Quy hoạch hai bên sông Hồng: Trục không gian kiến trúc cảnh quan trung tâm của Thăng Long - Hà Nội

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội - đô thị có lịch sử phát triển hàng nghìn năm không chỉ là trung tâm của vùng đồng bằng sông Hồng, Thủ đô của cả nước, mà còn là đô thị phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực và quốc tế.

Lịch sử phát triển đã tạo dựng cho Hà Nội quỹ di sản đô thị phong phú, trong đó có hệ thống cảnh quan thiên nhiên đa dạng. Sông, hồ, mặt nước đã tạo nên yếu tố đặc trưng, bản sắc và tiềm năng để Hà Nội phát triển bền vững.
Các định hướng phát triển hai bờ sông Hồng

“Hà Nội tụ thủy, tụ nhân” đã là nhận thức được hình thành trong quá trình phát triển. Nói đến mặt nước không thể không nhắc tới sông Hồng với tinh kết của dân gian “Nhị Hà quanh Bắc sang Đông”. Khu vực hai bên sông Hồng ngày nay đã là không gian lịch sử và văn hóa của Hà Nội; địa điểm sinh sống, sinh hoạt của nhiều người dân; trục sinh thái kết nối Thủ đô với vùng và khu vực tiềm năng lớn của Thủ đô. Nhận thức ấy ngày càng được nâng tầm, tạo động lực tăng trưởng mới cho phát triển Thủ đô.
 Quy hoạch phân khu hai bên sông Hồng để phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Ảnh: Thanh Hải
Nhìn ra thế giới với vài học kinh nghiệm từ phát triển tổng hợp khu vực sông Hàn của Seoul (Hàn Quốc), khu vực sông Seine của Pari (Pháp), khu vực sông Tiền Đường của TP Hàng Châu, trục trung tâm bên sông của Thượng Hải (Trung Quốc), hệ thống cảng, đường thủy của Manila (Philippines)… Chúng ta càng khẳng định và tin rằng phát triển khu vực hai bên sông Hồng rất cần thiết và tạo nên động lực mới cho phát triển Thủ đô Hà Nội.

Sông Hồng bắt nguồn từ Trung Quốc với chiều dài 1.226km, qua Việt Nam là 600km, qua Hà Nội gần 40km (trước khi mở rộng) với diện tích hai bên sông gần 11.000ha và hiện nay đoạn qua Hà Nội 118km. Nhìn lại quá trình phát triển đã qua chúng ta nhận thấy, khu vực hai bên sông Hồng luôn được Nhà nước và TP Hà Nội quan tâm, được xây dựng, định hướng phát triển gắn với điều kiện trong từng giai đoạn. Ngay từ sau hòa bình lập lại (1954), để giải quyết nhà ở cho cán bộ công nhân viên, TP đã xây dựng một số khu nhà ở ven sông như khu An Dương, Phúc Tân…
Ngoài ra còn có một số cơ sở công nghiệp như nhà máy gỗ, cảng sông… Trong chiến tranh phá hoại của Mỹ, nhất là sau đợt lũ đỉnh cao năm 1971 (mực nước sông Hồng dâng tới cốt 13m) đã có nhiều chuyển hướng về xây dựng khu vực hai bên sông Hồng, trong đó có di dời khu dân cư bãi giữa sông, triển khai cấp bách một số dự án kè bờ sông… Quy hoạch điều chỉnh tổng mặt bằng Thủ đô được duyệt tháng 4/1992, đã xác định phải rà soát các khu xây dựng, chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật đảm bảo cuộc sống an toàn cho người dân.

Năm 1994, TP đã triển khai nghiên cứu quy hoạch chi tiết hai bên sông Hồng. Đáng chú ý, trong đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung Hà Nội đến 2020 được Chính phủ phê duyệt tháng 6/1998 đã định hướng: Tích cực nạo vét, chỉnh trị tiến tới kênh hóa sông Hồng, nâng cấp các cảng Phà Đen, Khuyến Lương, mở thêm cảng Vạn Kiếp, Thượng Cát… Đồng thời gia cố hệ thống đê để ngăn lũ cho khu vực trung tâm TP. Cùng với đó là xây dựng đường ven sông, một số khu nhà ở như khu Đầm Trấu…

Đặc biệt, Nghị quyết số 15/NQTW tháng 12/2000 của Bộ Chính trị đã có nội dung: “Sớm nghiên cứu việc chỉnh trị sông Hồng và quy hoạch khai thác hai bên sông”. Ngay sau Nghị quyết này là giai đoạn có nhiều dự án của cả trong và ngoài nước về đầu tư xây dựng khu vực hai bên sông Hồng. TP đã chủ động tổ chức nghiên cứu quy hoạch chi tiết khu vực ngoài đê sông Hồng và thể hiện rõ định hướng khi phê duyệt quy hoạch chi tiết các quận, huyện có quỹ đất ngoài đê. Các định hướng này cũng đã được Thủ tướng Chính phủ kiểm tra tại thực địa và có chỉ đạo (Thông báo số 86/TB-VPCP ngày 13/8/2001). Quá trình nghiên cứu bước đầu có sự phối hợp với các Bộ: NN&PTNT, Tài chính, GTVT, KH&ĐT, Xây dựng… TP đã có dự án thí điểm cải tạo, xây dựng 1km dọc sông Hồng tại quận Tây Hồ. Đến tháng 1/2002, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải sau khi làm việc với một số tỉnh đã có Thông báo số 05/TB-VPCP với nội dung: Tổ chức nghiên cứu dự án Kè vở sông Hồng, xây dựng tuyến đường du lịch, sắp xếp dân cư khu vực ngoài đê, quy hoạch khai thác quỹ đất ngoài đê để phát triển kinh tế - xã hội.

Từ ý kiến chỉ đạo trên, TP đã giao Sở QH – KT chủ trì nghiên cứu quy hoạch chi tiết hai bên sông Hồng, đồng thời triển khai phối hợp với các bộ, ngành, trường đại học và tổ chức nhiều hội thảo khoa học liên quan để xây dựng dự thảo đề án trình Thủ tướng. Mục tiêu đề án được xác định đồng bộ từ ổn định dòng chảy, an toàn thoát lũ, phát triển hai bên sông với chức năng văn hóa, du lịch, thể dục thể thao, tăng cường giao thông thủy, quy hoạch phân bố dân cư. Để hoàn thiện đề án đã có ý kiến của một số bộ, ngành đề nghị cần nghiên cứu hoàn chỉnh, nhất là vấn đề thoát lũ và đảm bảo đồng bộ cơ sở pháp lý.

Sau khi Hà Nội được mở rộng năm 2008, khu vực hai bên sông Hồng càng được quan tâm hơn và xác định rõ hơn trong nhiều văn bản pháp luật. Nhất là tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 đã có một số quy định liên quan đến khu vực hai bên sông Hồng như: Khu vực hai bên sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô, là nơi bố trí các công viên công trình văn hóa, giải trí lớn để tổ chức những sự kiện có ý nghĩa lớn của Thủ đô. Khai thác kế thừa quy hoạch cơ bản phát triển sông Hồng đoạn qua Hà Nội đã tiếp tục nghiên cứu phát triển đồng bộ hai bên đoạn tuyến chảy qua Hà Nội, ảnh hưởng tới trục không gian cảnh quan văn hóa đô thị Hồ Tây – Cổ Loa.
Trên dọc tuyến sông Hồng phần đất đi qua Tứ Liên không xây dựng công trình cao tầng… Phát triển du lịch đường thủy trên sông Hồng, xây mới 8 cây cầu và hầm qua sông, cải tạo nạo vét luồng tuyến, xây dựng mới các cảng, bến thủy dọc sông Hồng, sông Đuống, sông Đà phục vụ giao thông thủy liên kết với mạng lưới toàn quốc. Tuân thủ mức đảm bảo phòng chống lũ và chỉ giới thoát lũ theo quy hoạch…

Có thể khẳng định, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được duyệt năm 2011 đã xác định nhiều yêu cầu cụ thể liên quan đến hai bên sông Hồng. Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 6/1/2012 của Bộ chính trị về phát triển Thủ đô giai đoạn 2011 - 2020 đã nêu rõ: “Tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng và quản lý quy hoạch đảm bảo đồng bộ, hiện đại, ổn định và lâu dài. Trên cơ sở quy hoạch chung đã phê duyệt đẩy mạnh việc xây dựng các quy hoạch chi tiết, phân khu chức năng, ngành, lĩnh vực và địa phương”. Trong Luật Thủ đô ban hành có hiệu lực từ 1/7/2013 đã có nội dung đề cập đến tạo lập không gian cảnh quan hai bên sông Hồng.

Qua một số dẫn giải trên để thấy, khu vực hai bên sông Hồng luôn là vấn đề lớn được Chính phủ, TP Hà Nội quan tâm chỉ đạo đồng bộ. Còn triển khai nhanh hay chậm do thực hiện.

Các dự án, nghiên cứu khoa học đã triển khai

Từ năm 1994 đến nay đã có tới 11 dự án, nghiên cứu khoa học hai bên sông Hồng của cả đơn vị trong và ngoài nước. Trong đó, đáng chú ý dự án hợp tác giữa Hà Nội và Seoul đã được nghiên cứu bài bản, tập hợp được nhiều chuyên gia của hai nước tổ chức điều tra khảo sát thực tế, tổ chức nhiều hội thảo và lấy ý kiến cộng đồng cũng như triển lãm công bố. Phạm vi nghiên cứu của dự án là không gian ven sông với chiều dài 40km giữa khu vực bảo vệ đê và đê tả đê hữu sông Hồng với diện tích đất khai thác 6.200ha.
Dự án đã đề cập các vấn đề: Chỉnh trị sông Hồng, giao thông đường thủy; quy hoạch xây dựng công viên ven sông; xây dựng đường giao thông; quy hoạch cải tạo phát triển đô thị ven sông với 2.400ha gồm khu ở, cảng, khu công nghệ cao, khu thể thao, khu dân cư cải tạo, khu công viên. Dự án đã dự toán tổng kinh phí 7,1 tỷ USD, đề xuất các giải pháp huy động vốn và cả điều chỉnh một số văn bản pháp quy.

Có thể thấy, các dự án đã được nghiên cứu khoa học, phát huy được lợi thế, tiềm năng hai bên sông Hồng. Các đề xuất đều gắn với phát triển kinh tế - xã hội chung của TP. Song việc triển khai còn chậm do bất cập từ quy trình phối hợp đa ngành, từ quy hoạch chung, mối liên kết vùng và nhất là phối hợp để thống nhất giữa các bộ, ngành về các căn cứ lập dự án như vấn đề an toàn thoát lũ, đê điều. Đây là bài học và cũng là nguyên nhân để nhìn nhận việc chậm ban hành quy hoạch hai bên sông Hồng.

Quy hoạch phân khu đô thị hai bên sông Hồng

Sau quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được duyệt năm 2011, TP Hà Nội đã có kế hoạch lập 35 quy hoạch phân khu nhưng đến nay mới phê duyệt được 26 đồ án. Số đồ án chưa phê duyệt chủ yếu ở khu trung tâm trong đó có quy hoạch phân khu đô thị hai bên sông Hồng. Đồ án đã được lập hơn 3 năm nay với sự tham gia của nhiều chuyên gia đa ngành do Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội chủ trì. Các nội dung nghiên cứu đề xuất đã bám sát quy hoạch chung và kế thừa chọn lọc các nghiên cứu khoa học.
Dự án đã nghiên cứu Quyết định số 257/QĐ-TTg năm 2016 của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình. Song cho đến nay, quy hoạch này vẫn chưa được phê duyệt vì còn bất cập về cơ sở pháp lý. Cụ thể, còn vướng Quy hoạch phòng chống lũ các tuyến sông có đê chưa được phê duyệt và quy trình theo Luật Quy hoạch. Để có thể đẩy nhanh hoàn thiện Quy hoạch phân khu đô thị hai bên sông Hồng rất cần có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành và chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng.

Hy vọng rằng, khi Quy hoạch phân khu hai bên sông Hồng được phê duyệt là cánh cửa rộng, đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội, quản lý dân cư, tạo dựng điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước tham gia, cải thiện chất lượng sống cho người dân Hà Nội. Sớm có Quy hoạch phân khu hai bên sông Hồng sẽ tạo được điểm nhấn mới về không gian cảnh quan trung tâm TP từ không gian xanh, không gian văn hóa – thể thao, đa dạng loại hình giao thông và đặc biệt cải thiện về chất lượng nhà ở cho người dân đang sinh sống ở hai bên sông Hồng.