Sản xuất vật liệu xây dựng: Công nghệ chưa theo kịp thị trường

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, ngành vật liệu xây dựng (VLXD) Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, không chỉ đáp ứng nhu cầu cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, quá trình phát triển của ngành vẫn còn gặp nhiều thách thức như công tác dự báo còn bất cập, công nghệ sản xuất trong một số lĩnh vực còn lạc hậu...

 Công tác dự báo phát triển thị trường vật liệu xây dựng còn yếu. Ảnh: Doãn Thành

Năng lực sản xuất tăng
Số liệu thống kê từ Hội VLXD Việt Nam, từ thời điểm đổi mới (1986) đến nay, ngành VLXD đã đạt được thành tựu phát triển vượt bậc, năng lực sản xuất và sản lượng của một số sản phẩm tăng gấp nhiều lần. Cụ thể, sản xuất xi măng tăng 30 lần về công suất và 50 lần về sản lượng thực tế; gạch, gốm ốp lát tăng lần lượt là 700 và 500 lần; sứ vệ sinh tăng lần lượt 270 và 350 lần; kính xây dựng tăng 72 và 74 lần…
Thời gian gần đây, ngoài những sản phẩm VLXD truyền thống, các DN còn đẩy mạnh phát triển các sản phẩm xanh, với nhiều chủng loại mới như tấm nhôm - composite, vải địa kỹ thuật, vật liệu nhựa U-PVC, vật liệu cách nhiệt, tấm thạch cao, sơn sinh thái, vật liệu xây không nung (sản phẩm bê tông khí, sản phẩm bê tông bọt, gạch bê tông, tấm tường Acotec, tấm 3D…).
KTS Lê Hồng Hiếu - Hội KTS Việt Nam cho biết, để thúc đẩy cho thị trường VLXD phát triển phù hợp với điều kiện thực tế, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quan trọng như: Luật Xây dựng, Quyết định số 567/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng về phát triển VLXD không nung; Nghị định 24a/2016/NĐ-CP về quản lý VLXD và nhiều nghị định, thông tư để định hướng và quản lý ngành VLXD phát triển bền vững. “Những văn bản pháp luật này đã tạo hành lang pháp lý hoàn chỉnh để quản lý, kiểm soát đồng thời khuyến khích phát triển VLXD xanh, tiết kiệm năng lượng” – ông Hiếu nhìn nhận.
Xây dựng chiến lược phát triển
Tại buổi làm việc về Chiến lược Phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, ngành VLXD có vai trò quan trọng trong kiến thiết, xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển đất nước. Những năm qua, Chính phủ rất chú trọng xây dựng chính sách pháp luật, hoàn thiện thể chế nhằm nâng cao vai trò quản lý Nhà nước đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để thị trường VLXD Việt Nam phát triển. “Tuy nhiên, ngành VLXD Việt Nam hiện đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức như công tác dự báo còn bất cập, công nghệ sản xuất trong một số lĩnh vực còn lạc hậu, vẫn còn tình trạng cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường” - Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nói.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, Chiến lược phát triển VLXD trong thời gian tới là đáp ứng yêu cầu cơ bản trong nước, nâng dần tỷ trọng xuất khẩu. Đồng thời tiếp cận, ứng dụng nhanh nhất những tiến bộ, thành tựu khoa học công nghệ; triệt để tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, nguyên vật liệu, bảo vệ môi trường sinh thái và khuyến khích được các thành phần kinh tế tham gia… “Bộ đã giao Viện VLXD chủ trì, phối hợp với các đơn vị trực thuộc tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng sản xuất, đồng thời tổ chức nhiều hội thảo nhằm tổng hợp ý kiến các chuyên gia, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để phục vụ chiến lược phát triển” – Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho hay.
Thế giới đang trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, vì vậy, ngành VLXD cần phải dựa trên nền tảng khoa học để sản xuất, tăng độ bền, tiết kiệm năng lượng, chi phí sản xuất - xây lắp và đặc biệt là phải thích ứng với khí hậu tại nơi xây dựng công trình.
Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng, TS Lê Trung Thành

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần