Quyết định của ông Putin: Bài học thuở thiếu thời?

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau tuyên bố huy động một phần lực lượng dự bị quân sự của Nga cho chiến sự kịch tính tại Donbass, kèm lời cảnh báo hạt nhân rõ ràng hôm 21/9, thế giới một lần nữa sôi sục tìm cách lý giải Tổng thống Vladimir Putin

Tương tự khi ông ra lệnh triển khai chiến dịch đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2 năm nay. Và câu trả lời có thể được tìm thấy từ một cuốn sách...

Không nên dồn ai vào chân tường

Thời ấu thơ lớn lên ở Leningrad, cậu bé Vladimir Vladimirovich Putin sống cùng bố mẹ và anh trai trong một căn hộ chung với 2 gia đình khác, tại một tòa nhà 5 tầng được mô tả đã xuống cấp, với mảnh sân đầy rác rất thu hút chuột. “Putin và những người bạn của ông thường dùng gậy đuổi theo lũ chuột. Cho đến một ngày, một con chuột lớn bị ông dồn vào đường cùng đã quay lại và tấn công ông, khiến Putin khiếp sợ. Bài học: Không nên dồn ai vào chân tường, không nên ép ai phải vào tình thế không còn đường lui”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Sputnik
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Sputnik

Câu chuyện trên được kể lại trong cuốn tiểu sử “Putin” của nhà báo người Anh Philip Short, xuất bản lần đầu tiên vào tháng 10/2021. Đây được cho là một trong những kinh nghiệm sống nổi bật đã góp phần lớn định hình tính cách và tư tưởng của nhà lãnh đạo nước Nga, trở thành manh mối phần nào lý giải những quyết định lớn của Tổng thống Putin lúc này ở Ukraine, mà rộng hơn là cuộc đối đầu với sự bành trướng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Bất chấp những lời hứa lặp đi, lặp lại trong hàng chục năm qua của Mỹ, Đức, Anh và NATO nói chung rằng, liên minh quân sự này sẽ không tiến xa hơn về phía Đông, NATO vẫn tiếp tục lấn tới, tiến ngày càng gần hơn với một nước Nga đã bị loại khỏi Liên minh châu Âu (EU) một cách rõ ràng, và giờ lại phải chứng kiến liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu dần tiến thẳng đến biên giới của mình. Nga như bị dồn vào chân tường.

Ngay từ năm 2008, khi NATO lần đầu tiên tuyên bố tại Hội nghị Thượng đỉnh Bucharest rằng Ukraine và Gruzia sẽ trở thành thành viên của NATO, Moscow đã nói rõ rằng họ coi quyết định này là “một mối đe dọa hiện hữu”. Tổng thống Putin cảnh báo việc trở thành thành viên NATO của Gruzia và Ukraine là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh quốc gia Nga.

John Mearsheimer - Giáo sư chính trị học tại ĐH Chicago (Mỹ) trích lời một nhà báo Nga đã đưa tin rằng, ông chủ Điện Kremlin lúc bấy giờ “nổi cơn thịnh nộ” và cảnh báo: “Nếu Ukraine gia nhập NATO, nước này hãy cứ làm như vậy mà không có Crimea và các khu vực phía Đông. Đơn giản là Ukraine sẽ tan rã”.

Hơn 1 thập kỷ sau, ông Putin một lần nữa ra cảnh báo với Mỹ. Ngày 2/12/2021, Tổng thống Nga yêu cầu Washington đàm phán ngay lập tức và gửi đề xuất về đảm “an ninh lâu dài và đáng tin cậỵ”, trong đó bao gồm việc “sẽ loại trừ bất kỳ động thái nào của NATO về phía Đông và việc triển khai các hệ thống vũ khí đe dọa trong vùng lân cận với lãnh thổ Nga”. Kết quả, Mỹ từ chối.

Giữa bối cảnh NATO không ngừng áp sát biên giới của Nga, Ukraine tràn ngập vũ khí sát thương của phương Tây và hàng chục nghìn binh sĩ tinh nhuệ của Ukraine tập trung dọc biên giới phía Đông với vùng Donbass, giống như con chuột trong sân nhà ngày đó của Putin, Nga được tin đã bị dồn đến chân tường. Với những lời cảnh báo và kêu gọi đàm phán ngay lập tức bị phớt lờ, Moscow rõ ràng không còn đường lui.

Điều đó tất nhiên không thể biện minh cho việc phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine khiến hàng triệu dân thường bị ảnh hưởng. Nhưng để hiểu, các bước đi tiếp theo đó dường như đã được ông Putin rút ra từ bài học thời thơ ấu.

Mọi lời nói đều có cơ sở

Trong cuốn sách mất 8 năm nghiên cứu hình thành, nhà báo Philip Short đã mô tả môi trường mà ông Putin lớn lên, quá trình ông trở thành một cựu điệp viên tình báo KGB (nay là Ủy ban An ninh Quốc gia Nga), cho đến khi là Phó Thị trưởng St.Petersburg và cuối cùng là Tổng thống Nga. Theo đó, một trong nhiều quy tắc mà ông Putin được đào tạo ở KGB là "đừng chạm tới một vũ khí trừ khi bạn chuẩn bị sử dụng nó".

Ông Putin (giữa) thời hoạt động tại Đông Đức cho KGB. Nguồn: RBTH
Ông Putin (giữa) thời hoạt động tại Đông Đức cho KGB. Nguồn: RBTH

Theo đó, một trong nhiều quy tắc mà ông Putin được đào tạo ở KGB là “đừng chạm tới một vũ khí trừ khi bạn chuẩn bị sử dụng nó…Đó cũng là “luật đường phố” - nơi các mối quan hệ được làm rõ bằng nắm đấm. Bạn không tham gia trừ khi bạn đã sẵn sàng ra đòn”.

Năm 2008, khi nhà lãnh đạo Nga nói rằng “nếu Ukraine gia nhập NATO, nước này hãy cứ làm vậy mà không có Crimea và các khu vực phía Đông”, phương Tây tỏ ra phớt lờ và cho rằng đó chỉ là một lời dọa suông. Nhưng với những gì đã được học, ông Putin chắc chắn không đe dọa hành động trừ khi ông đã “sẵn sàng ra đòn”.

Với việc Mỹ ngày càng tham gia trực tiếp vào cuộc chiến ở Ukraine, không chỉ cung cấp vũ khí, huấn luyện và nhắm mục tiêu thông tin tình báo, mà thậm chí còn tiến xa hơn khi tham gia cố vấn cho quân đội Ukraine, Nga đã đặt ra một “lằn ranh đỏ” mới.

Và thay vì các hệ thống tên lửa HIMARS với tầm bắn khoảng 80km, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã yêu cầu Washington cung cấp “một hệ thống tên lửa có tầm bắn hơn 300km, có thể vươn xa tới lãnh thổ Nga”. Ngày 15/9 vừa qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố rằng nếu Mỹ đồng ý cung cấp các tên lửa tầm xa hơn cho quân đội Ukraine, “nước này sẽ vượt qua lằn ranh đỏ và trở thành một bên thực sự trong cuộc xung đột”.

“Trong một kịch bản như vậy, chúng tôi sẽ phải đưa ra một phản ứng tương xứng” - bà Zakharova nhấn mạnh - “Nga có quyền bảo vệ lãnh thổ của mình bằng bất kỳ phương tiện nào sẵn có”. Một tuần sau, tức vào ngày 21/9, Tổng thống Putin đã tự mình lặp lại lời cảnh báo đó với phương Tây. Về mối đe dọa từ tên lửa tầm xa hơn, ông Putin lưu ý rằng một số quốc gia hàng đầu của NATO đã nói về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Nga.

“Tôi muốn nhắc những người đưa ra những tuyên bố như vậy về Nga rằng đất nước chúng tôi cũng có các loại vũ khí hạt nhân khác nhau…một số chúng hiện đại hơn vũ khí mà các nước NATO đang có. Trong trường hợp có mối đe dọa đối với sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, để bảo vệ đất nước và người dân Nga, chúng tôi chắc chắn sẽ sử dụng tất cả các phương tiện có sẵn theo ý mình” - ông Putin khẳng định - “Đây không phải là một trò lừa bịp”.

Thực hiện đến cùng

Tổng thống Putin chưa bao giờ là người bộc phát hay hấp tấp. Vợ cũ của ông, bà Lyudmila, từng nói rằng “mọi thứ ông ấy (Putin) làm luôn được suy nghĩ thấu đáo”. Một nhà ngoại giao Thụy Điển quen biết nhà lãnh đạo Nga cũng nhận xét rằng “Putin luôn đánh giá cao đối thủ của mình một cách lạnh lùng và tỉnh táo, và đoán trước hành động của chính mình cũng như của những người khác trước khi thực hiện nước cờ đầu tiên”.

Mặc dù Mỹ và các đồng minh NATO liên tục cam kết trang bị vũ khí và hỗ trợ Ukraine trong thời gian dài, Tổng thống Putin vẫn không có dấu hiệu lùi bước đối với mục tiêu mà ông tuyên bố ban đầu. Đến lúc này, dường như có thể kết luận rằng Nga đang chiến đấu, nhưng không phải là cho một cuộc chiến tranh khu vực chống lại Ukraine, mà là một cuộc chiến toàn diện kéo dài chống lại bộ máy quân sự phương Tây.

Vào ngày 21/9, bất chấp những lời dèm pha từ truyền thông và giới chức phương Tây về “sự thất bại của Nga ở Ukraine”, Tổng thống Putin đã ra lệnh huy động một phần lực lượng dự bị quân sự, ước tính lên tới 300.000 binh lính, tập trung cho chiến sự ở vùng Donbass - nhiều khả năng sẽ sáp nhập vào Nga sau các cuộc trưng cầu dân ý sắp tới của 4 tỉnh tại đây.

Việc huy động sẽ chỉ bao gồm những người dự bị quân sự “từng phục vụ trong các lực lượng vũ trang, có chuyên môn nghề nghiệp quân sự cụ thể và kinh nghiệm liên quan” - tương đương khoảng 1% tiềm lực đầy đủ của quân đội Nga hiện nay.

“Khi bạn thực hiện bước đi đầu tiên, bạn cần đảm bảo cho một chuỗi các hành động theo sau đó” - lời nhà lãnh đạo Nga từng nói được trích dẫn trong cuốn tiểu sử “Putin” - “Bạn nên xác định trên thực tế là sẽ không còn đường lui. Cần phải thực hiện nó đến cùng…như thể đó là trận chiến quyết định của cuộc đời mình vậy”.