Quy hoạch phải đi trước một bước với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược

Trương Huyền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 7/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng chủ trì Hội nghị lần thứ hai của Hội đồng với chủ đề về quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tạo cơ hội mới, động lực phát triển mới và giá trị mới cho vùng

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng được lập trong bối cảnh Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 30-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 14/NQ-CP về Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị; Quốc hội thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia và Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đặc biệt, hiện nay đã có 108/111 quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia theo Luật Quy hoạch đã hoàn thành việc lập, trình thẩm định, phê duyệt; trong đó có 19 quy hoạch cấp quốc gia, 1 quy hoạch vùng và 32 quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bản Quy hoạch vùng này có ý nghĩa quan trọng, giúp "mở đường", chủ động kiến tạo phát triển, với tư duy mới, tầm nhìn mới để tạo ra cơ hội mới, động lực phát triển mới và giá trị mới cho vùng; trong đó chú trọng giải quyết các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên tỉnh; tái tổ chức không gian phát triển vùng và khai thác, phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển vùng nhanh, bền vững. Quy hoạch vùng cũng là căn cứ quan trọng để đề xuất kế hoạch đầu từ công trung hạn giai đoạn 2026-2030, đặc biệt là các dự án lớn, có tính liên vùng.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Nhận thức được tầm quan trọng của quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai xây dựng Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nghiêm túc, bài bản, công phu, khoa học.

Bộ trưởng nhấn mạnh, phát triển kinh tế-xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng phải trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế nổi trội của cả vùng, cũng như từng địa phương trong vùng để trở thành vùng động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của cả nước; đảm bảo phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia, phù hợp với chiến lược quốc gia về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trên cơ sở đó, nội dung Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng đã nghiên cứu và đưa ra những nhận diện, đề xuất 6 định hướng phát triển quan trọng.

Tại hội nghị, các đại biểu đã cho ý kiến về xác định các vấn đề trọng tâm cần phải giải quyết, các khâu đột phá phát triển, cơ cấu lại mô hình tăng trưởng của vùng; định hướng tổ chức không gian phát triển của vùng; định hướng, giải pháp về phát triển ngành, lĩnh vực, trọng tâm là kết cấu hạ tầng liên kết vùng; định hướng, giải pháp về phát triển văn hóa-xã hội; giải quyết điểm nghẽn về chất lượng nguồn nhân lực; giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch, danh mục dự án liên kết vùng ưu tiên đầu tư, giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết vùng để thúc đẩy hợp tác phát triển vùng có hiệu quả.

Cần phát huy tinh thần chủ động, tự lực, tự cường

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Quy hoạch vùng; các ý kiến trách nhiệm, tâm huyết và đề xuất kiến nghị nhiều giải pháp phù hợp, sát với thực tiễn và khả thi.

Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến tham gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện Quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 12/2023.

Nhấn mạnh thêm một số nội dung, Thủ tướng nêu rõ, cùng với vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Hồng có vị trí, vai trò đặc biệt, đóng góp trên 50% GDP của cả nước, do đó quy hoạch phải phát huy, khai thác tối đa tiềm năng rất khác biệt, cơ hội rất nổi trội, lợi thế cạnh tranh rất rõ của vùng. Quy hoạch phải đi trước một bước với tư duy phải đột phá, tầm nhìn phải chiến lược và có tính ổn định, lâu dài; tích hợp, kết nối quy hoạch của các địa phương với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị

Thủ tướng phân tích, chỉ rõ thêm một số đặc điểm nổi bật của vùng cần nhấn mạnh thêm trong Quy hoạch để khai thác, phát huy mạnh mẽ.

Thứ nhất, vùng có Hà Nội nghìn văn năm hiến, anh hùng, nền văn minh lúa nước. Nhân dịp này, Thủ tướng biểu dương Hà Nội vì trong thời gian qua, nhiều địa điểm, di sản văn hóa trên địa bàn đã được khai thác hiệu quả, thu hút nhiều du khách, như ga Gia Lâm, bốt Hàng Đậu, nhà tù Hòa Lò, qua đó phát huy nguồn lực văn hóa, biến di sản thành tài sản, thành nguồn lực.

Thứ hai, vùng có lợi thế là cửa ngõ kết nối Trung Quốc-ASEAN bằng cả đường bộ và đường biển, trong đó con đường qua cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) là đường kết nối ngắn nhất (khoảng 500km) giữa Vùng Đồng bằng sông Hồng với vùng kinh tế phát triển năng động nhất Trung Quốc. So với các vùng khác trên cả nước, Đồng bằng sông Hồng cũng gần khu vực Đông Bắc Á nhất. Do đó, phải xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc về an ninh quốc phòng và phòng tuyến hợp tác và cạnh tranh về phát triển kinh tế.

Thứ ba, truyền thống văn hóa, lịch sử, tâm linh với các di sản rất phong phú. Thủ tướng lấy ví dụ, toàn bộ các di tích lịch sử-văn hóa gắn với nhà Trần đều ở nơi đây.

Thứ tư, vùng có các dòng sông là nguồn tài nguyên quý giá song đang bị ảnh hưởng mạnh.

Thứ năm, vùng có địa hình, phong cảnh của khu vực rất đa dạng, đầy đủ rừng núi sông biển… để phát triển đa dạng các lĩnh vực.

Quy hoạch Thủ đô gắn liền với phát triển kinh tế, xã hội. Ảnh Hoàng Hà
Quy hoạch Thủ đô gắn liền với phát triển kinh tế, xã hội. Ảnh Hoàng Hà

Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ rõ những khó khăn, mâu thuẫn, thách thức và hướng hóa giải.

Theo đó, vùng có diện tích nhỏ nhưng dân số lớn, mật độ dân số lớn nhất cả nước, do đó, phải tiến hành đô thị hóa, khai thác không gian ngầm như tàu điện ngầm, đường sắt trên cao…

Cùng với đó, vấn đề môi trường, các dòng sông bị ô nhiễm cần có giải pháp xử lý. Về nhân lực, vùng phải dẫn dắt, điều phối trong đào tạo nhân lực chất lượng cao cho cả nước.

Đồng thời, vùng có tiềm năng, cơ hội, khác biệt lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp; ngoài Hà Nội, Hải Phòng có cơ chế đặc thù, thí điểm thì 9 tỉnh còn lại chưa có. Do đó, phải có cơ chế, chính sách phù hợp.

Về vấn đề nguồn lực, Thủ tướng cho rằng phải lấy nguồn lực bên trong (gồm con người, thiên nhiên và truyền thống lịch sử- văn hóa, với cơ chế, chính sách phù hợp) là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; nguồn lực bên ngoài (FDI, vốn vay, công nghệ, quản trị, đào tạo nhân lực, tham khảo kinh nghiệm, thể chế của quốc tế) là quan trọng và đột phá.

Thủ tướng yêu cầu làm rõ hơn những động lực tăng trưởng mới, như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; chuyển đổi năng lượng mới, phát triển ngành công nghiệp tái tạo (nắng, gió, Hydrogen); phát triển hệ sinh thái để phát triển kinh tế nông nghiệp trên cơ sở phát huy văn minh lúa nước; phát triển công nghiệp có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở khai thác hiệu quả quỹ đất, các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình có thể nghiên cứu triển khai lấn biển để tạo không gian phát triển, quỹ đất mới.

Thủ tướng nhấn mạnh liên kết vùng là một trong những đột phá, động lực tăng trưởng mới, cùng với liên kết các vùng, liên kết với cả nước và liên kết quốc tế. Do đó, cần phát huy tinh thần chủ động, tự lực, tự cường, không địa phương nào làm thay địa phương nào, nhưng không thể không liên kết, đặc biệt là liên kết giao thông.

Thủ tướng yêu cầu Quảng Ninh và Hải Phòng cần liên kết quản lý, khai thác tốt nhất khi gần đây vịnh Hạ Long đã được UNESCO nhất trí cho mở rộng ranh giới bao gồm cả quần đảo Cát Bà (Hải Phòng), trở thành Di sản thế giới vịnh Hạ Long-quần đảo Cát Bà, di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam.