Quy hoạch các điểm dân cư đô thị tại quận ven đô: Bài toán chưa có lời giải

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khu vực các quận ven đô của Hà Nội, ngoài những tòa nhà, khu đô thị mới xây hiện đại, vẫn còn xen kẽ khá nhiều điểm dân cư có nguồn gốc từ các làng, xã với nhiều hạn chế về không gian sống. Thực trạng này đang đặt ra những thách thức đối với quy hoạch đô thị để hướng đến mục tiêu xây dựng Thủ đô văn minh - hiện đại.

Tòa nhà cao tầng phía sau cổng làng Mễ Trì Thượng (quận Nam Từ Liêm).
Cao ốc cạnh cổng làng!
Nam Từ Liêm là quận tiêu biểu của Hà Nội về tốc độ đô thị hóa nhanh. Từ khi được thành lập vào năm 2014 đến nay nhiều khu đô thị mới và các công trình công cộng hiện đại đã được xây dựng làm thay đổi bộ mặt đô thị tại đây. Tuy nhiên, tại các phường Mễ Trì, Phú Đô, Mỹ Đình… hiện diện ngay dưới chân những tòa nhà cao tầng vẫn là chiếc cổng làng. Điều dễ nhận thấy tại các điểm dân cư đô thị này vẫn là thiếu hệ thống hạ tầng giao thông, cấp thoát nước, chiếu sáng chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của đô thị; thiếu kết nối với hệ thống hạ tầng TP, hạ tầng công cộng; chất lượng môi trường ở còn hạn chế. Các điểm dân cư xen cấy các dự án phát triển khu nhà ở mới dẫn tới sự thiếu sự gắn kết trong kiến trúc cảnh quan... Đây cũng là tình trạng phổ biến tại nhiều quận như Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Cầu Giấy, Long Biên...

TS. KTS Lê Xuân Hùng (Đại học Kiến trúc Hà Nội) cho rằng, những mâu thuẫn tồn tại chủ yếu là việc thiếu gắn kết các chức năng đô thị mới với hạ tầng hiện hữu ở các làng xóm nông nghiệp. Hiện nay các đồ án quy hoạch chi tiết chủ yếu chỉ được thực hiện trong phạm vi ranh giới giao đất mà thiếu sự cập nhật, trao đổi thông tin với những không gian lân cận. Hệ quả là sự phát triển “lệch”, thiếu khớp nối, đồng bộ về kiến trúc cảnh quan giữa những đặc trưng không gian khác nhau.

Tập trung công tác quy hoạch

Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Nam Từ Liêm Hoàng Minh Hải cho biết, hiện trên địa bàn quận có 14 điểm dân cư đô thị chiếm diện tích khoảng 800ha. Trong đó, các điểm dân cư đô thị từ làng xóm cũ được tích hợp một cách tự nhiên vào cấu trúc đô thị qua quá trình phát triển mở rộng đô thị, mở rộng hành chính của TP mà không được quy hoạch trước. Do vậy phần lớn các khu dân cư này không thể đáp ứng được quá trình gia tăng mật độ xây dựng; hệ thống đường, ngõ và hạ tầng thoát nước không đáp ứng được nhu cầu, điều kiện vệ sinh môi trường ở xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng được các yêu cầu cuộc sống đô thị văn minh… Việc xây dựng các dự án khu đô thị mới với cốt nền xây dựng cao hơn các khu vực làng xóm cũ xung quanh nên dẫn đến tình trạng gây ngập úng cục bộ cho các khu vực này.

Dưới áp lực của mật độ dân cư và mật độ xây dựng gia tăng, không gian ở và công cộng tại những điểm dân cư trong lòng đô thị mới ngày càng bó hẹp, chất lượng sống giảm sút. Đây thực sự là bài toán khó đối với những nhà quy hoạch đô thị trong công tác cải tạo, tái thiết những khu vực trên. Theo ông Hoàng Minh Hải, đối với các điểm dân cư hiện hữu có nguồn gốc phát triển từ các làng xã nông nghiệp, trước khi có các giải pháp về quy hoạch cần có các giải pháp mạnh để quản lý hoạt động xây dựng như quản lý các khu đất công, đất nông nghiệp, việc phân tách thửa đất, quản lý chiều cao, mật độ xây dựng công trình, quản lý việc san lấp hồ ao, lấn chiếm các không gian công cộng… nhằm giảm sức ép hạ tầng tại các khu vực này.

Về dài hạn, cần có các nghiên cứu bài bản về “Mô hình quy hoạch các tiểu khu dân cư Hà Nội” để từ đó đưa ra các mô hình quy hoạch khu dân cư riêng, phù hợp với các tiêu chuẩn quy hoạch - kiến trúc, tập quán lối sống sinh hoạt riêng của người Hà Nội. Trong đó kiểm soát chặt chẽ về quy mô, mật độ sử dụng, điều kiện hạ tầng (kỹ thuật - xã hội), không gian công cộng, không gian xanh, bảo vệ di sản văn hóa - lịch sử, các di sản của cộng đồng làng xã ven đô… nhằm đảm bảo chất lượng môi trường sống “văn minh - xanh - sạch - đẹp” và có bản sắc cho các điểm dân cư của Hà Nội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần