Quyền dân sự được quy định thế nào?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong Hiến pháp năm 2013, nội dung về quyền con người, quyền công dân được quy định chủ yếu tại Chương II “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” đã thể hiện định hướng đối với vấn đề quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp.

Theo đó, giá trị của những nội dung về quyền công dân, quyền con người đã được quan tâm đúng mức hơn. Do vậy, trong quá trình sửa đổi Bộ luật Dân sự (BLDS), các quyền dân sự được quy định trong Dự thảo luôn cần đảm bảo yếu tố thể chế hóa các quyền con người, quyền công dân đã được khẳng định trong Hiến pháp năm 2013.

Với góc độ là bộ luật nền của hệ thống luật tư, sự thể chế hóa này cần được thể hiện một cách có chọn lọc, vừa đảm bảo sự thống nhất với định hướng chỉ đạo của Hiến pháp đối với toàn bộ hệ thống pháp luật nói chung, vừa đảm bảo được bản chất dân sự của các quy định được thể hiện trong BLDS nói riêng. Dự thảo BLDS sửa đổi đã thể hiện rõ yêu cầu thể chế hóa các quy định về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013 vào các quy định của Dự thảo, đặc biệt là trong các quy định về quyền nhân thân của cá nhân.
Chi hội Luật gia Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh góp ý kiến xây dựng Bộ luật Dân sự sửa đổi.        Ảnh: Đỗ Dung
Chi hội Luật gia Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh góp ý kiến xây dựng Bộ luật Dân sự sửa đổi. Ảnh: Đỗ Dung
Tại Chương 2, Hiến pháp năm 2013 đã thừa nhận các quyền của công dân bao gồm: Quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền được bảo vệ sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác, quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, quyền tự do ngôn luận, quyền lao động, quyền tự do kinh doanh, quyền kết hôn, ly hôn, quyền nghiên cứu khoa học, sáng tạo văn học nghệ thuật, quyền xác định dân tộc. Toàn bộ những quyền này đã được Dự thảo thể chế hóa và ghi nhận trong nội dung quy định về quyền nhân thân. Cụ thể là: Quyền xác định dân tộc (Điều 33), quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể (Điều 37), quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín (Điều 38), quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể và hiến xác (Điều 39), quyền được bảo đảm an toàn về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân (Điều 41), quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình (Điều 42), quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở (Điều 43), quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo (Điều 44), quyền tự do đi lại và cư trú (Điều 45), quyền lao động (Điều 46), quyền tự do kinh doanh (Điều 47), quyền tiếp cận thông tin (Điều 48), quyền lập hội (Điều 49), quyền tự do nghiên cứu sáng tạo (Điều 50).

Có thể thấy, sự thể chế hóa các quy định trong Hiến pháp đang được thực hiện theo con đường tái thể hiện đầy đủ, đảm bảo không thiếu các quyền con người, quyền công dân được quy định, thông qua việc nhắc lại tên hoặc liệt kê lại các quyền đã được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận. Tuy nhiên, yêu cầu về sự thể chế hóa này nên được xem xét một cách hợp lý hơn. Với vị trí là luật gốc, luật nền tảng của hệ thống luật tư, các quy định của BLDS cần đảm bảo các yếu tố: Thể hiện đúng tính chất, đặc trưng của các quan hệ dân sự; tạo cơ sở pháp lý cho các quy định trong các văn bản luật chuyên ngành trong lĩnh vực luật. Nói cách khác, các văn bản luật chuyên ngành sẽ quy định những nội dung trong lĩnh vực chuyên ngành nhất quán theo kim chỉ nam đã định hướng từ BLDS.

Theo quan điểm của tôi, xuất phát từ vị trí và bản chất khác nhau giữa Hiến pháp (luật cơ bản của toàn bộ hệ thống pháp luật Nhà nước) và BLDS (bộ luật cơ bản của hệ thống luật tư), các quyền nhân thân được ghi nhận và bảo đảm thực hiện tại BLDS nên được quy định theo hướng chọn lọc và cần phân biệt rõ ràng hơn giữa những quyền mang tính dân sự, có ý nghĩa trong quan hệ dân sự (cần được ghi nhận trong BLDS) và những quyền mang tính chính trị, thể hiện quan hệ giữa Nhà nước và công dân (được nêu trong Hiến pháp).

Chẳng hạn như nơi cư trú là một chế định quan trọng, cần thiết được quy định trong BLDS nhưng quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, quyền tự do đi lại và cư trú thể hiện bản chất chính trị và có ý nghĩa trong quan hệ giữa Nhà nước và công dân hơn là trong quan hệ mang tính chất dân sự giữa các chủ thể. Hoặc quyền lập hội là một trong những quyền nhân thân được quy định trong Dự thảo nhưng về bản chất, quyền này không thể hiện được bản chất dân sự và không nên được quy định thành một quyền dân sự trong BLDS.

Do đó, sự thể chế hóa các quy định của Hiến pháp cần được xác định theo hướng: Trước tiên cần lựa chọn một cách hợp lý những quyền con người, quyền công dân mang bản chất dân sự để quy định trong Dự thảo BLDS sửa đổi. Sau khi đã xác định chính xác các quyền cần được thể chế hóa trong Dự thảo thì nội dung của các quyền này cần được Dự thảo quy định chi tiết, mang rõ tính chất dân sự. Từ đó, làm nền tảng định hướng cho các quan hệ cụ thể trong lĩnh vực luật tư.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần