Quyền và trách nhiệm của cử tri: Không được phép thờ ơ với nghĩa vụ thiêng liêng

Trần Hà (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nếu cử tri nào cũng làm hết quyền và nghĩa vụ của mình trong bầu cử, thực sự có trách nhiệm, sát sao trong việc đánh giá, lựa chọn ứng cử viên, chắc chắn sẽ khiến mỗi đại biểu (ĐB) dân cử trúng cử trách nhiệm và nỗ lực nhiều hơn trong hoạt động của họ.

Đó là nhận định được PGS.TS Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an) nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên báo Kinh tế&Đô thị.

Mỗi lá phiếu là “một viên gạch hồng”

Hiện cuộc bầu cử ĐB Quốc hội khóa XV, ĐB HĐND TP nhiệm kỳ 2021 - 2026 đang ở giai đoạn rất quan trọng khi các ứng cử viên tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử, đưa ra những lời hứa sẽ thực hiện khi trúng cử. Với góc nhìn của một cử tri, ông quan tâm điều gì ở các chương trình hành động của ứng cử viên?

- Qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng những ngày qua, tôi thấy cuộc bầu cử đang bước vào giai đoạn rất sôi động khi các ứng cử viên tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử. Tôi thấy các chương trình hành động rất trách nhiệm, đặt vấn đề phù hợp với vị trí công tác, trình độ chuyên môn của mình; nhiều “lời hứa” đã được đưa ra ở nhiều lĩnh vực, đó là điều rất hay. Tuy nhiên, cá nhân tôi cũng như nhiều cử tri quan tâm nhiều hơn đến việc thực hiện chương trình hành động nếu trúng cử. Đó mới là vấn đề quan trọng.

Tôi được biết, các chương trình hành động này đều được cơ quan có trách nhiệm trong công tác bầu cử lưu giữ. Luật cũng đã quy định mỗi năm ít nhất một lần, ĐB phải báo cáo trước cử tri nơi ứng cử về kết quả hoạt động của mình trong năm đó. Nhưng thực tế tôi thấy điều này chưa được thực hiện hiệu quả.
 PGS.TS Lê Văn Cương
Trong những khóa trước, có nhiều ĐB khi đi vận động bầu cử hứa hay lắm, nhưng sau có làm gì đâu, thậm chí vi phạm pháp luật. Bởi thế, tôi nghĩ rằng, những lời hứa trong các chương trình hành động phải được coi là “cam kết bằng văn bản” và được lưu ở các cơ quan chức năng. Đồng thời, theo định kỳ 6 tháng, 1 năm phải có hình thức để soi chiếu, nhắc nhở và báo cáo với cử tri, để đánh giá xem ĐB hoạt động như vậy đã đạt yêu cầu hay chưa, lời hứa đã được thực hiện, được hoàn thành hay chưa. Việc khơi dậy và tạo cơ chế thuận lợi để cử tri thường xuyên chấm điểm, nhận xét kịp thời hoạt động của ĐB, so sánh với lời hứa sẽ khiến ĐB không thể lơ là với trách nhiệm đại diện của mình. Đây cũng là một cách để giám sát quyền lực.

Chủ thể quan trọng làm nên thành công và hiệu quả của cuộc bầu cử chính là cử tri. Vậy theo ông, để người dân hiểu và ý thức rõ về quyền, trách nhiệm của mình cũng như ý nghĩa của mỗi lá phiếu để tích cực tham gia bầu cử, có vấn đề gì cần quan tâm?

- Tôi nghĩ ai cũng hiểu điều này, bầu cử là cơ sở pháp lý cho việc hình thành ra các cơ quan đại diện cho quyền lực nhà nước. Thông qua bầu cử giúp người dân có điều kiện thể hiện quyền "làm chủ" của mình. Như Bác Hồ đã từng nói: “Lá phiếu của người cử tri tuy khuôn khổ nó bé nhỏ, nhưng giá trị của nó thì vô cùng to lớn... Vì vậy, đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử vừa là quyền lợi quý báu, vừa là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người cử tri”. Như vậy, đi bầu cử không chỉ là sự thực hiện quyền mà còn là nghĩa vụ, đặt kỳ vọng vào tương lai tươi đẹp hơn của đất nước mình, địa phương mình. Mỗi lá phiếu của cử tri mang trong mình sứ mệnh cao cả là “một viên gạch hồng” góp phần dựng xây đất nước.

Nhưng thực tế, trong công tác tuyên truyền cũng như quan điểm của nhiều người chỉ nhấn mạnh đến khía cạnh quyền. Và đã là “quyền”, họ có thể sử dụng hoặc không. Nên mới có tình trạng không đi bầu cử hoặc nhờ bỏ phiếu thay, một người đại diện cho cả nhà đi bỏ phiếu; bỏ phiếu qua loa, đại khái cho xong. Họ cũng không quan tâm đến ứng cử viên mình lựa chọn hoặc không nắm rõ quy định, số lượng người được bầu nên bầu sai hoặc lựa chọn theo cảm tính. Nhưng bên cạnh quyền còn là nghĩa vụ, có tính pháp lý và phải thực hiện. Nghĩa vụ này thiêng liêng lắm. Bởi bản thân mỗi cử tri có vai trò quyết định trong việc lựa chọn cho mình những người đại diện xứng đáng nhất để thay mặt mình quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước, dân tộc. Ý thức và thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ bầu cử của mình chính là có trách nhiệm với xã hội. Thờ ơ với quyền và nghĩa vụ bầu cử của mình là rất đáng chê trách bởi đó cũng có thể coi là sự thờ ơ với lịch sử và vận mệnh đất nước.

Tôi nghĩ có lẽ chúng ta cũng nên xem xét bổ sung trong luật bầu cử một quy định hay chế tài phù hợp để xử lý những người không thực hiện nghĩa vụ, nhưng không đưa ra được lý do chính đáng. Đồng thời, để phát huy trách nhiệm của cử tri trong bầu cử, việc tuyên truyền cũng phải làm hiệu quả hơn, để người dân hiểu giá trị của lá phiếu bầu thực sự có sức nặng, có ý nghĩa quan trọng đối với chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử, của những người sau này đại diện mình trong quyết định các vấn đề quan trọng.

Sáng suốt lựa chọn người xứng đáng

Hiện trên các trang mạng xã hội vẫn xuất hiện những luận điệu sai trái nhằm dẫn dắt dư luận xã hội, phá hoại cuộc bầu cử. Từng công tác trong ngành công an, theo ông, cử tri cần lưu ý điều gì để đừng bị kẻ xấu lôi kéo mà từ bỏ quyền và nghĩa vụ thiêng liêng trong bầu cử?

- Phải nói rằng, càng đến ngày bầu cử, các phần tử phản động, cơ hội chính trị càng ráo riết thực hiện những hành vi tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo để phá hoại tung ra các luận điệu sai trái đi ngược lại với thực tế của cuộc bầu cử. Vì vậy, cử tri cần hết sức tỉnh táo, chủ động nhận diện và đấu tranh với những luận điệu sai trái ấy.

Tôi nghĩ qua thực tiễn của Quốc hội, ai cũng nhận thấy rằng, dân chủ luôn luôn được mở rộng. Trong gần 500 ĐB, có thể một vài ĐB chưa đạt được như kỳ vọng của cử tri, nhưng có thể nói chất lượng ĐB Quốc hội ngày càng được nâng cao, hoạt động ngày càng hiệu quả. Điều này được minh chứng rõ nhất trong các phiên thảo luận luật, chất vấn. Tôi thấy các ĐB phát biểu rất thẳng thắn, nhìn nhận vấn đề nhiều chiều trên cơ sở đại diện cho quyền lực Nhân dân, đó chính là tính dân chủ.

Trong suốt quá trình bầu cử, người dân được thực hiện quyền làm chủ của mình từ giai đoạn giới thiệu người ứng cử, tham gia các hội nghị cử tri để bày tỏ sự tín nhiệm đối với người ứng cử đến giai đoạn bỏ phiếu trong ngày bầu cử, thể hiện quyền lực qua từng lá phiếu để bầu ĐB xứng đáng. Quá trình đó rất dân chủ, công bằng. Bởi thế, mỗi người dân hãy tỉnh táo để không bị tác động bởi những thông tin sai trái. Đồng thời, tôi nghĩ rằng, cùng với báo chí, truyền thông, các hội đoàn thể cần tăng tuyên truyền đến từng hội viên của mình để mọi người hiểu, loại trừ mọi thái độ tiêu cực như: Thờ ơ, vô cảm, đứng ngoài cuộc… Giúp mỗi cử tri thấy rõ quyền làm chủ trong lựa chọn ai thật sự xứng đáng đại diện cho mình, để lá phiếu bầu của họ thực sự ý nghĩa.

Vậy với những bước chuẩn bị cho cuộc bầu cử đã và đang được tiến hành, ông có kỳ vọng gì vào những ĐB dân cử sẽ được bầu vào ngày 23/5 tới?

- Tôi nghĩ chúng ta phải trở lại những thành công trong công tác nhân sự của Đại hội Đảng các cấp, đặc biệt là Đại hội XIII của Đảng, chính yếu tố này khiến tôi hoàn toàn tin tưởng cuộc bầu cử lần này sẽ lựa chọn được những ĐB có đạo đức, trí tuệ, tâm huyết. Qua các ứng cử viên được công bố, có nhiều người xứng đáng trở thành ĐB Quốc hội, nhưng cử tri cần sáng suốt lựa chọn ai xứng đáng hơn, ai phù hợp hơn để đảm trách nhiệm vụ quan trọng trong cơ quan dân cử. Trong ngày 23/5 tới, tôi cũng sẽ thực hiện đúng trách nhiệm, quyền lợi của mình đó là đi bầu cử để lựa chọn người xứng đáng đại diện cho mình vào cơ quan dân cử.

Xin cảm ơn ông!

"Tôi nghĩ có lẽ chúng ta cũng nên xem xét bổ sung trong Luật Bầu cử một quy định hay chế tài phù hợp để xử lý những người không thực hiện nghĩa vụ, nhưng không đưa ra được lý do chính đáng. Đồng thời, để phát huy trách nhiệm của cử tri trong bầu cử, việc tuyên truyền cũng phải làm hiệu quả hơn, để người dân hiểu giá trị của lá phiếu bầu thực sự có sức nặng, có ý nghĩa quan trọng đối với chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử, của những người sau này đại diện mình trong quyết định các vấn đề quan trọng." - PGS.TS Lê Văn Cương

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần