Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021 -2030, tầm nhìn 2050: Tăng tốc giai đoạn nước rút

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đang bước vào giai đoạn nước rút thực hiện những nhiệm vụ hết sức quan trọng trong lĩnh vực quy hoạch.

 Trong đó, công tác lập Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 (gọi tắt là Quy hoạch Thủ đô) với khối lượng công việc khổng lồ, nhiều vấn đề khó, mới, chưa có tiền lệ nên để hoàn thành theo đúng yêu cầu tiến độ đang là một thách thức rất lớn.

Chủ động cách làm để kịp tiến độ

Để thực hiện Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn 2050, các tỉnh, TP đang tích cực triển khai trên cơ sở quy định của Luật Quy hoạch 2017 và Luật có liên quan. Đối với Hà Nội, ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch vào tháng 3/2022, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND TP tổ chức triển khai. Tháng 4/2022, UBND TP đã có quyết định giao Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội là cơ quan tổ chức lập Quy hoạch Thủ đô. Cùng với đó, UBND TP ban hành Kế hoạch số 146/KH-UBND ngày 25/5/2022 phân công nhiệm vụ cụ thể và mốc thời gian hoàn thành đối với các phần việc, đơn vị liên quan.

Không gian Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Hữu Thắng
Không gian Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Hữu Thắng

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội Nguyễn Thị Diễm Hằng cho hay, dù xác định đây là công việc rất khó, trọng trách lớn nhưng ngay sau khi được TP giao nhiệm vụ, Viện đã bắt tay ngay vào triển khai một cách bài bản, quyết liệt. Đến nay, Viện đã thực hiện được các phần việc như tổ chức hội nghị triển khai, hướng dẫn các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã chuẩn bị nội dung phục vụ lập quy hoạch; tổ chức các buổi tọa đàm xin ý kiến chuyên gia, nhà khoa học trong nước, quốc tế. Đồng thời, Viện cũng đã khảo sát, học tập kinh nghiệm tại một số tỉnh, TP về các nội dung liên quan lập Quy hoạch Thủ đô; hoàn thành báo cáo khung định hướng quy hoạch… Đến thời điểm hiện nay, Viện đang khẩn trương hoàn thiện để đăng hồ sơ mời thầu và dự kiến khoảng tháng 4/2023 sẽ chọn được đơn vị tư vấn lập quy hoạch, phấn đấu đến tháng 6/2023, có dự thảo bước đầu để báo cáo Chính phủ.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, kinh nghiệm học được từ các tỉnh, TP, dù tư vấn lập quy hoạch nhưng nếu các tỉnh, TP không trực tiếp tham gia thì chất lượng quy hoạch sẽ kém. Vì vậy, để chủ động trong vấn đề chuyên môn, Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội đã chủ động nghiên cứu, xây dựng các luận cứ đưa ra phương án quy hoạch.

Cần sớm có hướng dẫn về nội dung tích hợp

Trước đây, việc nghiên cứu quy hoạch thường được thực hiện theo tầng bậc và độc lập trong từng ngành, lĩnh vực. Nhưng lần này, nghiên cứu quy hoạch được tổ chức theo phương pháp tích hợp với nhiều nội dung thống nhất trong một bản quy hoạch trên một địa bàn tỉnh. Trong khi thời gian còn rất ít, vấn đề nằm ở cơ quan thẩm tra, cơ quan tổ chức thực hiện cần có những cách làm sáng tạo nhằm đẩy nhanh tiến độ. Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, việc cần thiết hiện nay là thành lập một bộ phận chuyên môn, được tập hợp từ các đơn vị, sở, ngành của TP để nghiên cứu, sàng lọc phương án quy hoạch của từng ngành, lĩnh vực, quận, huyện để đưa vào nội dung quy hoạch tích hợp.

 

N

Quy hoạch Thủ đô hoàn thành sẽ là công cụ pháp lý đặc biệt quan trọng để các cấp chính quyền TP Hà Nội lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất và hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển. Với sự chỉ đạo linh hoạt, đổi mới của TP, sự tập trung vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của toàn hệ thống chính trị, sự tham gia có trách nhiệm của cộng đồng xã hội, hy vọng Hà Nội sẽ hoàn thành được bản quy hoạch đặc biệt quan trọng này với chất lượng cao nhất nhằm xây dựng Thủ đô -Thành phố anh hùng, hòa bình, sáng tạo, xứng đáng với niềm tin, kỳ vọng của Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm

Hiện nay, Hà Nội đang có đặc thù, trong một địa bàn, trên cùng diện tích, cùng thời gian quy hoạch, có hai quy hoạch cùng triển khai song song đồng thời. Đó là lập Quy hoạch Thủ đô và Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Vì vậy, có nhiều nội dung cần phải phân định rất rõ. Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho biết, nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định cho Hà Nội 69 nội dung cần tích hợp vào quy hoạch, bao gồm: 39 nội dung đề xuất về phương án phát triển ngành, lĩnh vực và 30 nội dung đề xuất phương án phát triển kinh tế - xã hội cấp huyện. Trong khi đó, Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 cũng đang đề cập đến khoảng 27/39 nội dung định hướng về chuyên ngành và 30/30 nội dung định hướng về quy hoạch của địa phương trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội.

“Như vậy, một số phương án quy hoạch ngành và địa phương được xác định trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội cũng được xác định trong Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, các nội hàm trong hai quy hoạch có thể sẽ có khác biệt, do nội hàm các ngành, lĩnh vực trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội là các phương án quy hoạch, còn trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội là các định hướng quy hoạch. Đồng thời, nội dung và mức độ nghiên cứu có thể có khác biệt do yêu cầu, cách tiếp cận, kết quả của hai quy hoạch theo các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau” – ông Lưu Quang Huy nêu.

Đến nay, mối quan hệ giữa quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung đô thị đối với các đô thị đặc biệt như Hà Nội chưa từng có tiền lệ, cũng như hệ thống văn bản pháp luật chưa đề cập đầy đủ các diễn biến thực tế đang diễn ra. Do đó, để tránh chồng chéo, trùng lặp, cũng như để đảm bảo tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ KH&ĐT, Bộ Xây dựng cần sớm có hướng dẫn cụ thể về nội dung tích hợp, bản đồ tích hợp, cơ sở dữ liệu khi tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng bộ với Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.