Quy hoạch phân khu đô thị tại 4 quận nội đô: Thêm đất cho giao thông, trường học

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình trạng thiếu thốn hạ tầng từ bãi đỗ xe, vườn hoa, công viên đến trường lớp, chợ dân sinh tại các quận lõi của Thủ đô đã tồn tại từ lâu. Với việc 6 quy hoạch phân khu đô thị tại 4 quận nội đô lịch sử vừa được TP phê duyệt, công cuộc cải tạo, xây dựng, tổ chức sắp xếp lại chức năng sử dụng đất, trong đó tăng các chỉ tiêu sử dụng cho giao thông, bổ sung hạ tầng đang được hầu hết người dân mong đợi.

Định hướng phát triển giao thông và đường sắt đô thị tại khu vực 4 quận nội đô.
Hạ tầng thiếu thốn
Thực tế, trên nhiều tuyến phố tại các quận trung tâm của Thủ đô Hà Nội từ nhiều năm nay người dân phải tận dụng mọi chỗ để đỗ xe. Từ các bãi đỗ xe được cấp phép đến tự phát, hầu như không còn chỗ trống, nhất là tại một số tuyến phố thuộc quận Hoàn Kiếm như Triệu Quốc Đạt, Phủ Doãn, Tràng Thi, Bà Triệu… nơi tập trung một số bệnh viện lớn, rất khó khăn để tìm được chỗ đỗ xe tạm thời. Càng khó hơn đối với các gia đình sở hữu xe ô tô, đặc biệt tại khu phố cổ nhiều người đã phải gửi ở những bãi xe phơi mưa nắng, cách nhà cả cây số mà giá gửi không hề rẻ. Chị Nguyễn Minh Tâm, sống tại ngõ 93, Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm cho hay, hàng ngày gia đình chị phải chấp nhận gửi xe ô tô tại một bãi ở tận phố Trần Quang Khải, cách nhà khoảng 2km, việc đi lại để lấy hoặc gửi xe rất phiền phức. Do vậy, chị Tâm mong muốn với quy hoạch tại các quận trung tâm vừa được TP công bố sớm triển khai đi vào thực tiễn, giúp người dân được hưởng các tiện ích đô thị, cải thiện cuộc sống.

Không chỉ bí bách về thiếu hạ tầng giao thông, việc thiếu đất để xây trường, xây chợ, làm công viên, vườn hoa phục vụ người dân cũng là vấn đề đau đầu của các quận lõi nội đô. Chủ tịch UBND phường Phương Mai (quận Đống Đa) Hoàng Thị Bảo Phương chia sẻ, hiện nay, trên địa bàn phường có 64 dãy nhà tập thể cũ cao 2 - 5 tầng nên mật độ dân cư tương đối cao. Cùng với đó, nhiều bệnh viện lớn nằm trên địa bàn phường dẫn đến mật độ dân cư cơ học cũng rất lớn. Trong khi đó, quỹ đất dành cho giao thông ít, nhiều tuyến đường nhỏ hẹp, các không gian công cộng như sân chơi, vườn hoa, nhà sinh hoạt cộng đồng đang rất thiếu, gây áp lực trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. “Với các quy hoạch phân khu vừa được TP phê duyệt, khi triển khai vào thực tiễn, các đơn vị chức năng cần quan tâm đến việc khảo sát, đánh giá hiện trạng sát với nhu cầu của từng khu dân cư, quan tâm đến đời sống người dân chắc chắn sẽ có tính khả thi cao” – bà Hoàng Thị Bảo Phương bày tỏ.

Trong khi đó, tại quận Hoàn Kiếm, vấn đề dành đất cho việc xây dựng trường học hầu như không thể thực hiện nên nhiều ngôi trường không bảo đảm về cơ sở vật chất cho công tác dạy và học. Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàn Kiếm Đinh Hồng Phong cho hay, do đặc thù nằm trong khu phố cổ, phố cũ nên khuôn viên một số trường trên địa bàn quận nhỏ hẹp, chưa đủ diện tích theo chuẩn, thiếu sân chơi, bãi tập, khu thể chất… chưa đáp ứng tốt nhất cho việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Một số trường còn điểm lẻ, chung địa điểm với chùa, nhà dân nên công tác quản lý, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia gặp khó khăn.

Giải phóng quỹ đất từ nhà tập thể cũ

Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Nguyễn Đức Hùng đánh giá, tại khu vực nội đô lịch sử gồm 4 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng với hiện trạng dân số khoảng hơn 887.000 người, diện tích 26,92km2. Với tính chất của đô thị mang tính lịch sử tồn tại hơn 1.000 năm ngày càng phát triển đã mang lại kinh tế giá trị cao cho Thủ đô. Tuy nhiên, do đối diện với tốc độ phát triển nhanh, thời gian qua, khu vực này còn tồn tại không ít các bất cập, trong đó nổi cộm là vấn đề hệ thống hạ tầng giao thông phát triển chưa đồng bộ, chưa hoàn chỉnh nhất là khu vực phía Tây và phía Nam TP như tại các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, diện tích đất dành cho giao thông hiện mới chỉ có khoảng 14%, đạt khoảng 1/2 so với quy chuẩn. Ngoài ra, các công trình công cộng đô thị như cây xanh, công viên, vườn hoa, hệ thống trường học cũng thiếu so với các quy chuẩn hiện hành. Cụ thể, đất công cộng đô thị mới đạt 1,83 m2/người (quy chuẩn là 2,85m2/người), đất cây xanh đô thị là 1,95 m2/người (chuẩn là 3,5 m2/người), đất trường học đạt gần 4m2/học sinh (chuẩn là 6 - 10m2/học sinh)…

Theo định hướng của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, khu nội đô lịch sử cần điều chỉnh các chức năng sử dụng đất, di dời những cơ sở sản xuất, cơ sở đào tạo, y tế không phù hợp ra bên ngoài. Bổ sung hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, cải tạo chỉnh trang kiến trúc đô thị, cảnh quan, tăng cường cây xanh mặt nước và bảo vệ môi trường sống. Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho biết, quy hoạch 6 phân khu đô thị nội đô đã cơ bản tuân thủ định hướng của quy hoạch chung và các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế hiện hành. Trong đó, giải pháp khắc phục tình trạng thiếu đất giao thông tĩnh, quy hoạch phân khu đã kết hợp lồng ghép với quy hoạch bến bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ. Tận dụng không gian ngầm dưới vườn hoa, khu cây xanh công viên, quảng trường có điều kiện thuận lợi về đất đai để bổ sung bãi đỗ xe cho nội đô. Tại các bãi xe công cộng cũng định hướng xây dựng nhiều tầng ngầm hoặc nổi để tiết kiệm quỹ đất. Theo định hướng, sẽ có 89 bãi đỗ xe với diện tích hơn 44ha gồm 38 bãi cao tầng và 51 bãi đỗ xe ngầm tại 4 quận. “Khó khăn hiện nay là làm sao có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút được nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho hạ tầng giao thông, bãi đỗ xe. Trong khi nguồn lực từ ngân sách còn hạn chế nên cần sự thúc đẩy thu hút đầu tư từ DN” - ông Lưu Quang Huy nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, quy hoạch cũng đã đưa ra định hướng cải tạo 130 tập thể cũ tăng chiều cao để giảm mật độ xây dựng và có phần đất bổ sung thêm không gian cây xanh, trường học, khu công cộng. Về định hướng này, Trưởng bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch (trường Đại học Xây dựng) TS.KTS Trần Minh Tùng cho rằng, đất đai trong đô thị là một tài nguyên vô cùng quý giá, nhất là tại khu vực nội đô Hà Nội, nên việc quy hoạch đưa ra phương án xây nhà cao tầng tại khu vực này nhưng đảm bảo mật độ dân cư, hệ số sử dụng đất, giải phóng được đất đai xung quanh để dành cho hạ tầng thì nhà cao tầng lại trở thành công cụ hữu hiệu cho việc hiện đại hóa đô thị.
Quy hoạch phân khu được duyệt là cơ sở pháp lý ban đầu, sau đó chính quyền địa phương phải triển khai tiếp các quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị tại những ô quy hoạch để cấp phép xây dựng, cụ thể hóa định hướng của quy hoạch phân khu. Trong đó, cần ưu tiên triển khai dự án đầu tư xây dựng đường giao thông. Đồng thời với việc di dời các trụ sở bộ, ngành, trường đại học, cơ sở ô nhiễm là đầu tư trường học, nhà trẻ và hệ thống hạ tầng khác cho các khu dân cư đang thiếu.

Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần