Sắc phong và cội nguồn văn hóa Việt

Minh Nhật
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đạo sắc phong (sắc phong) là di sản văn hóa tinh thần của người Việt. Đối với mỗi làng, xã, đây là tư liệu linh thiêng vì là văn bản của nhà vua, phong chức tước cho những người có công lao đóng góp cho địa phương.

Cuối tuần qua, Sở Nội vụ Hà Nội vừa tổ chức công bố và trao quyết định cho 554 đạo sắc phong tại 63 cơ sở thờ tự đủ điều kiện, tiêu chuẩn đã được UBND TP công nhận là tài liệu lưu trữ quý, hiếm, đây là bước góp phần bảo tồn giá trị di sản văn hóa của Thủ đô.
Nguy cơ thất thoát vì... trộm
Gần giống những tấm bằng công nhận di tích ngày nay, sắc phong xưa do triều đình ban, chứng nhận một vị thần, thánh (có một loại sắc phong nữa dùng phong quan) để Nhân dân thờ phụng.
 Sở Nội vụ Hà Nội công bố và trao quyết định công nhận tài liệu lưu trữ quý, hiếm. Ảnh: Ngọc Tú
Để làm ra những tờ giấy sắc là cả một kỳ công, chỉ có làng Nghè (tên Nôm của làng Nghĩa Đô, Hà Nội) giữ bí quyết làm giấy này. Giấy sắc được làm từ loại giấy dó đặc biệt có độ bền hàng trăm năm. Mực vẽ được làm từ keo da trâu trộn vàng, bạc, khiến nét vẽ ánh lên màu vàng son. Viết sắc để vua phong thần, phong thánh cũng là những bậc đại bút. Vì thế, sắc phong là một di sản quý và tư liệu quý hiếm.
Tuy nhiên, theo Chi cục trưởng Chi cục Văn thư - Lưu trữ, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Xác định tài liệu lưu trữ quý hiếm Vũ Đức Tuyên: “Có một thực tế là vì nhiều nguyên nhân, nguồn tài liệu quý giá này hiện vẫn chưa được quan tâm bảo vệ, nghiên cứu đầy đủ, xứng đáng với tầm quan trọng của nó”.
Thời gian qua, không ít sắc phong tại đình, đền, di tích đã mất trộm. Điển hình, cuối tháng 7/2018, di tích văn hóa cấp quốc gia đền Hậu (xã Đông Kết, Khoái Châu, Hưng Yên) bị trộm đột nhập lấy đi 5 đạo sắc phong từ thời Nguyễn.
Năm 2017, tại đình Thượng Trung, xã Liên Am (Vĩnh Bảo, Thái Bình) mất một sắc phong, trong đó có 4 đạo sắc. Đình Trần Xá làng Trần Xá (xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) có 38 đạo sắc phong nhưng bị kẻ gian lấy đi 16 sắc phong. Tháng 3/2013, tại đền Bồng Châu (Kim Động, Hưng Yên) kẻ gian phá két lấy đi 69 đạo sắc phong cổ.
Trước tình trạng đó, ý tưởng tìm sắc phong trả lại làng quê Việt được nhóm Nhân sĩ Hà Đông thực hiện từ năm 2015 sau khi thu thập được hơn 200 đạo sắc phong. Các thành viên trong nhóm Nhân sĩ Hà Đông đã tìm, sưu tập, gìn giữ và sau đó dịch và trao trả lại cho các địa phương.
“Khi trao trả cho người dân, chúng tôi thấy một sự tôn kính, thiêng liêng đặc biệt. Người dân địa phương khi nhận bản sắc phong cảm thấy một sự an bình, một niềm hứng khởi, cho học hành, có thể là điều gì khó lý giải nhưng thiêng liêng, truyền thống nguồn cội quan trọng như thế nào” - nhà văn Nguyễn Quang Thiều - thành viên nhóm Nhân sĩ Hà Đông chia sẻ.
Bảo tồn tư liệu quý
Theo những người nghiên cứu lịch sử, tư liệu cổ, thư thể trên sắc phong là một nguồn tư liệu có ý nghĩa đặc biệt đối với việc nghiên cứu về lịch sử chữ viết Hán Nôm ở Việt Nam. “Những nhà nghiên cứu về thư thể, thư pháp không thể không để ý đến những con chữ cụ thể trên sắc phong.
Chính hệ thống sắc phong đã cung cấp một khối lượng thông tin khổng lồ về thư thể với chữ viết có niên đại tuyệt đối. Hơn nữa, sắc phong ưu điểm hơn các thể loại văn chữ Hán Nôm trên lĩnh vực nghiên cứu thư thể vì đây là loại chữ được viết trực tiếp bằng bút lông trên giấy” - ông Vũ Đức Tuyên cho biết.
Thời gian qua, TP Hà Nội đã trao quyết định công nhận nhiều sắc phong là tài liệu lưu trữ quý hiếm. Ngày 12/7, Sở Nội vụ Hà Nội đã tổ chức lễ công bố và trao quyết định cho 554 đạo sắc phong tại 63 cơ sở thờ tự (thuộc các quận, huyện Long Biên, Đông Anh, Gia Lâm, Phú Xuyên, Hoài Đức) đủ điều kiện, tiêu chuẩn đã được UBND TP công nhận là tài liệu lưu trữ quý, hiếm.
Sau khi đạo sắc phong đã được UBND TP Hà Nội công nhận là tài liệu quý hiếm, đại diện các cơ sở thờ tự bày tỏ trân trọng sự quan tâm của lãnh đạo TP, đồng thời khẳng định sẽ nâng cao trách nhiệm trong việc giữ gìn, bảo quản tài liệu. Trước đó, Sở Nội vụ đã tổ chức hai đợt công bố và trao quyết định công nhận đạo sắc phong của các cơ sở thờ tự trên địa bàn TP là tài liệu lưu trữ quý, hiếm vào tháng 3 và tháng 9/2018.