Quy hoạch tạo sức bật cho phát triển kinh tế đô thị

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát triển kinh tế đô thị là trọng tâm đồng hành với phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, từng tỉnh, TP đồng thời cũng là động lực để nâng cao chất lượng đô thị hóa.

Do đó, rất cần quan tâm nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị từ không gian quy hoạch đô thị; đổi mới mô hình quản lý đô thị; nhận thức tầm quan trọng của các dự án đầu tư xây dựng, chỉnh trang, tái thiết đô thị.

Có định hướng nhưng thiếu giải pháp

Từ sau Cách mạng tháng Tám, nhất là sau hòa bình lập lại ở miền Bắc năm 1954 và sau thống nhất đất nước năm 1975, mạng lưới đô thị phát triển không chỉ từ yêu cầu hành chính mà còn từ chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế theo đơn vị hành chính, vùng và quốc gia. Kinh tế đô thị là yêu cầu đã được đặt ra và tích hợp với tổ chức không gian xác định trong quy hoạch xây dựng.

Quy hoạch phải gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Thanh Hải
Quy hoạch phải gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Thanh Hải

Gần đây, trong xu hướng phát triển đô thị bền vững đã nhấn mạnh hơn vai trò của kinh tế đô thị. Phát triển đô thị bền vững không chỉ yêu cầu có mạng lưới hợp lý, cân đối giữa các vùng, miền mà còn cần chú trọng tới chức năng tổng hợp của đô thị. Các đô thị không chỉ có quy mô, dân số hợp lý mà còn phải lựa chọn lợi thế để phát triển kinh tế đô thị.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã định hướng: “Đẩy mạnh đô thị hóa gắn với phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng và nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị".

Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị (24/1/2022) đã xác định kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 75% vào năm 2025 và khoảng 85% vào năm 2030. Từ bối cảnh trên cho thấy, kinh tế đô thị là vấn đề không mới, luôn được quan tâm, đồng hành trong quá trình đô thị hóa, là nội dung được thể hiện trong quy hoạch, xây dựng nhưng thời gian qua chậm tổng kết cả về lý luận và thực tiễn, nhất là chưa thấy hết các yêu cầu, giải pháp thực hiện.

Trong những năm vừa qua, quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị đã đạt những kết quả đáng kể. Tuy nhiên, cũng bộc lộ tồn tại, đó là phát triển theo chiều rộng là chủ yếu, gây lãng phí về đất đai và mức độ phát triển, tập trung kinh tế còn thấp. Trong đó phải kể đến mô hình phát triển đô thị chưa gắn kết chặt chẽ với công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn tới, số lượng đô thị phát triển mạnh, tỷ lệ đô thị hóa có tốc độ lớn thì việc lựa chọn mô hình, cấu trúc đô thị là vấn đề cần được quan tâm.

Mặc dù thời gian qua đã có nhiều đổi mới trong hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển đô thị, song trong các tồn tại bất cập lại chủ yếu là tác động trực tiếp đến kinh tế đô thị như đất đai, nhà ở, thị trường bất động sản, xây dựng, quy hoạch... tiếp đó là các chính sách gián tiếp tác động đến kinh tế đô thị như quản lý dân số, thuế, đầu tư, dịch vụ... Có thể xem đây là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ đô thị hóa còn thấp, chất lượng đô thị hóa chưa cao.

Bên cạnh đó, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị chưa tương ứng với định hướng phát triển đô thị, đô thị hóa. Thấy rõ nhất là hệ thống giao thông chưa đáp ứng yêu cầu sử dụng, cơ cấu phương tiện giao thông chưa thích hợp (tỷ lệ giao thông công cộng còn thấp), dẫn đến áp lực về giao thông quá tải, chưa thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Những tồn tại này đã làm chậm chuyển đổi cơ cấu mô hình liên kết tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong quy hoạch đã có định hướng phát triển kết cấu hạ tầng, song yêu cầu nguồn lực lớn nên cần xây dựng kế hoạch thích hợp và có cơ chế huy động xã hội hóa.

Phát huy giá trị văn hóa truyền thống cũng chưa tương xứng với quá trình đô thị hóa và tiềm năng từng đô thị. Nhiều đô thị Việt Nam, trong đó có Hà Nội sở hữu quỹ di sản đô thị phong phú, hệ thống di tích đa dạng, nhiều di sản phi vật thể, làng nghề, hệ thống cảnh quan thiên nhiên đặc thù... Đây là các yếu tố tác động mạnh đến phát triển du lịch, dịch vụ thương mại, dịch vụ tài chính... để thúc đẩy kinh tế đô thị, song chưa được quan tâm, chưa thật sự được xem là động lực nội sinh để phát triển bền vững.

Việt Nam có lực lượng khoa học công nghệ được đào tạo, tạo thuận lợi trong hội nhập, nhất là với các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Song đầu tư cho khoa học công nghệ còn thấp, hiệu quả chưa cao, năng lực sáng tạo chưa được phát huy nên việc chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao chưa được phát huy. Điều này đã tác động đến phát triển kinh tế đô thị, liên kết kinh tế vùng.

Cấp thiết hoàn thiện thể chế, chính sách

Để phát triển kinh tế đô thị gắn với đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đô thị hóa trước nhất cần hoàn thiện thể chế, chính sách. Đây là nhiệm vụ không mới, đã được đề cập nhiều song cũng là nhiệm vụ phức tạp cần lựa chọn để tạo đột phá cho đô thị hóa.

Trong đó bước đi đầu nên quan tâm đến chính sách về đất đai, đầu tư xây dựng, quy hoạch để loại bỏ các mâu thuẫn chồng chéo, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đô thị theo hướng xanh, thông minh, bền vững. Cần quan tâm đến xây dựng hệ thống tiêu chí về đô thị để không chỉ thực hiện tăng nhanh về số lượng mà còn cả nâng cao chất lượng đô thị (nâng loại đô thị hiện hữu và thành lập các đô thị mới) bảo đảm phát triển bền vững.

Luật Quy hoạch (2017) ban hành được xem như là bước đột phá trong thay đổi hệ thống quy hoạch, cách làm quy hoạch và điều chỉnh nội dung từng loại quy hoạch. Song qua kết quả giám sát của Quốc hội vừa qua cho thấy còn không ít tồn tại, chưa sát với thực tiễn.

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 61/2022/QH15, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 64/NQ-CP (tháng 5/2022) để tháo gỡ tồn tại, song để đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 còn rất cần những định hướng cụ thể để quy hoạch tạo bệ đỡ cho phát triển kinh tế đô thị.

Nhằm tạo quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế đô thị không chỉ từ mở rộng đô thị mà còn quan tâm hơn đến chuyển đổi chức năng một số khu vực và nhất là khai thác quỹ đất từ tái thiết đô thị như cải tạo chung cư cũ, di dời cơ sở công nghiệp... Khi khai thác quỹ đất này cần chú ý đến khả năng phát triển không gian công cộng cho kinh tế đô thị; kinh tế đêm, kinh tế vỉa hè... Để thực hiện được cần rà soát lại phân loại đất đai và các chỉ tiêu sử dụng đất theo hướng tăng trưởng theo chiều rộng và chiều sâu.

Để phát triển đô thị bền vững cùng với phát triển kinh tế đô thị không chỉ quyết định từ định hướng mà còn là quản lý, khai thác, giám sát hiệu quả thông qua mô hình quản lý, chính quyền đô thị. Nhà nước đã cho một số đô thị được áp dụng chính sách đặc thù, gần đây còn đề xuất được áp dụng chính sách đặc biệt. Mô hình chính quyền đô thị cùng với năng lực của đội ngũ quản lý là vấn đề cần được nghiên cứu áp dụng gắn với thực tiễn không đơn giản là áp dụng bài học từ nước ngoài.

Phát triển kinh tế đô thị là vấn đề đa ngành song bước đi đầu là cần quan tâm đến công tác quy hoạch (quy hoạch quốc gia, ngành, vùng và từng đô thị). Đổi mới công tác quy hoạch không chỉ là nâng cao chất lượng đô thị, phát triển đô thị bền vững mà còn tác động đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung và kinh tế đô thị nói riêng.

 

Để phát triển kinh tế đô thị cần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát huy giá trị công trình văn hóa, lịch sử, không gian công cộng phát triển kinh tế dịch vụ: tuần hoàn, chia sẻ, du lịch, kinh tế đêm... Từ những định hướng của T.Ư, nhiều tỉnh, TP đã cụ thể hóa cho địa phương mình. Tại Hà Nội, từ năm 2021 đã xây dựng đề án phát triển kinh tế đô thị, đã tổ chức nghiên cứu chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội).