Rà soát, quy hoạch cụ thể từng vị trí xây dựng trường học

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà huyện Đông Anh đã đạt được trong quá trình tổ chức triển khai Nghị quyết của HĐND TP về quy hoạch, phát triển hệ thống giáo dục trên địa bàn.

Sáng 10/5, đoàn giám sát số 2 của HĐND TP Hà Nội do Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà làm trưởng đoàn tiếp tục có buổi làm việc với huyện Đông Anh về kết quả thực hiện Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐND ngày 05/4/2012 của HĐND TP về quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên; quy hoạch mạng lưới trường học TP Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Lan Hương tham dự cùng đoàn.

Theo báo cáo của huyện Đông Anh, toàn huyện hiện có 118 trường học, gồm 94 trường công lập; 24 trường tư thục, thu hút 94.933 học sinh. Đối với cấp học mầm non, trong tổng số 35 trường công lập được phân tuyến tuyển sinh đảm bảo phủ kín 24/24 xã, thị trấn. Tính đến hết năm 2016, có 10/35 trường mầm non công lập đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 (tỷ lệ 31,4%), 1/35 trường mầm non công lập đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Bậc tiểu học, có 28 trường công lập, 1 trường chuyên biệt trên địa bàn 24 xã, thị trấn, với sự phân tuyến tuyển sinh hợp lý đảm bảo 100% trẻ 6 tuổi ra lớp… Đối với bậc THCS, toàn huyện có 25 trường THCS công lập, 1 trường tư thục. Huyện đã tổ chức phần tuyến tuyển sinh hợp lý đảm bảo 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào học lớp 6.

Hàng năm, huyện chỉ đạo phòng giáo dục và các phòng chức năng rà soát, bổ sung quy hoạch mạng lưới trường lớp với điều kiện và tình hình thực tế. Đến nay, cơ bản thực hiện tốt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được coi trọng …

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, huyện còn tồn tại không ít khó khăn. Bà Dương Thị Sáu - Trưởng phòng giáo dục và đào tạo huyện Đông Anh cho biết, mạng lưới các trường mầm non còn phân tán, hiện có 4 trường có từ 5 điểm trường trở lên (Thư Lâm, Nguyên Khê, Đông Hội, Xuân Canh); 5 trường tiểu học và THCS khuôn viên liền kề (Thụy Lâm, Tàm Xá, Bắc Hồng, Dục Tú, Xuân Canh) ảnh hưởng tới giờ học của học sinh. Ngoài ra, một số xã chưa có trung tâm mầm non. Một số trường còn thiếu các công trình như: Nhà hiệu bộ, nhà thể chất, phòng học bộ môn… Việc quản lý, sử dụng và tu sửa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị chưa kịp thời. Tiến độ đầu tư xây dựng mới và bổ sung sửa chữa, nâng cấp trường học còn chậm. Ngân sách đầu tư mua sắm các trang thiết bị cho giáo dục còn hạn chế…

Với những hạn chế còn tồn tại trên, bà Dương Thị Sáu cho biết, do số lượng học sinh các trường tăng nhanh trong 3 năm trở lại đây (năm 2016 tăng 3659 học sinh so với năm 2015), dẫn tới thiếu phòng học. Mặt khác, nguồn lực đầu tư của huyện còn hạn chế nên việc xây mới phòng học, sửa chữa và mua sắm trang thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu. “Công tác tham mưu của một số nhà trường đối với lãnh đạo địa phương chưa thực sự có chiều sâu, một số xã chưa quan tâm đến việc quy hoạch mạng lưới trường lớp và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Bên cạnh đó, công tác tham mưu của phòng giáo dục về quy hoạch, đầu tư xây dựng trường lớp có lúc chưa quyết liệt”, bà Dương Thị Sáu nhìn nhận.

Nhằm khắc phục những hạn chế trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám cho biết, huyện sẽ rà soát thực hiện quy hoạch chi tiết mạng lưới trường học đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo hướng ưu tiên mở rộng quỹ đất hiện có cho các nhà trường, tách 5 trường tiểu học và THCS còn chung khuôn viên, sắp xếp hợp lý hệ thống trường mầm non, đầu tư xây dựng 9 trung tâm mầm non, thu gọn dần và cải tạo các điểm lẻ. Chú trọng xây dựng trường mầm non trong các khu đô thị mới và khu công nghiệp có nhà ở của công nhân. Bên cạnh đó, huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn có kế hoạch dành quỹ đất, tạo môi trường thuận lợi và nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình giáo dục tại địa phương, đảm bảo đủ nguồn vốn đối ứng khi có dự án đầu tư của huyện…

Để đạt được mục tiêu quy hoạch mạng lưới trường lớp, đáp ứng yêu cầu đến năm 2020, tỷ lệ trẻ ra lớp đạt 60%, 30 học sinh/lớp (đố với tiểu học, THCS) và phấn đấu 70% trường đạt chuẩn quốc gia… “TP quan tâm và có quyết sách tăng cường đầu tư từ ngân sách cho giáo dục và đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách để các ngành, các cấp, các tổ chức và cá nhân tham gia phát triển giáo dục. Đặc biệt, hiện nay trên địa bàn xã Kim Chung có khu công nghiệp Bắc Thăng Long với 2.500 công nhân/37.500 người dân đang sinh sống và làm việc nên nhu cầu học tập rất lớn. Rất rần sự quan tâm của TP xây thêm 1 trường tiểu học, 1 trường THCS tại xã Kim Chung để đáp ứng nhu cầu học tập của con em công nhân”, bà Nguyễn Thị Tám đề xuất.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà huyện Đông Anh đã đạt được trong quá trình tổ chức triển khai Nghị quyết của HĐND TP về quy hoạch, phát triển hệ thống giáo dục trên địa bàn. Đồng thời, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà đề nghị huyện Đông Anh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể, Nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ phát triển hệ thống giáo dục; Bố trí đủ số lượng giáo viên đạt chuẩn, số cán bộ, nhân viên theo quy định. Đảm bảo chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên theo quy định hiện hành; Tiếp tục tăng cường nguồn lực từ ngân sách và đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục; Xác định và bố trí quỹ đất dành cho mạng lưới trường học. Tập trung nguồn lực, giao đúng, đủ, kịp thời kinh phí cho các trường học để nhà trường chủ động đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Đảm bảo đến năm 2020 số học sinh/lớp không vượt quá số quy định.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà đề nghị huyện Đông Anh cần chú trọng xây trường mầm non, tiểu học và THCS trong các khu đô thị mới và khu công nghiệp có nhà ở của công nhân, nghiên cứu xung quanh địa bàn, điều tiết làm sao đáp ứng nhu cầu cho con em học tập, không để quá tải. Phải cụ thể từng vị trí, nguồn lực đầu tư xây dựng trường rõ ràng; Quản lý tốt việc hình thành các nhóm lớp mầm non tư thục trên địa bàn; Tổ chức điều tra, đánh giá hiện trạng cơ sở vật chất và thiết bị trường học, xác định nhu cầu của từng trường, từng bậc học, cấp học. Rà soát bổ sung quy hoạch, tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường trong đề án theo hướng đồng bộ hiện đại.