Quy hoạch lưới điện Hà Nội: Chất lượng đi cùng bảo đảm cảnh quan

Nguyên Dương (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với hợp phần I: Quy hoạch phát triển hệ thống điện 110kV, lưới điện Thủ đô trong thời gian tới không chỉ bảo đảm cho phát triển kinh tế - xã hội, có công suất dự phòng, tạo sự gắn kết quy hoạch phát triển điện lực mà còn quan tâm giữa phát triển điện lực với phát triển đô thị, hạ tầng của địa phương.

 
Tăng dự phòng cũng như an toàn

Tháng 2 vừa qua, Sở Công Thương Hà Nội đã công bố Quyết định 711/QĐ-UBND của UBND TP phê duyệt hợp phần II: Quy hoạch chi tiết phát triển lưới điện trung áp sau các trạm 110kV của Quy hoạch phát triển điện lực TP Hà Nội giai đoạn 2016 - 2025, có xét đến năm 2035.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, Trưởng phòng Quản lý năng lượng, Sở Công Thương Nguyễn Đình Thắng cho biết, theo Quyết định số 711, định hướng phát triển lưới điện trung áp phải bảo đảm sẵn sàng, đáp ứng tối đa nhu cầu tiêu thụ điện cho phát triển kinh tế, chính trị và an sinh xã hội của TP. Phát triển lưới điện phân phối trung áp phù hợp với lưới điện truyền tải 220kV, 110kV; hoàn thiện lưới điện bảo đảm chất lượng, nâng cao độ ổn định, an toàn, tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng… Trước mắt, những đô thị lõi gồm 5 quận, trong đó có 3 quận nội thành cũ (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa), phía Bắc quận Hai Bà Trưng và phía Nam quận Tây Hồ, lưới điện được dự phòng 100% nhu cầu phụ tải; Đô thị tập trung từ Vành đai 4 trở vào, lưới điện được dự phòng 65% nhu cầu phụ tải và 50% cho các khu vực còn lại. Lưới điện trung áp được kết nối mạch vòng, vận hành hở; đối với các phụ tải quan trọng như cơ quan Đảng, các cơ quan T.Ư, sở, ngành của TP, bệnh viện và các phụ tải quan trọng khác bảo đảm độ tin cậy cung điện cao, được dự phòng cấp điện ít nhất từ 2 nguồn.

Điều quan tâm của người dân là với quy hoạch điện này, nhu cầu điện sẽ được đáp ứng như thế nào, thưa ông?

- Trước đó, trong Quyết định 4720/QĐ-BCT phê duyệt hợp phần I: Quy hoạch phát triển hệ thống điện 110kV của Quy hoạch phát triển điện lực TP Hà Nội giai đoạn 2016 - 2025, có xét đến năm 2035 đã thể hiện rõ, hệ thống lưới điện của Hà Nội sẽ đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ tăng trưởng GRDP trong giai đoạn 2016 - 2020 từ 8,5 - 9%/năm, giai đoạn 2021 - 2025 là 9,5 - 10%/năm và giai đoạn 2026 - 2035 là 9%/năm. Công suất cực đại lên tới từ 4.600MW năm 2020 đến 12.500MW vào năm 2035 (hiện nay có thời điểm ghi nhận mức hơn 3.000MW – PV) với sản lượng điện thương phẩm từ hơn 22.535 triệu kWh lên đến gần 75.000 triệu kWh vào năm 2035. Tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân hàng năm giai đoạn 7,5%/năm đến 9,8% năm. Như vậy, về cơ bản không chỉ đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của kinh tế - xã hội Thủ đô mà còn có phần dự phòng.

Thời gian qua, tiến độ nhiều công trình điện của TP có thời điểm triển khai chậm, nguyên nhân chủ yếu là công tác GPMB. Vậy, để khắc phục, giải pháp để giải quyết vấn đề này là gì?

- Quy hoạch lưới điện Hà Nội được thực hiện trên cơ sở bám sát với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, nên ngay sau khi quy hoạch được công bố công khai, TP sẽ triển khai đồng bộ, chi tiết, cụ thể, có kế hoạch từng năm, từng tháng, từng dự án xác định mốc giới, chỉ giới đỏ, giao mặt bằng sạch cho chủ dự án. Khi tiến hành công bố quy hoạch, Sở Công Thương cũng đã đề nghị các quận, huyện, thị xã căn cứ vào nhu cầu sử dụng đất theo quy hoạch được duyệt lập kế hoạch sử dụng đất đủ cho xây dựng các công trình điện phục vụ nhu cầu công cộng và thông báo công khai trên địa bàn. Sở Công Thương đã cố gắng đưa Quy hoạch này trở thành kế hoạch đầu tư trong ngắn hạn, do đó đã là kế hoạch đầu tư thì tất cả mọi người phải vào cuộc chứ không chỉ riêng ngành điện. Các quận, huyện càng phải tiếp cận nhanh và rõ như về quỹ đất, cần đưa ngay vào kế hoạch sử dụng đất, gắn vào việc đầu tư ngay các trạm điện.

Quan tâm đến phát triển hạ tầng đô thị

Trong quyết định phê duyệt quy hoạch cũng nhắc đến việc phát triển lưới điện trung áp đồng bộ với phát triển hạ tầng đô thị tại địa phương. Vậy, cụ thể như thế nào?

- Quyết định 711 cũng nêu rõ, quy hoạch lưới điện cần tích cực áp dụng công nghệ mới, hiện đại vào lưới điện trung áp; từng bước xây dựng lưới điện thông minh trong vận hành và đo đếm điện năng; tăng cường lắp đặt các thiết bị đóng cắt, bảo vệ hiện đại, có thể điều khiển từ xa để nâng cao độ tin cậy, phân đoạn và xử lý sự cố dễ dàng, nhanh chóng. Chỉ số SAIDI (chỉ số ngừng cung cấp điện bình quân năm) giảm xuống dưới 200 phút/năm.

Nhân viên điện lực chi nhánh Đống Đa vận hành bốt điện trên đường đê La Thành.  Ảnh:  Hải Linh

Phát triển lưới điện trung áp đồng bộ với phát triển hạ tầng đô thị tại địa phương. Từ Vành đai 3 trở vào trung tâm TP, đường dây trung áp được hạ ngầm toàn bộ, từ Vành đai 3 đến Vành đai 4 ưu tiên phương án hạ ngầm, tại những nơi chưa thể thực hiện hạ ngầm ngay sẽ được thực hiện hạ ngầm phù hợp với tốc độ đô thị hóa, hướng tuyến phù hợp với quy hoạch xây dựng. Các trạm biến áp được xây dựng theo công nghệ mới hiện đại, phù hợp với việc xây dựng và phát triển TP xanh, sạch, đẹp.

Những dự án sử dụng thiết bị hiện đại, công nghệ thông minh, đường dây hạ ngầm… thường có suất đầu tư lớn, vậy khi thực hiện sẽ theo hướng nào, thưa ông?

- Việc áp dụng công nghệ mới, ngầm hóa lưới điện đều được tính toán cụ thể. Bên cạnh việc yêu cầu bắt buộc thực hiện việc ngầm hóa từ Vành đai 3 trở vào, quy hoạch cũng ưu tiên những dự án, đặc biệt là những vùng phát triển khu đô thị, vùng có tốc độ đô thị hóa cao nằm trong vùng giữa Vành đai 3 và Vành đai 4 để thực hiện ngầm hóa. Việc ngầm hóa đều được tính toán. Tuy nhiên, đối với các dự án thương mại để đáp ứng cảnh quan, trong luật và quy hoạch cũng đã đề cập đến việc góp vốn triển khai việc ngầm hóa.
Trở lại với khu vực nội thành, để hạ ngầm, ngành điện có thể bỏ vốn triển khai hạ ngầm, nếu khó khăn, TP, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ phần vốn vay; Một số dự án có thể sử dụng các hình thức xây dựng – chuyển giao (BT), hoặc hợp tác công - tư (PPP). Thậm chí, đối với nhiều dự án phát triển khu thương mại, nhà thương mại, để bảo đảm tiến độ, chủ đầu tư sẽ đầu tư đồng bộ (trong đó có hệ thống điện). Phần đầu tư này, ngành điện sẽ tiếp nhận và hoàn trả trả kinh phí trước khi quản lý, vận hành.

Với quy hoạch này, TP sẽ đứng ở mức nào trong khu vực?

- Thực hiện quy hoạch này, đến năm 2035, lưới điện TP sẽ nằm trong top 4 nước dẫn đầu ASEAN.

Xin cảm ơn ông!

Dự kiến, tổng vốn đầu tư cho cải tạo và phát triển lưới điện trung áp sau các trạm 110kV toàn TP giai đoạn 2016 - 2025 là 56.295 tỷ đồng. Nguồn vốn này được huy động trên cơ sở Luật Điện lực, điều kiện thực tế của Hà Nội và tận dụng tối đa mọi nguồn lực xã hội hóa để đầu tư xây dựng các công trình điện. Theo đó, ngành điện chịu trách nhiệm đầu tư phần nguồn, lưới điện truyền tải, phân phối và công tơ đến chân hàng rào các dự án, hộ dân. Chủ đầu tư, hộ dân đầu tư phần sau hàng rào và trong các hộ dân…


Quá trình hiện đại hóa để chúng ta có được lưới điện thông minh cần phải tiếp cận được mức độ tiệm cận hóa, cố gắng làm sao để đưa đầu tư xanh vào trong ngành điện, tận dụng nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời vào quy hoạch. Đây cũng có thể được coi là phát triển lưới điện thông minh.

Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội  Lê Hồng Thăng