai phép, không phép, tôi đã khẳng định rằng: “Chúng ta đã có dấu hiệu lùi bước trước những chủ đầu tư sai phép”. Tại sao không triệt tiêu cả phần sai phạm mà chỉ yêu cầu nộp phạt ở mức 40 - 50% giá trị phần sai phép, không phép? Sai phạm phổ biến nhất trong xây dựng là vượt tầng, do đó phải “cắt ngọn”, dỡ bỏ hết những tầng xây trái phép. Còn nếu cứ hễ vi phạm mà lại được nộp phạt, luật có vẻ đang khuyến khích vi phạm thay vì ngăn chặn được nó.
Thực tế, hàng loạt chung cư vượt tầng, khu đô thị phá vỡ quy hoạch nhưng vẫn mãi điệp khúc phạt cho… tồn tại. Rõ ràng đang hợp thức hóa những vi phạm đó. Người dân bình thường mới đổ đống cát giữa nhà đã thấy bóng dáng Thanh tra xây dựng, lực lượng đô thị xuất hiện. 
 Cưỡng chế vi phạm tại phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm
Trong khi có những công trình xây dựng ngang nhiên sai phạm giữa thanh thiên bạch nhật lại được "ngó lơ". Nhiều sai phạm ở các dự án, công trình lớn, thậm chí xây dựng trên đất nông nghiệp, đất quân sự không phát hiện, ngăn chặn kịp thời.

Điều kiện nhà xây sai phép không bị tháo dỡ theo Thông tư 03/2018/TT-BXD của Bộ Xây dựng

Chủ đầu tư công trình xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế hoặc sai thiết kế đô thị được duyệt xảy ra từ ngày 4/1/2008 và đã kết thúc trước ngày 15/1/2018 nhưng sau ngày 15/1/2018 mới được người có thẩm quyền phát hiện hoặc đã được phát hiện trước ngày 15/1/2018 và đã có một trong các văn bản sau đây: Biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc quyết định áp dụng bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả; không vi phạm chỉ giới xây dựng; không ảnh hưởng các công trình lân cận; không có tranh chấp; xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp; nay phù hợp với quy hoạch xây dựng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt được đóng tiền phạt để hợp thức hóa công trình (điều chỉnh giấy phép xây dựng và không phải tháo dỡ phần nhà trái phép).
Tại Thông tư 03/2018/TT-BXD lần này lại có quy định 6 điều kiện nhà xây sai phép không bị tháo dỡ. Ông có thể nêu quan điểm về quy định này?

- Thông tư 03 có quy định điều kiện nhà xây trái phép không bị tháo dỡ. Trong đó, đối với công trình vi phạm xây dựng nhưng chưa thực hiện tháo dỡ, cơ quan chức năng xem xét hủy quyết định cưỡng chế phá dỡ. Sau đó, cấp thẩm quyền phạt mức 40% đối với nhà ở riêng lẻ, với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng phạt 50% giá trị công trình sai phép, không phép. Quy chiếu theo lý thuyết trên, Thông tư 03 lần này của Bộ Xây dựng, các công trình không phép, sai phép hất ngược từ năm 2018 đổ về trước vẫn ở dạng phạt cho… tồn tại. Thậm chí, còn dành “đường sống” cho các vi phạm trật tự xây dựng từ năm 2018 trở đi. Chỉ tính riêng năm 2017, một số địa phương tình trạng xây dựng sai phép, không phép diễn ra tràn lan. Thay vì mở rộng khoảng thời gian để xử lý phá dỡ các vi phạm tồn tại dai dẳng, Thông tư lại thiên về bó hẹp. Thay vì triệt tiêu nhà không phép, sai phép sau này, Thông tư 03/2018/TT-BXD không khác Thông tư số 02/2014/TT-BXD là bao.

Đồng nghĩa khối lượng các công trình không phép, sai phép trước đây và sau này vẫn có thể ở dạng… phạt cho tồn tại, thưa ông?

- Việc ra Thông tư cho phép nộp phạt để những công trình trái phép được tồn tại là biện pháp trong hoàn cảnh bất lực của cơ quan quản lý. Lâu nay, người ta vẫn nghe nói chuyện xin - cho trong cấp phép xây dựng. Bộ Xây dựng có lẽ cũng đã nhìn thấy và thấu hiểu chuyện quy định cứ quy định còn vi phạm vẫn cứ vi phạm.

Từ phía cơ quan cấp phép xây dựng cũng còn nhiều bất cập dẫn tới vô lý. Người cấp phép đôi khi cũng không đưa ra được cái lý để người dân nể phục. Tại sao tòa nhà chỉ được xây 12 tầng mà 13, 15 tầng vẫn lọt lưới? Các vị trí đặc biệt, theo quy hoạch kiến trúc đô thị không nói làm gì nhưng cùng khu phố chỉ được tối đa 5 tầng mà có nhà “nhảy” 8 tầng lý do làm sao? Về hiệu ứng dư luận, rõ ràng những văn bản mang tính "thỏa hiệp " như trên sẽ tạo tiền lệ luật vô nguyên tắc. Để có thể chấp nhận được và tạo sức răn đe, nội dung của Thông tư cần phải quy định rõ trường hợp nào được nộp phạt, trường hợp nào sẽ bị tháo dỡ thậm chí là thu hồi để xung công. Trường hợp xây nhà cấp bốn trên đất trái phép hoặc cố ý "đội tầng" hoàn toàn có thể cho tháo dỡ chứ có khó khăn gì đâu? Phải chia ra các trường hợp cụ thể, chứ chung chung rồi “bôi trơn”, luật chẳng còn giá trị răn đe được ai.

Nhiều ý kiến cho rằng, quan trọng nhất vẫn là triệt tiêu vi phạm khi còn trứng nước?

- Phần lớn nhà cao tầng nằm lẫn trong khu dân cư. Việc thực hiện phá dỡ phần công trình vi phạm vì thế rất khó khăn. Đặc biệt, những phần vi phạm thuộc phần ngầm không thể phá dỡ vì sẽ loại bỏ gần như toàn bộ công trình cả ở phần chìm lẫn phần nổi nếu đã thi công xong một phần hoặc toàn bộ phần thân... Do đó, cần kiểm soát chặt trước khi công trình rõ hình hài, giải quyết từ “gốc” bao giờ cũng dễ dàng hơn trên “ngọn”.

Động thái điều chuyển Đội thanh tra xây dựng về quận, huyện, theo tôi là nhằm mục đích đó. Bám sát địa bàn, triệt nạn bảo kê và tuýt còi vi phạm trật tự xây dựng ngay khi còn trứng nước. Tuy nhiên, tôi cũng nghe phản ánh đâu đó tình trạng “chìm” vi phạm khi có sự câu kết giữa Tổ thanh tra xây dựng phường với UBND phường. Cho nên, địa bàn nào phát hiện ra "bao che" công trình sai phép, không phép phải đình chỉ, kỷ luật người đứng đầu. Mà thực tế đã có trường hợp bị kỷ luật. Nhưng cần làm mạnh hơn mới tạo tâm lý lo lắng, buộc các Chủ tịch quận, huyện thực thi tốt trách nhiệm của họ.

Xin cảm ơn ông!

"Từ nhiều năm nay, Nhà nước đã đưa ra đủ các chế tài nhằm đảm bảo việc xây dựng thực hiện theo đúng quy hoạch. Ở khía cạnh này nên tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được cấp phép bằng cách công bố, công khai quy hoạch, sớm hoàn thiện quy hoạch chi tiết… để tránh hiện tượng xây trước, xin giấy phép xây dựng sau." - TS Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng