Quy định tổ chức ăn bán trú cho học sinh khi trở lại trường

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Bộ GD&ĐT vừa ban hành Quyết định số 543/QĐ-BGDĐT phê duyệt Sổ tay bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học. Đây là tài liệu được sửa đổi, bổ sung lần thứ 2 nhằm bảo đảm phù hợp với công tác tổ chức dạy học trong tình hình mới.

Quyết định số 543/QĐ-BGDĐT được thay thế cho Quyết định 406/QĐ-BGDĐT ngày 27/1/2022 của Bộ GD&ĐT, cung cấp nội dung cơ bản, ngắn gọn, cập nhật các quy định, hướng dẫn liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học trên cơ sở các hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT và Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Sổ tay ban hành kèm Quyết định này nêu đầy đủ, chi tiết các nguyên tắc phòng chống dịch Covid- 19 trong trường học (trước khi học sinh đến trường, trong thời gian học sinh học tập tại trường, sau khi học sinh rời trường); các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh (công tác chuẩn bị của nhà trường; ứng phó của nhà trường khi có trường hợp bệnh nghi ngờ trong trường học; xử trí khi có trường hợp nghi ngờ mắc Covid- 19 trong trường học; công tác chuẩn bị cho học sinh đến trường học tập trực tiếp; tổ chức ăn bán trú cho học sinh).

Bộ GD&ĐT lưu ý 5 nguyên tắc tổ chức ăn bán trú cho học sinh tại trường học
Bộ GD&ĐT lưu ý 5 nguyên tắc tổ chức ăn bán trú cho học sinh tại trường học

Như vậy, so với trước đó, Quyết định số 543/QĐ-BGDĐT đã bổ sung nhiều điểm mới, trong đó quy định tổ chức ăn bán trú cho học sinh khi trở lại trường. Đây là một trong những vấn đề nhận được nhiều quan tâm của phụ huynh khi con đi học trực tiếp.

Khẳng định quan điểm tổ chức cho học sinh ăn bán trú để tạo thuận tiện, giảm phiền hà cho phụ huynh và gia đình các em, tại Quyết định số 543/QĐ-BGDĐT của Bộ GD&ĐT có nêu các nguyên tắc thực hiện ăn bán trú.

Theo đó, khi tổ chức cho trẻ mầm non, học sinh ăn bán trú, nhà trường cần bảo đảm thực hiện 5 yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.

Thứ nhất, nhà trường phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành Y tế và ngành Giáo dục, trong đó bảo đảm theo nguyên tắc hạn chế giao lưu, tiếp xúc giữa các học sinh trong cùng lớp và giữa các lớp. 

Thứ hai, ưu tiên tổ chức ăn, ngủ, nghỉ ngay tại lớp học; học sinh lớp nào ăn, ngủ riêng theo lớp đó.

Thứ ba, học sinh ăn theo suất riêng, không dùng chung các đồ dùng cá nhân, rửa tay với nước sạch và xà phòng trước và sau khi ăn. 

Thứ tư, vệ sinh, khử khuẩn nhà ăn sau mỗi lượt tổ chức cho học sinh ăn (nếu tổ chức ăn ở nhà ăn chung của nhà trường).

Thứ năm, bảo đảm an toàn thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Bộ GD&ĐT lưu ý, khi Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn chuyên môn khác với hướng dẫn tại tài liệu này thì các cơ sở giáo dục thực hiện theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế. 

Để bảo đảm triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học được thực hiện nghiêm túc, thống nhất, căn cứ Sổ tay bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học được ban hành kèm theo Quyết định số 543/QĐ-BGDĐT, Sở GD&ĐT Hà Nội đang khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung những nội dung hướng dẫn đã ban hành cho phù hợp. Sở cũng yêu cầu các nhà trường sử dụng, phổ biến, tập huấn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và tuyên truyền tới học sinh, cha mẹ học sinh về các nội dung của tài liệu do Bộ GD&ĐT cập nhật, ban hành. 

 

Tại Hà Nội, hiện học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 ngoại thành và học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 nội thành đang duy trì việc đến lớp học trực tiếp. Do tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn TP diễn biến phức tạp hơn, số ca lây nhiễm trong cộng đồng tăng mạnh cộng thời tiết rét đậm, rét hại, Hà Nội đã tạm dừng phương án cho học sinh tiểu học, lớp 6 thuộc 12 quận  học trực tiếp từ ngày 21/2 cho đến khi có thông báo mới của TP.

Sở GD&ĐT cũng có văn bản cho phép học sinh tiểu học chuyển sang học trực tuyến khi nhiệt độ dưới 10 độ C; học sinh THCS chuyển sang học trực tuyến khi nhiệt độ dưới 7 độ C; đồng thời nhấn mạnh các nhà trường tổ chức dạy học linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế. Việc tổ chức cho học sinh đến trường học trực tiếp cần được thực hiện theo tinh thần tự nguyện của gia đình học sinh. Các nhà trường đảm bảo song song giữa dạy trực tiếp và trực tuyến để không để học sinh nào bị gián đoạn việc học.

Được biết, trong tuần qua, số học sinh đi học trực tiếp tại Hà Nội giảm và duy trì ở mức trên 70% (trong đó với khối THPT còn 75,4%; khối THCS còn 77,02; khối tiểu học ở các huyện còn 79%).

Hiện Sở GD&ĐT Hà Nội chưa đề xuất phương án cho học sinh tiểu học, lớp 6 tại 12 quận đến trường trở lại.