“Sài Gòn có một thời như thế” qua lời kể KTS Nguyễn Hữu Thái

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sài Gòn có một thời như thế - ghi chép tản mạn 1954-1975 của KTS Nguyễn Hữu Thái là một cuốn sách hay với nhiều sự kiện lịch sử sinh động một thời, kể cả một số nhân vật lịch sử chưa được nhiều lần chính sử nhắc đến được ông phác họa khá đậm nét.

Cuốn sách là tư liệu có giá trị do NXB Tổng hợp TPHCM ấn hành, góp phần bổ sung vào tủ sách Kỷ niệm Sài Gòn – TP.HCM 320 năm (1698-2018). 
Giai đoạn trên 20 năm từ 1954 đến 1975 trong lịch sử 320 năm hình thành và phát triển Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh tuy thật ngắn ngủi nhưng lại là một khoảng thời gian đầy ắp sự kiện trọng đại, không những chỉ tác động đến số phận nhân dân và diện mạo TP này mà còn ảnh hưởng đến vận mệnh của cả nước.
Lịch sử cũng thường quan tâm đến các sự kiện mở đầu và kết thúc triều đại hoặc thời kỳ lịch sử nhất định nào đó. Trong lịch sử cận hiện đại so với cả nước, Sài Gòn đã từng “đi trước” với sự thất thủ của thành Gia Định năm 1859 vào tay thực dân Pháp và “về sau” khi người Mỹ rút chạy vào năm 1975, chấm dứt 117 năm thống trị của thực dân - đế quốc phương Tây trên đất nước ta.
Sau Điện Biên Phủ năm 1954, Việt Nam bị chia cắt và miền Nam đã chuyển từ tay thực dân Pháp sang tay đế quốc Mỹ, biến thành tiền đồn chống Cộng hàng đầu của Mỹ ở Châu Á và Sài Gòn là tuyến đầu cuộc đụng đầu giữa cách mạng Việt Nam và siêu cường Hoa Kỳ.
Thành phố trở thành thủ đô của miền Nam Việt Nam, đã trải qua 9 năm dưới chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, rồi trên 10 năm xáo trộn với các tướng lãnh quân phiệt bù nhìn ngoại bang kình chống nhau, chỉ kết thúc với thắng lợi của cách mạng vào năm 1975.

Đã từng có biết bao sự kiện, nhân vật và địa danh sinh động và nổi bật ở mảnh đất Sài Gòn, mà nếu chỉ ghi chép mấy dòng kiểu tóm lược sách sử thì không thể thỏa mãn người mong muốn tìm hiểu sâu hơn về giai đoạn này của TP Những người từng một thời sinh sống, chứng kiến, am hiểu và viết về Sài Gòn giai đoạn 1954-1975 chắc nay không còn được bao nhiêu, cho nên Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh mạnh dạn đề nghị anh Nguyễn Hữu Thái viết cuốn sách Sài Gòn - có một thời như thế (ghi chép tản mạn 1954-1975) kỷ niệm Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh 320 năm (1698-2018).         

Nhà báo Mỹ Tom Maresca (Báo USA Today) ghi nhận: “Nguyễn Hữu Thái là một kiến trúc sư, một nhà văn được nể trọng. Ông là một chuyên gia về lịch sử kiến trúc Việt Nam, nhưng bản thân cũng là người chứng kiến và tham gia vào một số trong những khoảnh khắc ấn tượng nhất đã hình thành nên TP Hồ Chí Minh.

Là một sinh viên và nhà báo ở Sài Gòn trong những năm đầu thập niên 1960, ông đã bị tác động bởi những sự kiện xảy ra xung quanh mình. Ông trở thành một thủ lĩnh phong trào sinh viên chống chiến tranh và sau đó cộng tác với Mặt trận Dân tộc Giải phóng.

Khi xe tăng giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập vào ngày 30/4/1975, Thái đã có mặt và hỗ trợ để lá cờ cách mạng được treo lên. Sau đó, ông dẫn đầu một nhóm sinh viên chiếm giữ Đài Phát thanh Sài Gòn, nói lời đầu tiên công bố Sài Gòn được giải phóng và giới thiệu lời tuyên bố đầu hàng của Tướng Dương Văn Minh”.
Nhẩm tính lại, Nguyễn Hữu Thái đã có mặt như một học sinh cấp ba ở Sài Gòn khi diễn ra việc chuyển giao quyền hành từ người Pháp sang người Việt thời điểm 1954-1955, sự xuất hiện “Việt Nam Cộng hòa” và tiến trình biến miền Nam thành tiền đồn chống Cộng suốt 9 năm thời Ngô Đình Diệm. Bước vào những năm 1960, ông là nhà báo dấn thân và thủ lĩnh sinh viên đấu tranh thời các tướng lãnh quân phiệt trong lòng cuộc chiến tranh Việt - Mỹ ác liệt. Và cuối cùng ngày 30/4/1975, ông lại là một nhân chứng và là người trong cuộc của sự kiện kết thúc cuộc chiến.       
Cuộc sống của bản thân ông cũng long đong như số phận Sài Gòn, chia đều giữa những năm tháng học tập, xuống đường đấu tranh, mấy lần vào tù ra khám, hoạt động giữa hai làn đạn trong mê hồn trận chính trường Sài Gòn.      
Với bề dày kinh nghiệm và hiểu biết của mình, KTS Nguyễn Hữu Thái có thể viết và phân tích một cách công bằng để thế hệ mai sau của Việt Nam có được một cái gì gọi được là “lịch sử sống”.       
Tập sách này tập hợp những ghi chép tản mạn đó của ông. Nội dung sách không thuần là các sự kiện chính trị mà còn đề cập đến các sinh hoạt văn hóa, kinh tế và xã hội liên quan.
Sách gồm 3 phần tập hợp trên dưới 50 câu chuyện trong hơn 300 trang viết và hình ảnh:
Phần đầu mang tên “Sài Gòn thời Ngô Đình Diệm” (1954-1963) ghi lại giai đoạn người Pháp chuyển quyền sang Ngô Đình Diệm, với việc xuất hiện một chế độ độc đoán và gia đình trị, để chấm dứt với cuộc đấu tranh quyết liệt của Phật giáo dẫn đến sự sụp đổ nền “Đệ nhất Cộng hòa”.   
Phần hai ghi lại “Sài Gòn những năm xáo trộn” (1964-1972) với trên 10 năm náo loạn của các tướng lãnh quân phiệt kình chống nhau và cuộc chiến tranh ác liệt do người Mỹ đích thân tiến hành. Sài Gòn trở thành vũ đài đọ sức một mất một còn giữa cách mạng Việt Nam và đế quốc hùng mạnh Hoa Kỳ, cụ thể qua sự kiện Tết Mậu Thân 1968 và phong trào sinh viên học sinh cùng quần chúng nhân dân Sài Gòn và cả phong trào phản chiến Mỹ xuống đường chống Mỹ - Thiệu.     
Phần cuối “Sài Gòn hồi kết cục” (1973-1975) ghi lại tình hình TP sau hiệp định hòa bình Paris với việc rút quân Mỹ, sự ngoan cố và tháo chạy của Nguyễn Văn Thiệu, cùng sự xuất hiện của Tướng Dương Văn Minh chấm dứt nền “Đệ nhị Cộng hòa” và thắng lợi của cách mạng miền Nam, mở ra kỷ nguyên một Việt Nam độc lập và thống nhất. Sài Gòn từ đó mang tên TP Hồ Chí Minh.   
Các nhân vật, sự kiện, địa điểm tác giả nêu lên và nhận xét đều là người thật, việc thật, nơi chốn thật. Nguyễn Hữu Thái không nghĩ mình sẽ thật khách quan, vì bản thân ông cũng có các nguyên tắc, thành kiến, sở thích và cảm nhận riêng. Tuy vậy, ông tự hứa rằng mình sẽ nói thẳng và nói thật trong những trang viết này.