Ngày mai, xét xử giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm

Đức Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến giai đoạn 2 của vụ án Phạm Công Danh, có đến 46 bị cáo bị truy tố về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

 Bị cáo Phạm Công Danh. Ảnh: NTD.
Theo kế hoạch, ngày mai (8/1) Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh sẽ đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án Phạm Công Danh (giai đoạn 2) và đồng phạm về tội danh "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan đến các ngân hàng.
Bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây Dựng Việt Nam - VNCB) và đồng phạm bị cáo buộc thực hiện nhiều hành vi sai phạm, gây thất thoát hơn 6.000 tỷ đồng trong quá trình điều hành VNCB (2013 - 2014).

Trong giai đoạn 1 của vụ án, Phạm Công Danh và 14 bị cáo khác đã bị cơ quan tố tụng xác định gây thiệt hại 9.000 tỷ đồng và bị tuyên phạt 30 năm tù.

Dự kiến, thời gian xét xử giai đoạn 2 kéo dài đến ngày 7/2/2018. Trong 46 bị cáo lần này đáng chú ý có Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank) và Phan Huy Khang (nguyên Tổng giám đốc Sacombank).

Với giai đoạn 2 của vụ án, theo cáo trạng, từ năm 2013 đến 2014, Phạm Công Danh chỉ đạo cấp dưới tại VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh lấy 29 pháp nhân của 29 công ty do chính Phạm Công Danh thành lập để dùng 29 hồ sơ khống vay tiền tại các ngân hàng là Sacombank, TPbank và BIDV.

Để vay được tiền của 3 ngân hàng này, Phạm Công Danh đã mang tiền của VNCB gồm hơn 6.600 tỷ đồng gửi vào các ngân hàng nêu trên rồi cầm cố (tài sản thế chấp cho 29 công ty của Danh) nhằm vay tiền của 3 ngân hàng rồi lại rút tiền ra tiêu xài.

Mặc dù biết Phạm Công Danh không được vay tiền tại VNCB, nhưng bị cáo Trầm Bê và Phan Huy Khang giúp sức cho Danh rút tiền của VNCB bằng cách mang tiền từ chính VNCB rồi đi gửi tại Sacombank, sau đó dùng hồ sơ khống của các công ty vay tiền Sacombank. Hành vi này của Phạm Công Danh đã gây thiệt hại cho chính ngân hàng do Danh làm quản lý là VNCB lên đến hơn 6.100 tỷ đồng.

Đáng chú ý, phiên tòa sáng mai (8/1) sẽ bố trí phòng xử án theo Thông tư 01 của Tòa án nhân dân Tối cao (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018). Đây cũng là phiên toà đầu tiên tại trụ sở 131 Nam Kỳ Khởi Nghĩa bố trí phòng xử án theo quy định mới này.

Cụ thể, phòng xử án được bố trí hai bục, vị trí của HĐXX ở trên bục cao nhất, bục thứ hai sau HĐXX là các vị trí khác đều ngồi ngang nhau. Vị trí kiểm sát viên ngang hàng với luật sư, thư ký ngồi giữa dưới bục của HĐXX... Vành móng ngựa được thay bằng bục khai báo.