Quy hoạch tượng đài Quốc Tổ Hùng Vương: Lo ngại nhiều phiên bản

Phạm Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để kiểm soát về số lượng, chất lượng các công trình tượng đài Quốc Tổ Hùng Vương trên cả nước, sáng 8/5, Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh, Bộ VHTT&DL đã tổ chức hội thảo “Nhiệm vụ, mục tiêu, tiêu chí Quy hoạch tượng đài, tượng ngoài trời Quốc Tổ Hùng Vương đến năm 2035”. Nhưng việc cụ thể hóa một nhân vật huyền sử cách thời nay hàng nghìn năm khiến nhiều người lo ngại sẽ cho ra nhiều phiên bản hình tượng Vua Hùng.

 Mẫu phác thảo hình tượng Vua Hùng được trưng bày tại Lễ hội đền Hùng năm 2016.
Chưa có tượng đài thực sự
Hiện nay trên cả nước có thể điểm tên 3 tượng Vua Hùng bao gồm: Tượng tại Công viên văn hóa Đồng Xanh (Pleiku – Gia Lai); tượng ngoài trời Hùng Vương và tượng trong nhà tại Khu du lịch văn hóa Suối Tiên (TP Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, các công trình trên chỉ ở dạng tượng thờ trong đền hoặc khu tưởng niệm, khu trang trí phục vụ du lịch, chưa có công trình nào được xây dựng đúng với tính chất, quy mô của một công trình tượng đài. Hơn nữa, các tượng Hùng Vương đang có ở Việt Nam do chưa có quy hoạch, nên chưa tạo thành điểm nhấn hòa hợp với tổng thể không gian kiến trúc.

Hơn nữa, ông Hoàng Minh Đức – Trưởng phòng Mỹ thuật, Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh cho rằng, tượng Quốc Tổ Hùng Vương do chưa đầu tư nghiên cứu, nên thiếu những hình tượng điển hình và hình khối đặc trưng của hình thái Vua Hùng. Cách thể hiện của các tượng còn theo kiểu dân gian thái quá, cường điệu quá mức làm biến dạng hình tượng. Hơn nữa, nhiều tượng đài làm hình ảnh Quốc Tổ đơn điệu, xa lạ và không có sức truyền cảm. Chính vì vậy, xét về quy mô và tổng thể, nước ta hiện nay chưa có công trình nào đủ điều kiện là tượng đài Quốc Tổ Hùng Vương đại diện cho cả nước.

Nên hạn chế trong số lượng 7 tượng đài

Tượng đài Hùng Vương có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của Nhân dân. Do vậy, việc xây dựng tượng đài là rất cần thiết. Tuy nhiên, Vua Hùng là nhân vật huyền sử, cách đây hàng nghìn năm, không có tư liệu lịch sử bằng hình ảnh, chỉ có một vài dữ liệu lịch sử hay hình ảnh minh họa, sách viết về Vua Hùng nhưng rất mơ hồ, chung chung về mặt tạo hình. Bởi vậy, để đi đến thống nhất chung trong quy hoạch tượng đài Quốc Tổ Hùng Vương là điều tương đối khó khăn.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, do chưa có đầy đủ tư liệu lịch sử về Hùng Vương, nên rất khó đi đến thống nhất và cần phải thận trọng trong công tác quy hoạch. “Cá nhân tôi không ủng hộ việc xây dựng tượng đài to, hoành tráng bởi đất nước còn quá nhiều điều đang phải lo. Tuy nhiên, việc xây dụng nơi thờ cúng, trong đó có tượng Hùng Vương là nên làm. Chúng ta nên giới hạn tổng thể cả nước từ nay tới năm 2035 có khoảng bao nhiêu tượng đài cho trang trọng. Từ đó đi đến thống nhất khuôn mẫu chung, hạn chế sự sáng tạo của các nghệ sĩ để tránh biến tướng” - ông Dương Trung Quốc phân tích. Cùng quan điểm, GS Phạm Mai Hùng cho rằng, để tránh mất đoàn kết giữa các địa phương, nơi được làm, nơi không được làm, cần cẩn trọng trong công tác quy hoạch của các địa phương đó để đi đến phương án tổng thể trên toàn quốc. “Nếu làm không cẩn thận sẽ có rất nhiều Vua Hùng mà không biết ông nào là chính, ông nào là phụ” - GS Hùng nói.

Theo nhận định của KTS Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam, việc xây dựng tượng đài Quốc Tổ Hùng Vương của Việt Nam nên chia theo khu vực. Cụ thể, tại miền Bắc gồm 2 tượng đài được đặt tại Phú Thọ và Hà Giang; miền Trung đặt tại 2 khu vực Bắc Trung Bộ (Hà Tĩnh) và Nam Trung Bộ (Ninh Thuận hoặc Bình Thuận); Tây Nguyên cho sửa lại tượng tại Pleiku; Nam Bộ lấy TP Hồ Chí Minh làm trung tâm; cuối cùng là Đồng bằng sông Cửu Long (có thể Tây Ninh). Như vậy, cả nước chỉ nên có tổng 7 tượng đài Quốc Tổ Hùng Vương là đủ và hợp lý.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đưa ra nhiều điểm cần lưu tâm trong công tác quy hoạch tổng thể các tượng đài Quốc Tổ Hùng Vương như tiêu chí về kinh phí, thống nhất về không gian, thời gian xây dựng, khuôn mẫu, hình thể, phong thái và trọng lượng các tượng đài nếu được xây dựng.