Rà soát quy định truy cứu trách nhiệm hình sự Ban quản trị nhà chung cư

Thịnh An - Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Sáng 19/6, thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Quốc hội cho rằng: Quy định về trách nhiệm của Ban quản trị nhà chung cư chưa thống nhất với quy định của Bộ Luật hình sự. Còn bỏ sót hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn Thành phố Hà Nội)
Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn Thành phố Hà Nội)

Bỏ sót hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ

Cho ý kiến hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn Thành phố Hà Nội) cho biết, khoản 3, Điều 146 quy định: Các quyết định của Ban quản trị nhà chung cư nếu vượt quá quyền hạn quy định tại Điều này và Quy chế hoạt động của Ban quản trị thì không có giá trị pháp lý. Trường hợp vi phạm thì tùy theo mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường cho bên bị thiệt hại.

Đại biểu cho rằng, quy định này chưa thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự, còn bỏ sót hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ. Hơn nữa, theo Bộ luật Hình sự, chỉ pháp nhân thương mại mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ban quản trị nhà chung cư không phải là pháp nhân thương mại, nên không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Vì vậy, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà đề nghị sửa khoản 3 Điều 146 theo hướng bổ sung cụm từ “thành viên” vào trước cụm từ “Ban quản trị nhà chung cư”; bổ sung cụm từ “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” vào trước cụm từ “vượt quá quyền hạn.

Quang cảnh phiên thảo luận sáng 19/6
Quang cảnh phiên thảo luận sáng 19/6

Đối với đoạn 2 khoản 3 Điều 152 dự thảo luật quy định: Trong quá trình thực hiện cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì, nếu phát hiện chủ đầu tư có hành vi vi phạm pháp luật hình sự thì UBND cấp tỉnh yêu cầu cơ quan có thẩm quyền điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Đại biểu cho rằng, quy định này chưa phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, không thống nhất với đoạn 2 khoản 1 Điều 5 và khoản 3 Điều 144 Bộ luật tố tụng hình sự.

Đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung đoạn 2 khoản 3 Điều 152 thành: Trong quá trình thực hiện cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì, nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì UBND cấp tỉnh kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc này.

Nhân viên quản lý, vận hành nhà chung cư cần có chứng nhận đào tạo

Đóng góp ý kiến cụ thể về điều kiện của các đơn vị quản lý, vận hành nhà chung cư, đại biểu Quốc hội Trần Nhật Minh (Đoàn tỉnh Nghệ An) cho biết, dự thảo Luật quy định chi tiết các điều kiện tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 148 là không cần thiết, chưa phù hợp.

Việc quy định quá chi tiết như dự thảo Luật có thể dẫn đến vừa thiếu hoặc vừa thừa, gây khó khăn cho đơn vị quản lý vận hành trong quá trình thực hiện. Theo dự thảo Luật, các đơn vị này hoạt động theo Luật Doanh nghiệp hoặc Luật Hợp tác xã nên về cơ cấu tổ chức bên trong gồm các phòng, ban chuyên môn. Việc sử dụng lao động gồm tiêu chuẩn, trình độ của cán bộ, nhân viên nên giao cho đơn vị tự chủ sắp xếp, bố trí theo yêu cầu chức năng, nhiệm vụ...

Đại biểu Quốc hội Trần Nhật Minh (Đoàn tỉnh Nghệ An)
Đại biểu Quốc hội Trần Nhật Minh (Đoàn tỉnh Nghệ An)

Theo đại biểu Trần Nhật Minh, thực tiễn hiện nay, Công ty Dịch vụ quản lý vận hành chung cư khó có thể đáp ứng được yêu cầu vừa quản lý vận hành, vừa cung cấp dịch vụ bảo vệ vệ sinh môi trường. Hầu hết, các đơn vị quản lý vận hành phải thuê lại từ các đơn vị cung cấp những dịch vụ này, đặc biệt là các lĩnh vực đặc thù cần có đơn vị chuyên môn vận hành. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu chỉ quy định các nguyên tắc chung về điều kiện của đơn vị quản lý vận hành chung cư nhằm đáp ứng được chức năng quản lý vận hành nhà chung cư. Còn các điều kiện cụ thể khác nên giao quyền tự chủ cho các đơn vị có chức năng này hoặc giao cho Bộ Xây dựng quy định chi tiết đối với loại hình đơn vị sự nghiệp công lập.

Về đội ngũ nhân viên trực tiếp tham gia công tác quản lý, vận hành của đơn vị, dự thảo luật cần quy định phải hoàn thành và có giấy chứng nhận khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý vận hành nhà chung cư do các cơ sở đào tạo có điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Nuôi thú cưng trong chung cư để "bồi đắp tình yêu thiên nhiên"

Tại phiên thảo luận, góp ý vào một số hành vi bị cấm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn tỉnh Bình Định) đề nghị bổ sung quy định về việc hạn chế vật nuôi trong chung cư sẽ được quy định tại Hội nghị nhà chung cư. Việc cho phép nuôi vật nuôi trong chung cư phải tuân thủ theo pháp luật về thú y và quy định của Hội nghị nhà chung cư.

Phát biểu tranh luận về vấn đề sở hữu chung cư có thời hạn, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, chung cư tuổi thọ càng cao thì hiệu quả kinh tế đối với xã hội càng lớn. Bên cạnh đó, một nơi ở dài hạn qua nhiều thế hệ có ý nghĩa lớn với các gia đình, củng cố quan hệ và tinh thần của gia đình, có thể làm nên hồn cốt văn hóa đô thị.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn tỉnh Bình Định)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn tỉnh Bình Định)

Đại biểu cho rằng, cần duy trì loại chung cư sở hữu dài hạn, để người dân được lựa chọn giữa chung cư có thời hạn và dài hạn. Về vấn đề đảm bảo an toàn, đại biểu cho rằng cần quy định rõ, với chung cư sở hữu dài hạn, cần tuân thủ các quy chuẩn về an toàn, an ninh. Ở Singapore, khi thời hạn an toàn không bảo đảm nữa, các công ty bất động sản sẽ thương thảo với người dân mua lại nhà cũ để duy tu, sửa chữa, xây mới.

Về vấn đề nuôi thú cưng trong chung cư, đại biểu cho rằng đó là nhu cầu chính đáng, có tính chất bồi đắp tình yêu thiên nhiên với tinh thần nhân văn. Tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, đại biểu cho rằng không nên hạn chế việc này.