Quy định từ tháng 5/2019: Xử lý công chức tố cáo sai sự thật, quy tắc ứng xử của học sinh

Trương Huyền (tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Học sinh không được bình luận ảnh hưởng xấu đến nhà trường trên mạng; tố cáo sai sự thật, công chức có thể bị xử lý hình sự... là những quy định mới, có hiệu lực từ tháng 5/2019.

 Thông tư 14/2019/TT-BTC do Bộ Tài chính có hiệu lực thi hành từ 1/5/2019
Hỗ trợ kinh phí đăng ký bảo hộ sản phẩm ở nước ngoài
Thông tư 14/2019/TT-BTC do Bộ Tài chính có hiệu lực thi hành từ 1/5/2019, về quản lý tài chính thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016 - 2020.
Thông tư nêu rõ nội dung và mức chi ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và bảo vệ tài sản trí tuệ. Cụ thể, hỗ trợ kinh phí đăng ký bảo hộ trong nước đối với các sản phẩm, dịch vụ, ưu tiên các đối tượng là kết quả nghiên cứu khoa học, sản phẩm chủ lực, sản phẩm quốc gia, kiểu dáng sản phẩm và giống cây trồng mới: Đối với đơn đăng ký bảo hộ sáng chế, tối đa không quá 30 triệu đồng/đơn; đối với đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, tối đa không quá 15 triệu đồng/đơn.
Đối với giống cây trồng mới: Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm phê duyệt nội dung và mức hỗ trợ căn cứ vào các công việc liên quan và các định mức chi hiện hành để thực hiện. Mức hỗ trợ tối đa không quá 30 triệu đồng/đơn.
Hỗ trợ kinh phí đăng ký bảo hộ ở nước ngoài đối với các sản phẩm, dịch vụ là kết quả nghiên cứu khoa học, sản phẩm chủ lực, sản phẩm quốc gia, kiểu dáng sản phẩm và giống cây trồng mới: Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm phê duyệt nội dung và mức hỗ trợ căn cứ vào các công việc liên quan và các định mức chi hiện hành (tra cứu khả năng bảo hộ, giao dịch và dịch sang ngôn ngữ bản địa, thuê đại diện về sở hữu trí tuệ tại Việt Nam và quốc gia đăng ký, lập hồ sơ bảo hộ, theo dõi đơn đăng ký bảo hộ tại quốc gia đăng ký, báo cáo giải trình các vấn đề có liên quan theo yêu cầu của cơ quan sở hữu trí tuệ tại quốc gia đăng ký). Mức hỗ trợ tối đa không quá 60 triệu đồng/đơn; phần kinh phí còn lại (nếu có) do tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình tự trang trải.
Hỗ trợ kinh phí tổ chức trưng bày, triển lãm phân biệt sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và sản phẩm xâm hại quyền sở hữu trí tuệ: Ngân sách nhà nước hỗ trợ các khoản chi phí thuê mặt bằng; chi phí vận chuyển và thiết kế, dàn dựng gian hàng; chi phí hoạt động chung của Ban tổ chức (trang trí tổng thể, lễ khai mạc, bế mạc, in ấn tài liệu và các chi phí khác liên quan). Mức hỗ trợ tối đa không quá 10 triệu đồng/1 đơn vị tham gia.
Chỉ được nhập khẩu ôtô dưới 16 chỗ chở người qua 5 cửa khẩu
Thông tư 06 của Bộ Công Thương có hiệu lực từ ngày 8/5 quy định ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi chỉ được nhập khẩu về Việt Nam qua các cửa khẩu cảng biển: Quảng Ninh (Cái Lân), Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Thông tư 06 không áp dụng đối với các trường hợp như nhập khẩu, tạm nhập tái xuất của đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ, Thanh tra chính phủ; Phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh theo kế hoạch do Thanh tra chính phủ phê duyệt hoặc mục đích cá biệt theo quyết định của Thanh tra chính phủ.
Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Bộ KH&ĐT vừa ban hành Thông tư 05/2019/TT-BKHĐT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/5/2019 hướng dẫn hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thông tư nêu rõ mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước như sau: Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 50% tổng chi phí tổ chức một khóa đào tạo khởi sự kinh doanh, quản trị kinh doanh.
Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% học phí đối với học viên của doanh nghiệp nhỏ và vừa có trụ sở tại địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, học viên của doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ khi tham gia khóa đào tạo khởi sự kinh doanh, quản trị kinh doanh và quản trị kinh doanh chuyên sâu.
Theo Thông tư, đào tạo khởi sự kinh doanh, quản trị kinh doanh, quản trị kinh doanh chuyên sâu, đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp sản xuất, chế biến gồm: Khóa đào tạo khởi sự kinh doanh cung cấp kiến thức, kinh nghiệm cơ bản về khởi sự kinh doanh, thành lập doanh nghiệp; Khóa đào tạo quản trị kinh doanh và quản trị kinh doanh chuyên sâu cung cấp kiến thức về quản trị kinh doanh nhằm nâng cao kỹ năng vận hành, quản lý doanh nghiệp, trình độ quản trị sản xuất, kinh doanh; Khóa đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất, chế biến cung cấp kiến thức quản trị sản xuất chuyên sâu, huấn luyện thực tiễn tại hiện trường doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, còn có chương trình đào tạo trực tuyến, đào tạo qua các phương tiện thông tin đại chúng nhằm cung cấp kiến thức khởi sự kinh doanh và quản trị kinh doanh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Người lao động, cán bộ quản lý của doanh nghiệp nhỏ và vừa được cấp tài khoản, để tham gia học tập tại hệ thống đào tạo trực tuyến trên nền tảng web hoặc trên thiết bị di động thông minh.
Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Giáo sư
Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 04/2019/TT-BGDĐT quy định Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Giáo sư nhà nước, các Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành và Hội đồng Giáo sư cơ sở.
Thông tư quy định rõ tiêu chuẩn thành viên của các Hội đồng Giáo sư như sau: Thành viên các Hội đồng Giáo sư là giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng ở các cơ sở giáo dục đại học; cơ sở thực hành của cơ sở giáo dục đại học nhóm ngành sức khỏe của Việt Nam, đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại Điều 17 Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg. Thành viên Hội đồng Giáo sư không còn đủ tiêu chuẩn quy định hoặc bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên thì cấp có thẩm quyền thành lập Hội đồng Giáo sư quyết định miễn nhiệm và bổ nhiệm người thay thế.
Người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư của Hội đồng Giáo sư cơ sở tại cơ sở giáo dục đại học thành lập Hội đồng. Thanh tra Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc Bộ GD&ĐT thanh tra, kiểm tra hoạt động xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư của các Hội đồng Giáo sư; giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.
Tập thể, cá nhân để xảy ra sai sót, vi phạm trong quá hình xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 13/5/2019.
Quy định mới về sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Thông tư 03/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 32/2013/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện quy định hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo đó, Thông tư 03 bổ sung quy định về các trường hợp được sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam, đối với người không cư trú thực hiện theo quy định sau: Nhà đầu tư nước ngoài được đặt cọc, ký quỹ bằng ngoại tệ chuyển khoản khi tham gia đấu giá trong các trường hợp: Mua cổ phần tại doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
Mua cổ phần, phần vốn góp của nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
Mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác thực hiện thoái vốn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trường hợp trúng đấu giá, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện chuyển vốn đầu tư theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối để thanh toán giá trị mua cổ phần, phần vốn góp. Trường hợp đấu giá không thành công, nhà đầu tư nước ngoài được chuyển ra nước ngoài số tiền đặt cọc, ký quỹ bằng ngoại tệ sau khi đã trừ đi các chi phí phát sinh liên quan (nếu có).
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13/5/2019.
Lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô
Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 16/2019/QĐ-TTg quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông và xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu ngày 28/3/2019, có hiệu lực từ ngày 15/5/2019.
Theo đó, lộ trình áp dụng các mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông như sau:
Ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức và ô tô lắp động cơ cháy do nén tham gia giao thông sản xuất trước năm 1999 được tiếp tục áp dụng mức 1;
Ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức và ô tô lắp động cơ cháy do nén tham gia giao thông sản xuất từ năm 1999 đến hết năm 2008 áp dụng mức 2 từ ngày 1/1/2021;
Ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức và ô tô lắp động cơ cháy do nén tham gia giao thông sản xuất sau năm 2008 áp dụng mức 2 từ ngày 1/1/2020.
Theo quy định hiện hành, chỉ có các loại ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 4 và mức 5; các phương tiện còn lại đang áp dụng mức 1 là mức thấp nhất.
Học sinh lớp 1 được học kỹ năng phòng chống xâm hại
Theo Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 mới được ban hành tại Thông tư 05/2019/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 21/5/2019, yêu cầu phải có Bộ tranh về phòng tránh bị xâm hại, giúp học sinh hình thành năng lực tìm tòi khám phá kiến thức thông qua quan sát, vận dụng vào thực tế cuộc sống.
Bộ tranh gồm 2 tờ tranh minh họa về phòng tránh bị xâm hại: 1 tranh minh họa quy tắc bảo vệ cơ thể bé trai và bé gái phải có dòng chữ “Hãy nhớ! Không để ai sờ, động chạm vào cơ thể được đồ lót che kín. Trừ khi học sinh cần được bác sỹ thăm khám”;
1 tranh minh họa 03 bước phòng tránh xâm hại thông qua hình ảnh như bỏ chạy để thoát khỏi tình huống nguy hiểm hoặc kể lại với người thân… về những gì đã xảy ra với mình.
Học sinh không được bình luận ảnh hưởng xấu môi trường giáo dục
Thông tư 06/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ ngày 28/5, quy định Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên. Theo đó, học sinh không sử dụng trang phục gây phản cảm; không hút thuốc, sử dụng đồ uống có cồn, chất cấm trong cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật.
Quy tắc cũng yêu cầu học sinh không tham gia tệ nạn xã hội; không sử dụng mạng xã hội để phát tán, tuyên truyền, bình luận những thông tin hoặc hình ảnh trái thuần phong mỹ tục, trái đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục; không làm tổn hại đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của bản thân, người khác và uy tín của tập thể.
Tố cáo sai sự thật, công chức có thể bị xử lý hình sự
Nghị định 31/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo đã được Chính phủ ban hành ngày 10/4/2019, có hiệu lực từ ngày 28/5/2019. Một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị định này là quy định các biện pháp xử lý đối với người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức.
Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức tùy theo tính chất, mức độ, vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có một trong các hành vi sau:
Biết rõ việc tố cáo là không đúng sự thật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần hoặc biết vụ việc đã được giải quyết đúng chính sách, pháp luật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần mà không có bằng chứng chứng minh nội dung tố cáo;
Cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật.
Sử dụng họ tên của người khác để tố cáo gây mất đoàn kết nội bộ hoặc ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị.