Quyết tâm và hành động

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi dư luận đang đặc biệt quan tâm đến các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất rừng, trật tự xây dựng (TTXD) tại huyện Sóc Sơn vừa được Thanh tra TP kết luận, phiên giải trình của Thường trực HĐND TP Hà Nội cũng “nóng” lên bởi hàng loạt vấn đề liên quan đến quản lý TTXD đô thị.

Đây là nội dung đã liên tiếp được đưa ra chất vấn, tái chất vấn tại các Kỳ họp HĐND TP. Và lần này, các đại biểu tiếp tục lên tiếng về từng công trình, vi phạm cụ thể; những câu hỏi về trách nhiệm “vì sao không xử lý dứt điểm, vì sao để vi phạm phát sinh” tiếp tục được đưa ra.
Nhìn từ thực tế và những nội dung được đặt ra trong phiên giải trình có thể thấy, vi phạm TTXD xảy ra ở hầu hết các địa bàn, với những hình thức khác nhau. Từ những vi phạm về mật độ xây dựng, chiều cao công trình, đến xây dựng trái phép đất nông, lâm nghiệp, rồi nhà “siêu mỏng, siêu méo”…
Tồn tại cũ chưa được xử lý dứt điểm, không ít vi phạm mới lại phát sinh, tuy đã được phát hiện nhưng lại chưa được xử lý kịp thời, triệt để. Có không ít trường hợp, vi phạm đã rõ, tồn tại nhiều năm, đã có nhiều chỉ đạo xử lý, nhưng đến nay “vẫn không nhúc nhích chút nào”, dẫn đến sự “sốt ruột” của đại biểu và cử tri.
Vẫn biết rằng quản lý TTXD đô thị không hề đơn giản. Đây là trọng tâm công tác của cả hệ thống chính trị, trong đó Thành ủy đã chỉ đạo, có chỉ thị riêng về vấn đề này; UBND TP cũng đã có các kế hoạch, với lộ trình giải quyết cụ thể; HĐND vào cuộc liên tục.
Tại cơ sở, việc xử lý cũng đã rất “rốt ráo”, nhưng kết quả vẫn chưa đạt đến kỳ vọng của cử tri. Hàng loạt lý do đã được đưa ra, nhưng như các đại biểu đã thẳng thắn: Cái cần làm rõ nhất là lý do chủ quan do các cấp chính quyền, các đội quản lý TTXD còn chưa làm hết trách nhiệm. Có ý kiến đã đặt vấn đề rất xác đáng: Một gia đình xây nhà nếu chỉ đẩy một xe cát vào thì cán bộ quản lý TTXD đã biết, nhưng tại sao có những nhà xây to "như con voi" mà lực lượng này lại không biết? Hay với các công trình vi phạm trên đất nông nghiệp, dù TP đã chỉ đạo quyết liệt, tại sao vẫn có người dân tự ý xây dựng? Phải chăng, để xảy ra vi phạm ấy là do cán bộ buông lỏng quản lý ở cơ sở, thậm chí có nơi cán bộ có biểu hiện làm ngơ, bao che dẫn đến có công trình đã sai ở quy mô lớn mới "phát hiện". Cũng bởi vậy, đã có 98 cán bộ, chủ tịch UBND xã phường bị kỷ luật, cách chức, có trường hợp chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an để điều tra, xử lý.
Với phiên giải trình có tính chất “tái chất vấn” lần này, cùng với làm rõ thực trạng của từng trường hợp cụ thể, người đứng đầu chính quyền các cấp ở cơ sở đều nhận rõ trách nhiệm đối với việc xử lý các vi phạm chậm; hứa sẽ xử lý dứt điểm các trường hợp tồn đọng, cương quyết ngăn chặn những trường hợp phát sinh. Lãnh đạo TP cũng một lần nữa khẳng định quyết tâm, đưa ra rất nhiều giải pháp trên tinh thần sẽ cương quyết xử lý, không có châm chước bất kỳ trường hợp nào và xử lý cả những cán bộ bao che cho vi phạm ấy. Trách nhiệm của các đội quản lý TTXD ở cơ sở cũng được đặc biệt nhấn mạnh, để không chuyện “đổ lỗi” khi vi phạm xảy ra…
Những quyết tâm đã được thể hiện rất rõ, nhưng nhiều người hy vọng rằng, những giải pháp “đã rõ” ấy phải được thực thi hiệu quả trong thực tế. Và hơn hết, chính các vị đại biểu của dân, những người đã đeo bám vấn đề này ở nhiều kỳ họp sẽ tiếp tục theo đến cùng đặc biệt là với các phần việc của các quận, huyện, xã, phường trong lĩnh vực này. Thiết nghĩ, với sự quyết tâm của TP, sự theo sát của đại biểu và giám sát của cử tri, vấn đề “nóng” này sẽ được giảm nhiệt.