Quy hoạch Hà Tiên lấn biển, xây dựng đảo nhân tạo

Hữu Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Cùng với TP Rạch Giá và Phú Quốc, TP Hà Tiên trở thành tam giác chính phát triển của tỉnh Kiên Giang. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ vừa Phê duyệt đồ án Quy hoạch chung TP và Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên đến năm 2040.

Định hướng lấn biển, xây dựng đảo nhân tạo

Tổng diện tích trong phạm vi nghiên cứu khoảng 34.800 ha bao gồm toàn bộ diện tích theo địa giới hành chính thành phố Hà Tiên có diện tích khoảng 10.049 ha (gồm 5 phường là Bình San, Đông Hồ, Pháo Đài, Tô Châu, Mỹ Đức, 2 xã là Thuận Yên và xã đảo Tiên Hải) và phần diện tích khoảng 24.751 ha mặt biển nằm giữa xã đảo Tiên Hải và các xã, phường thuộc phần đất liền của TP Hà Tiên để nghiên cứu định hướng lấn biển, xây dựng đảo nhân tạo.

Trong tương lai, Hà Tiên sẽ xây dựng đảo nhân tạo. (Ảnh Hữu Tuấn)
Trong tương lai, Hà Tiên sẽ xây dựng đảo nhân tạo. (Ảnh Hữu Tuấn)

Trong đó, khu vực đất liền, đảo tự nhiên: diện tích khoảng 10.049 ha (trong đó gồm 1.600 ha diện tích Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên). Các khu vực nghiên cứu lấn biển, xây dựng đảo nhân tạo: diện tích khoảng 11.383 ha.

TP Hà Tiên được xác định là đô thị cửa khẩu quốc tế, văn hóa, hành chính, khoa học - kỹ thuật, giáo dục - đào tạo và du lịch ven biển; đô thị có truyền thống lịch sử, có di sản văn hóa và di sản thiên nhiên đa dạng về hệ sinh thái. Có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh quốc gia. Là một cực tăng trưởng phía Tây của tỉnh Kiên Giang, đô thị trọng điểm của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Phát triển theo mô hình lưỡng cực, nhất thể, đa trung tâm

Thành phố và Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên phát triển theo mô hình lưỡng cực, nhất thể, đa trung tâm. Với các hướng phát triển chủ đạo dựa trên các tuyến quốc lộ 80, quốc lộ N1, cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, tuyến đường thủy dọc theo sông Giang Thành, kênh Vĩnh Tế và kênh Hà Tiên - Rạch Giá, tuyến đường vành đai kết nối trực tiếp khu vực cửa khẩu Hà Tiên với vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long cùng các tuyến đường vượt biển phía Nam và phía Bắc Hà Tiên, gắn kết các quần đảo nhân tạo, khu vực sân bay chuyên dùng, các khu vực cảng biển với các khu vực đô thị hiện hữu và phụ cận.

Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên phát triển theo mô hình lưỡng cực, nhất thể, đa trung tâm. (Ảnh Hữu Tuấn)
Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên phát triển theo mô hình lưỡng cực, nhất thể, đa trung tâm. (Ảnh Hữu Tuấn)

Đô thị được hình thành trên các chiến lược chủ đạo gồm: chiến lược phát triển đô thị đối ngẫu; di sản và công nghiệp văn hóa; cửa khẩu, cảng và sân bay; trên nước, chuyên đề và cộng đồng; lấn biển, giao thông đa dụng và đa phương tiện, hạ tầng xanh và thông minh.

Các khu vực đô thị xen kẽ với các không gian xanh, khu bảo tồn di sản văn hóa, lịch sử, thiên nhiên đặc trưng gắn với các khu vực tạo việc làm, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, khoa học và đào tạo; tổ chức các cụm đô thị, các khu vực chức năng vừa độc lập vừa liên hoàn, tạo không gian giãn cách phù hợp với nền tảng hạ tầng phát triển bền vững, thích ứng với tác động biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, biến động về kinh tế, xã hội.

Hà Tiên được định hướng 8 khu vực phát triển. (Ảnh Hữu Tuấn)
Hà Tiên được định hướng 8 khu vực phát triển. (Ảnh Hữu Tuấn)

Không gian thành phố và Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên được chia thành 8 khu vực phát triển với tổng diện tích khoảng 21.432 ha cụ thể: Khu vực phát triển I: gồm toàn bộ 3 phường Bình San, Pháo Đài, Tô Châu; một phần các phường Đông Hồ, Mỹ Đức và xã Thuận Yên; Khu vực phát triển II: phần lớn phường Mỹ Đức; Khu vực phát triển III: phần lớn phường Đông Hồ; Khu vực phát triển IV: xã Thuận Yên; Khu vực phát triển V: Bao gồm toàn bộ xã đảo Tiên Hải; Khu vực phát triển VI: khu vực lấn biển và xây dựng đảo nhân tạo Tây Thuận Yên/Đông Hà Tiên; Khu vực phát triển VII: khu vực lấn biển và xây dựng đảo nhân tạo Tây Hà Tiên/Đông Tiên Hải; Khu vực phát triển VIII: khu vực lấn biển và xây dựng đảo nhân tạo Nam Hà Tiên.

Ngoài ra, còn định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội gồm: cơ quan, công sở; Quốc phòng, an ninh; Các khu dân cư và nhà ở; Các khu dân cư và nhà ở; công trình y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng; văn hóa - thể dục thể thao, công trình tôn giáo di tích; công viên, cây xanh; quảng trường đô thị và không gian mở; dịch vụ xuất nhập khẩu, hậu cần logistics, thương mại và tài chính; hạ tầng dịch vụ du lịch; công nghiệp và dịch vụ hạ tầng kỹ thuật; dịch vụ giao thông vận tải.