Quyết tâm xây dựng TP Cần Thơ trở thành đô thị thông minh

Hồng Lĩnh - Hồng Thắm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trả lời phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường đã có chia sẻ những kết quả đạt được trong quá trình triển khai Nghị quyết 10-NQ/TU về Xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh, giai đoạn 2016 - 2025.

Xin ông nói rõ hơn về quá trình triển khai Nghị quyết 10-NQ/TU của TP Cần Thơ?

Ngày 11/4/2017, Thành ủy Cần Thơ đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về “Xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh, giai đoạn 2016 - 2025”. Trên cơ sở đó, UBND TP đã ban hành Quyết định số 1652/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Trong đó, tập trung 10 lĩnh vực ưu tiên, gồm: Hạ tầng ICT và nền tảng dữ liệu đô thị thông minh; chính quyền số; quy hoạch đô thị thông minh và hạ tầng dịch vụ tiện ích đô thị thông minh; giao thông thông minh; môi trường thông minh; nông nghiệp thông minh; an ninh an toàn thông minh; du lịch thông minh; y tế thông minh; giáo dục thông minh.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường.
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường.

TP Cần Thơ đã xác định 31 dự án ưu tiên triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025, trong đó 4 dự án đã hoàn thành, 10 dự án đang triển khai thực hiện, 2 dự án chuẩn bị đầu tư.

Như đã biết, Đề án xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh xác định 10 lĩnh vực trọng điểm triển khai. Theo lộ trình và kế hoạch triển khai thực hiện để đảm bảo hiệu quả, tránh chồng chéo và tiết kiệm, TP ưu tiên triển khai rà soát, hoàn thiện hạ tầng ICT và nền tảng dữ liệu đô thị thông minh.

Hiện TP đang phối hợp với Bộ Công an triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Cụ thể, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm mục tiêu liên thông dữ liệu các ngành, các cấp thông qua dữ liệu cơ sở là dữ liệu dân cư, đảm bảo đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ của công dân khi tham gia dịch vụ công… Đây cũng là nền tảng của chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh.

Cạnh đó, TP cũng chú trọng phát triển các dịch vụ đô thị thông minh liên quan trực tiếp đến người dân như y tế, giáo dục và đào tạo, giao thông vận tải, an ninh trật tự, nông nghiệp và các lĩnh vực thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số. 

Sau thời gian triển khai Nghị quyết, bước đầu TP Cần Thơ đã đạt kết quả như thế nào, thưa ông?

Sau 5 năm thực hiện, ngày 11/5/2022, Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ tổ chức Hội nghị sơ kết Nghị quyết số 10-NQ/TU. Đến nay, hạ tầng ICT cơ bản được hoàn thiện, các nền tảng phát triển chính quyền số đã được triển khai. Người dân, doanh nghiệp, cán bộ công chức viên chức dễ dàng tiếp cận các văn bản. Thủ tục hành chính nhanh gọn, hiệu quả và được triển khai đến 100% các cơ sở, đơn vị trên địa bàn TP Cần Thơ.

Một góc TP Cần Thơ. Ảnh Hồng Thắm
Một góc TP Cần Thơ. Ảnh Hồng Thắm

Về quy hoạch đô thị thông minh, TP đã thực hiện Dự án phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị liên quan gói thầu CT3-CS-TV08; Xây dựng hệ thống thông tin quản lý rủi ro ngập (FRMIS) cho TP Cần Thơ thông qua việc triển khai hệ thống thông tin quản lý rủi ro lụt; Xây dựng nền tảng quy hoạch không gian (SPP) thuộc gói thầu CT3-PG-3.1.

Về ngành giao thông, TP đang xây dựng Trung tâm điều hành giao thông thông minh trực thuộc Sở Giao thông vận tải, đảm bảo khả năng thu thập, xử lý và chia sẻ dữ liệu về tình trạng hoạt động giao thông theo thời gian thực, cung cấp thông tin về tình trạng giao thông trên địa bàn TP và hướng dẫn đi lại thông qua cổng thông tin trực tuyến về các phương thức và loại phương tiện vận tải cho người dân.

Đồng thời, TP đã thực hiện các mô hình hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp TP Cần Thơ; triển khai đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, TP đã triển khai các các đề án và nhiều loại hình thông minh về tài nguyên môi trường, nông nghiệp, an ninh, an toàn trong đô thị, du lịch, giáo dục, y tế.

Đến 2025, dự kiến TP Cần Thơ có đạt được kết quả xây dựng như kỳ vọng không, thưa ông?

Công cuộc chuyển đổi số gắn liền với đô thị thông minh là nhiệm vụ chính trị hàng đầu hiện nay của TP tập trung triển khai thực hiện, huy động cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân vào cuộc để có thể đảm bảo được mục tiêu Đề án đề ra nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, để triển khai thực hiện đạt mục tiêu đòi hỏi nội lực và ngoại lực đều phải mạnh. Nội lực là các cơ quan, ban, ngành TP, nhân lực số… đang trong lộ trình triển khai hoàn thiện, là nguồn lực cốt lõi, trọng tâm.

Bên cạnh đó, huy động nguồn lực bên ngoài, sự tham gia, sự phối hợp, hỗ trợ của các tổ chức, đơn vị, các trường đại học, viện nghiên cứu, chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ thông tin đồng hành cùng TP trong việc xây dựng và triển khai các kế hoạch cụ thể hóa các nhiệm vụ của Đề án, phấn đấu đạt mục tiêu đề án đặt ra.