Quyết liệt xử lý vi phạm an toàn thực phẩm

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 24/1, Chi cục Quản lý chất lượng (QLCL) nông lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT Hà Nội) tổ chức tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Sở NN&PTNT lưu ý là các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ trong quản lý để chung tay đẩy lùi thực phẩm không an toàn.

Vẫn còn thực phẩm không đảm bảo
Trong năm qua, vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) tiếp tục là chủ đề nóng, được TP đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sát sao. Theo đó, Chi cục QLCL nông lâm sản và thủy sản đã tiến hành đánh giá, xếp loại 367 lượt cơ sở; trong đó, có 267 cơ sở xếp loại A và B; số còn lại xếp loại C hoặc không được xếp loại. Công tác kiểm tra định kỳ, đột xuất tiếp tục được thực hiện nghiêm túc. Năm 2017, đã kiểm tra 360 cơ sở sơ chế, chế biến kinh doanh nông sản; trong đó, 308 cơ sở xếp loại A và B, 22 cơ sở xếp loại C, 20 cơ sở khác buộc phải ngừng hoạt động.
Cùng với đánh giá, xếp loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, công tác thanh tra liên ngành, kiểm tra đột xuất tiếp tục được Chi cục QLCL nông lâm sản và thủy sản thực hiện tại 144 cơ sở. Theo đó, đã ban hành 38 quyết định xử phạt vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước trên 285 triệu đồng. Công tác xử lý vi phạm hàng hóa tiếp tục được triển khai quyết liệt. Năm 2017, gần 2 tấn sản phẩm bị buộc phải tiêu hủy, chủ yếu là nguyên liệu chế biến hoa quả, thịt đông lạnh… Gần 1 tấn thực phẩm bị niêm phong và được yêu cầu khắc phục nhãn hàng hóa.
 Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra việc chấp hành điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm tại một cơ sở sơ chế nông sản.
Theo Chi cục trưởng Chi cục QLCL nông lâm sản và thủy sản Trần Mạnh Giang, thực tế công tác thanh kiểm tra, giám sát đã cho thấy tình trạng mất ATTP vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Điều này được thể hiện qua kết quả phân tích 610 mẫu thực phẩm nông lâm sản và thủy sản thực hiện trong năm 2017; trong đó, đã phát hiện 77 mẫu vi phạm (chiếm 12,6%). Đối với 180 mẫu thực phẩm chế biến được lấy kiểm nghiệm, cũng phát hiện 8 mẫu không đạt chỉ tiêu về ATTP.
Nâng cao nhận thức người tiêu dùng
Theo ông Trần Mạnh Giang, nguyên nhân của tình trạng mất ATTP là do hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản hiện còn nhỏ lẻ, manh mún. Số lượng các cơ sở áp dụng những chương trình quản lý tiên tiến như GMP, SSOP, HACCP… còn ít. Hiện, còn thiếu những văn bản quy định về mức giới hạn cho phép đối với một số chỉ tiêu phân tích như: Histamine, urê trong nước mắm; thuốc bảo vệ thực vật Permethrin, Profenofos trong rau muống, su su… Đặc biệt, quy định của ngành nông nghiệp về tồn dư nhóm Beta - Agonist trên thịt đang không đồng nhất với quy định của Bộ Y tế. Những bất cập này khiến công tác kiểm soát chất lượng nông lâm sản và thủy sản gặp không ít khó khăn.
Trước đòi hỏi về ATTP hiện nay, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng yêu cầu Chi cục QLCL nông lâm sản và thủy sản tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị làm tốt công tác đánh giá, xếp loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tăng cường thanh, kiểm tra định kỳ, đột xuất. Sớm rà soát, tham mưu Sở NN&PTNT Hà Nội hoàn thiện tiêu chí đánh giá về ATTP trình TP, bộ ngành xem xét phê duyệt. Đồng thời đẩy mạnh liên kết vùng trong sản xuất - tiêu thụ nông sản, làm tốt công tác truy suất nguồn gốc nông sản từ các tỉnh, thành về Hà Nội… Ông Đăng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức, từng bước nâng cao nhận thức của người dân về ATTP. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh không bảo đảm ATTP, ông Đăng đề nghị các đơn vị quản lý Nhà nước cần phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí thông tin rộng rãi để người tiêu dùng nhận biết, cùng chung sức đẩy lùi nông sản không an toàn.