Sản xuất vôi ở Thanh Liêm (Hà Nam) gây ô nhiễm môi trường

Kim Thạch - Phương Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Hoạt động sản xuất ngày đêm của hàng chục lò vôi gây tiếng ồn, xả khói bụi gây ô nhiễm nghiêm trọng. Kéo theo đó là cuộc sống của người dân trở nên ngột ngạt, bị đảo lộn... Đó là những bức xúc phản ánh của người dân sinh sống tại Tiểu khu La Mát, thị trấn Kiện Kê, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.

Cư dân bức xúc vì khói bụi
Qua tìm hiểu được biết, hình thành từ những năm 1988, hoạt động sản xuất vôi trên địa bàn thị trấn Kiện Khê (huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) trở thành một nghề truyền thống. Tuy nhiên, toàn bộ các cơ sở sản xuất vôi không thực hiện đúng quy định về môi trường, đầu tư, xây dựng, sản xuất, kinh doanh vôi; không có hoạt động cầu cảng, chỉ có hoạt động bến thủy nội địa. Số lò vôi tập trung chủ yếu tại địa bàn thị trấn Kiện Khê, với tổng số là 13 cơ sở có lò vôi thủ công, trong đó có 9 cơ sở đang hoạt động và 4 cơ sở đã dừng hoạt động.
 Người dân bức xúc vì hoạt động sản xuất vôi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Theo đơn kiến nghị của các hộ dân ở Tiểu khu La Mát và Tiểu khu Châu Giang thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm và thôn Lam Sơn 2, phường Châu Sơn, thành phố Phủ Lý (tỉnh Hà Nam), họ phải sống trong môi trường ô nhiễm trầm trọng do hoạt động sản xuất vôi và cầu cảng. Cụ thể là hoạt động của cơ sở sản xuất công ty TNHH Văn Hoa (thôn La Mát, thị trấn Kiện Khê) và Công ty CP Đức Hồng ở thôn Châu Giang, thị trấn Kiện Khê và một số cơ sở sản xuất vôi khác.
Đây là khu lò vôi cầu cảng hoạt động thủ công, theo quy định thuộc trường hợp cấm kinh doanh trên phạm vi toàn quốc. Hiện nay các công ty trên có sử dụng một số trang thiết bị cơ giới trong quá trình sản xuất nhưng không có các biện pháp bảo vệ môi trường, khiến tình trạng ô nhiễm trở nên cực kì trầm trọng.
Trong đơn kiến nghị của người dân phản ánh: “Công ty TNHH Văn Hoa và Công ty CP Đức Hồng cũng không thực hiện hoạt động đánh giá tác động môi trường để đánh giá hiện trạng diễn biến chất lượng môi trường và các tác động xấu đến môi trường dẫn đến việc sản xuất tự do gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đây là hoạt động sản xuất, kinh doanh vi phạm pháp luật, không thực hiện đúng theo quy định về bảo vệ môi trường được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và các quy định pháp luật có liên quan”.
 Khói bụi bao phủ nhà người dân.
Khảo sát cho thấy, vị trí của khu sản xuất vôi nằm trong khu vực dân cư sinh sống, khoảng cách từ một số hộ dân đến khu sản xuất gần nhất là 1 - 2m. Khoảng cách này không đảm bảo, bởi khoảng cách tối thiểu từ xưởng sản xuất đến khu dân cư là 1.000 m theo quy định tại Điểm 4.5 Mục II Phần thứ nhất Quyết định số 3722/2002/QĐ-BYT ngày 10/10/2002 của Bộ Y tế về việc ban hành 21 tiêu chuẩn vệ sinh lao động, 5 nguyên tắc và 7 thông số vệ sinh lao động.
Tại nơi sản xuất vôi, không khí ngột ngạt luôn bao trùm khu dân cư luôn trong trạng thái bụi bẩn dày đặc. Cây cối, nhà dân cùng các vật dụng sinh hoạt khác đều bị bao phủ bởi lớp bụi trắng đủ thấy cuộc sống khổ cực vì ô nhiễm môi trường mà người dân chịu đựng đang ở mức độ nghiêm trọng như thế nào (!).
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Tiểu khu La Mát, thị trấn Kiện Khê bức xúc nói: Quá trình sản xuất, sàng lọc vôi của 2 công ty trên tạo ra rất nhiều bụi bẩn, bụi sỉ khiến cho các hộ dân xung quanh không dám mở cửa nhà. Hành lang, ban công đều bám bụi đen dày đặc, nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm bụi bẩn, ô nhiễm trầm trọng. “Chúng tôi không dám mở cửa nhà, không giám phơi quần áo ra ngoài vì bụi bẩn quá nhiều. Bụi bẩn, khói than, bụi vôi, bụi đá từ cầu cảng dẫn đến khó thở. Tiếng rung, tiếng ồn của cơ sở sản xuất, tiếng xe chở đá, đổ đá inh tai” – ông Mạnh bày tỏ.
Bao giờ xử lý dứt điểm?
Liên quan đến vụ việc, tại Kết luận Thanh tra số 660 ngày 23/3/2018 của UBND tỉnh Hà Nam về việc chấp hành pháp luật đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh vôi và hoạt động cầu cảng của các cơ sở này trên địa bàn tỉnh nêu: Trong số 9 cơ sở đang có hoạt động sản xuất vôi trên địa bàn thị trấn Kiện Khê, có 8 cơ sở không có các thủ tục về bảo vệ môi trường theo quy định, gồm: Công ty CP Đức Hồng, Công ty TNHH Văn Hoa, Công ty TNHH Chu Hà; các hộ: Bùi Đức Nhân, Đỗ Văn Hải, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Văn Quý, Đỗ Văn Thịnh.
 Kết luận của Thanh tra UBND tỉnh Hà Nam nêu rõ hoạt động sản xuất  vôi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Cũng theo kết luận này, 9 cơ sở trên không có biện pháp thu gom, phân loại để xử lý các loại chất thải trong quá trình sản xuất theo quy định. Đặc biệt, các lò vôi, trụ cẩu được xây dựng từ năm 1966-1990, được xây dựng theo kinh nghiệm của thợ nghề; không có hồ sơ thiết kế, hồ sơ quản lý chất lượng. Toàn bộ 9 cơ sở sản xuất vôi không thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng, tiêu chuẩn cơ sở theo quy định đối với việc sản xuất, kinh doanh vôi.
Nghiêm trọng hơn, kết luận nêu rõ: Toàn bộ các cơ sở có hoạt động bến thủy không có các thủ tục về hoạt động bến thủy nội địa theo quy định; các cơ sở sản xuất vôi có hoạt động bến thủy nội địa đã san lấp, xây dựng trụ cẩu có dấu hiệu vi phạm hành lang thoát lũ sông Đáy.
Qua kết quả kiểm tra, xác minh trên, UBND tỉnh Hà Nam yêu cầu Công ty CP Đức Hồng, Công ty TNHH Văn Hoa, hộ ông Bùi Đức Nhân chấm dứt hoạt động các lò vôi thủ công, bến thủy nội địa chậm nhất vào ngày 30/10/2018 và các cơ sở còn lại trên địa bàn tỉnh chấm dứt hoạt động các lò vôi thủ công, bến thủy nội địa chậm nhất vào ngày 30/10/2019…
Trước tình trạng hoạt động sản xuất vôi gây ô nhiễm môi trường nêu trên, người dân Tiểu khu La Mát, thị trấn Kiện Khê mong mỏi các cấp chính quyền huyện Thanh Liêm (tỉnh Hà Nam) sớm có biện pháp xử lý dứt điểm những sai phạm, trả lại môi trường sống trong lành cho cư dân khu vực.

Khoản 1 điều 68 Luật Bảo vệ môi trường quy định: Cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau:

a) Thu gom, xử lý nước thải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường;
c) Giảm thiểu, thu gom, xử lý bụi, khí thải theo quy định của pháp luật; bảo đảm không để rò rỉ, phát tán khí độc hại ra môi trường; hạn chế tiếng ồn, độ rung, phát sáng, phát nhiệt gây ảnh hưởng xấu đối với môi trường xung quanh và người lao động;
d) Xây dựng và thực hiện phương án bảo vệ môi trường.