Sản lượng chăn nuôi không giảm, tại sao thịt lợn tăng chóng mặt? – Bài 3: Giải pháp nào cho ngành chăn nuôi lợn?

Bài và ảnh Hương Hồi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Quy luật của thị trường là cung thiếu thì giá mới bị đẩy lên cao. Tuy nhiên, với thị trường thịt lợn lần này không đúng như vậy. Bởi nguồn cung vẫn đảm bảo, nhưng giá thì tăng chóng mặt. Đâu là điều bất thường?

Tăng giá bất thường đáng lo

Theo Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Đến cuối tháng 7, tổng đàn lợn cả nước đạt khoảng 27,2 triệu con. Giảm 1,2 triệu con so với thời điểm trước khi xảy ra đợt giảm giá sâu. Theo tính toán của Cục chăn nuôi, với số lượng đàn lợn hiện nay là vừa đủ cho tiêu thụ trong nước.

Cũng tại thời điểm này, giá lợn tại một số địa phương trên cả nước đã bất ngờ tăng mạnh, từ 25.000 đồng/kg lên 38.000 - 40.000 đồng/kg, thậm chí có nơi lên đến 45.000 đồng/kg. Mức giá này, người chăn nuôi có lãi khá tốt. Cũng theo Cục Chăn nuôi, giá lợn hơi ổn định ở mức 38.000 - 40.000 đồng/kg là bình thường và đã duy trì nhiều năm.
 Giá lợn hơi xuất chuồng theo tính toán của Cục chăn nuôi chỉ từ 38.000 - 40.000 đồng/kg người chăn nuôi đã có lãi. Tuy nhiên, khi giá tăng lên 52.000 - 58.000 đồng/kg trong khi sản lượng không thiếu đó là điều bất thường.
Như vậy, theo cách tính toán này thì mỗi ki-lô-gram lợn hơi xuất chuồng hiện tại đã đội giá lên so với bình thường 12.000 – 20.000 tùy theo từng địa phương.

Ở mức này người chăn nuôi có lãi để tái sản xuất và thị trường thịt giá bán lẻ đến người tiêu dùng cũng dao động ổn định trong khoảng 80.000 – 100.000 đồng/kg.

Ngày 9/10, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã khẳng định: Nếu không kìm mức tăng của thịt lợn xuống mức hợp lý, ngành chăn nuôi lợn sẽ gặp rủi ro. Bời vì, thịt lợn tại nhiều quốc gia khác thấp hơn, chắc chắn thịt lợn sẽ bị nhập khẩu ngược vào Việt Nam. Lúc đó, ngành chăn nuôi chắc chắn không thể cạnh tranh được. Điều này, sẽ khiến cho chúng ta đánh mất thị trường. Bộ trưởng đã kêu gọi các DN cùng giảm giá bán thịt lợn làm thế nào để hài hòa lợi ích giữa các thành tố trong chuỗi gồm: Người tiêu dùng, người chăn nuôi, doanh nghiệp và giữ được thị trường phát triển lâu dài, bền vững.

Như vậy, nhà quản lý lo ngại là cả DN, người chăn nuôi sẽ đánh mất thị trường vào tay nhà kinh doanh nước ngoài.

Không thể trông chờ doanh nghiệp

Tại buổi họp bàn về giải pháp hạ giá thành thịt lợn của Bộ Nông nghiệp với DN thì tại đây đã có một số DN yêu cầu cơ quan chức năng không can thiệp mà để giá lợn theo điều tiết của thị trường. Nhiều đại diện DN cho rằng, mức giá lợn hơi tăng cao hiện nay là “mức giá hạnh phúc”.
 Sau khi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT đã kêu gọi các DN giảm giá bán thịt lợn. Tuy nhiên, các DN đang bán thịt trên thị trường với giá từ trên 110.000 - 159.000 đồng/kg. 
Theo tìm hiểu của phóng viên tại một số chủ trang trại chăn nuôi ở Chương Mỹ chia sẻ: Hiện nay các hộ chăn nuôi gia công phải bỏ vốn xây chuồng trại theo tiêu chuẩn của Công ty chăn nuôi; chi phí điện, nước, xử lý môi trường theo quy định của cơ quan chức năng. Còn đơn vị chăn nuôi bỏ giống, chi phí cám, thuốc thú y, kỹ thuật thú y, chăn nuôi. Khi xuất chuồng họ bán giá bao nhiêu và bán đi đâu người chăn nuôi cũng không được biết.
Như vậy, người nông dân chăn nuôi gia công giống như người công nhân lắp ráp có 1 công đoạn trong 1 dây chuyền sản xuất mà thôi, họ bỏ vốn đầu tư hàng tỷ đồng vào trang trại, chi phí điện nước, xử lý môi trường, công chăn nuôi nhưng chỉ được nhận lại 3.200 đồng tiền công/1 kg lợn hơi xuất chuồng và không có quyền quyết định giá bán. Nếu hộ nào làm tốt thì Công ty có thưởng sau khi đàn lợn xuất chuồng. Nếu lợn bị tỷ lệ chết cao người chăn phải chịu, sản lượng cuối vụ không đạt cũng có thể bị DN phạt. Thực tế, là người thường xuyên theo dõi thị trường giá cả trong nhiều năm qua. Thị trường tự do có lúc thịt lợn xuống đến 40.000 đồng/kg bán lẻ thì tại các siêu thịt lợn chưa bao giờ giảm xuống dưới 70.000 đồng/kg.
 
 Các DN bán thịt lả trên thị trường đang cao hơn ngoài chợ truyền thống từ 20.000 - 40.000 đồng/kg.
Theo ông Bình, ông Xuân điều đáng lo ngại nữa là, nếu không can thiệp thì DN sẽ mãi thao túng thị trường. Bởi vì, không ai muốn bỏ lợi nhuận khủng hiện tại. Đặc biệt, thực tế tại thị phần chăn nuôi người nông dân chỉ chiếm 10% sản lượng. Thêm nữa, hiện tại các hộ chăn nuôi đang thiếu đàn nái. Hầu hết những hộ chăn nuôi có gia trại từ 20 – 200 con/hộ lúc giá lợn xuống thấp kéo dài đã không còn khả năng duy trì đàn bố mẹ. Mỗi con lợn giống tách khỏi mẹ bây giờ phải mua 1,5 triệu đồng.

Những giải pháp để lấy lại cân bằng trong ngành chăn nuôi ông Xuân cho biết: Huyện Chương Mỹ và các xã đang khuyến khích người nông dân khôi phục đàn nái và khôi phục đàn lợn trong dân. Tuy nhiên, cũng phải đến 1 năm nữa đàn bố mẹ mới cho sản phẩm. Các địa phương đang khôi phục đàn con nuôi dần dần để lấy lại thế cân bằng, hạn chế sự làm giá của các DN.

Như vậy, ngành nông nghiệp không thể trông chờ vào các DN tự nguyện giảm giá. Chỉ khi nào người nông dân phát triển được đàn con nuôi trở lại như thời điểm trước đây và duy trì đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu thì mới ổn định thị trường. Thêm nữa, việc phát triển đàn lợn trong dân cư theo hướng gia trại thì cần xây dựng chuỗi thu mua cung ứng sản phẩm. Trong đó, DN thu mua lợn cho nông dân thực hiện theo phương thức thỏa thuận giá giống như các loại trái cây, nông sản khác, chứ không thể để DN toàn quyền quyết định giá. Có như vậy mới tạo ra thế cạnh tranh bình đẳng trong thị trường.