Quy định về liên kết, phát triển Vùng Thủ đô trong Luật Thủ đô (sửa đổi)

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định một số nội dung nhằm cụ thể hoá chính sách liên kết, phát triển Vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực phát triển trọng điểm của đất nước.

Phát triển Vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững

Trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), quy định về liên kết, phát triển Vùng Thủ đô chủ yếu nằm ở chương V được quy định từ Điều 46 đến Điều 52.

Quy định về Vùng Thủ đô là bước kế thừa, phát triển các quy định về Vùng Thủ đô theo Luật Thủ đô năm 2012 và các văn bản cụ thể hóa, thi hành Luật Thủ đô năm 2012.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định một số nội dung nhằm cụ thể hoá chính sách liên kết, phát triển Vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực phát triển trọng điểm của đất nước.

Vành đai 4 - Vùng Thủ đô thúc đẩy phát triển liên vùng
Vành đai 4 - Vùng Thủ đô thúc đẩy phát triển liên vùng

Các quy định về Vùng Thủ đô trong dự thảo Luật mặc dù đã cơ bản thể hiện được tinh thần của các Nghị quyết Trung ương và kế thừa hợp lý các quy định hiện hành về Vùng Thủ đô. Tuy nhiên, vấn đề liên kết, phát triển vùng nói chung là nội dung khó, chưa được pháp lý hóa một cách chặt chẽ, rõ ràng, cụ thể, đồng bộ trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Trong đó, việc điều phối hoạt động đầu tư phát triển của các vùng kinh tế - xã hội nói chung và Vùng Thủ đô nói riêng cần rõ ràng về cơ chế đầu tư, cơ chế tài chính, cơ chế quản lý, điều hành, xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng địa phương trong vùng.

Để xây dựng các quy định về liên kết, phát triển Vùng Thủ đô trong Luật Thủ đô hiệu quả, khả thi, cần xem xét một số vấn đề. Trong đó, cần làm rõ mối quan hệ giữa Vùng Thủ đô, Vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng Trung du miền núi phía Bắc, cơ chế pháp lý liên quan đến hoạt động điều phối vùng của 3 vùng và các vấn đề liên quan đến quy hoạch, đầu tư phát triển của Vùng Thủ đô và Vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng Trung du miền núi phía Bắc.

Vùng Thủ đô có 10 tỉnh, thành phố

Hiện nay, Vùng Thủ đô có 10 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam và Hòa Bình, trong đó có 6 tỉnh thuộc Vùng Đồng bằng sông Hồng và 4 tỉnh thuộc Vùng Trung du miền núi phía Bắc (theo Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội).

Đồng thời, về quy hoạch, Vùng Thủ đô đang có quy hoạch xây dựng theo Quyết định số 768/QĐ-TTg ngày 6/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng không thuộc phạm vi xem xét, lập quy hoạch theo Luật Quy hoạch năm 2017 (Việc lập quy hoạch vùng được xác định theo 6 vùng kinh tế - xã hội. Hiện nay, việc lập Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Hồng đang được xem xét thực hiện).

Điều này đã gây khó khăn cho việc đưa các nội dung liên quan vào Luật Thủ đô (sửa đổi) để đảm bảo sự phù hợp, thống nhất của hệ thống pháp luật và đồng thời cũng gây khó khăn cho việc triển khai các nhiệm vụ giữa các vùng do có sự chồng lấn về các đơn vị hành chính (ví dụ việc triển khai lập, tổ chức thực hiện quy hoạch sẽ có sự chồng lấn giữ Vùng Thủ đô, Vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng Trung du miền núi phía Bắc)

Luật Thủ đô (sửa đổi) có phạm vi điều chỉnh cả những hoạt động kinh tế - xã hội của Vùng Thủ đô, Vùng Đồng bằng sông Hồng; trong đó, có quy định giao Thủ đô vai trò: “Chủ trì điều phối thực hiện và quản lý quy hoạch Vùng Thủ đô, Vùng Đồng bằng Sông Hồng sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;”, đây là nội dung cần xem xét kỹ lưỡng về tính khả thi, năng lực tổ chức thực hiện; trong trường hợp Thủ đô có thể đảm đương thì là rất tốt, nhưng quy định cũng có thể là một gánh nặng, vượt ra ngoài khả năng của Thủ đô.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, bổ sung các quy định đặc thù khác liên quan đến Vùng Thủ đô, Vùng đồng bằng sông Hồng vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) như: thẩm quyền về đầu tư các dự án có tính chất vùng, việc đầu tư sang địa bàn tỉnh khác của các địa phương, các ưu đãi đầu tư đối với dự án của Vùng, các cơ chế, quy định đặc thù về liên kết vùng trong các lĩnh vực: hạ tầng kỹ thuật, môi trường, giáo dục, lao động, quản lý dân cư, phân vùng sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, logistic…cần được làm rõ nét hơn, cụ thể hơn, tạo cơ sở cho việc liên kết vùng một cách hiệu quả, thực chất.

Ngoài ra, cần xem xét quy định chi tiết cơ chế phối hợp để phát triển hạ tầng vùng về giao thông và bảo vệ môi trường; trong đó, nghiên cứu phát triển các tuyến đường sắt đô thị kết nối các đô thị trung tâm Thủ đô với các đô thị của các tỉnh lân cận theo mô hình TOD và việc cải tạo, xử lý, làm sạch môi trường các con sông trong Vùng Thủ đô; việc quy hoạch, đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý chất thải tiên tiến, hiện đại của các địa phương trong Vùng một cách hợp lý, hiệu quả.

Bảo đảm hỗ trợ phát triển Thủ đô thuận lợi, có hiệu quả

Theo báo cáo thẩm tra Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) của Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, về vùng Thủ đô (Điều 46), có ý kiến cho rằng việc xác định vùng Thủ đô trong Dự thảo Luật đang có sự đan xen, chồng lấn với phạm vi của một số vùng phát triển kinh tế - xã hội hiện có.

Vì vậy, để bảo đảm tính khả thi, dự thảo Luật cần tập trung quy định về mối quan hệ liên kết giữa Thủ đô với chính quyền địa phương của các tỉnh giáp ranh nhằm xây dựng cơ chế phối hợp, giải quyết các nội dung liên quan đến nhiều địa phương.

Bên cạnh đó, cũng cần cho phép các địa phương có quan hệ liên kết vùng với Thủ đô được áp dụng một số chính sách đặc thù như thành phố Hà Nội để bảo đảm hỗ trợ phát triển Thủ đô một cách thuận lợi, có hiệu quả.

Về Hội đồng điều phối vùng Thủ đô (Điều 50), đề nghị tiếp tục cân nhắc việc quy định nội dung này trong Luật Thủ đô để bảo đảm thực hiện đúng chủ trương của Trung ương trong việc rà soát, giảm số lượng các ban chỉ đạo, tổ chức phối hợp liên ngành, không thành lập mới các ban chỉ đạo, tổ chức phối hợp liên ngành làm phát sinh bộ phận chuyên trách, tăng biên chế.