Sáng tác nghệ thuật về Hà Nội: Nhiều chất liệu, nhưng ít tác phẩm hay

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh công nghiệp văn hóa phát triển, cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế, việc nâng cao chất lượng tác phẩm văn học, nghệ thuật (VHNT) về Hà Nội đang là thách thức đặt ra cho những thế hệ văn nghệ sĩ kế cận. Vấn đề trên được các văn nghệ sĩ lão thành đặt ra trong buổi tọa đàm: “Những kinh nghiệm của các thế hệ văn nghệ sĩ trong việc tổ chức sáng tác và truyền thụ kinh nghiệm cho các thế hệ kế cận” do Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội tổ chức.

Một cảnh trong vở kịch “Những người con Hà Nội”. Ảnh: Doãn Phạm
Nhiều khuynh hướng sáng tác mới
Thời gian qua, với sự nỗ lực, sáng tạo của nhiều văn nghệ sĩ trẻ, nhiều khuynh hướng sáng tác mới đã xuất hiện, một số tác phẩm đã bắt kịp tinh thần thời đại, có tính dự báo, gợi mở. Tuy nhiên, Theo NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội: “Chưa có nhiều tác phẩm dám đi thẳng vào hiện thực, còn thiếu vắng các tác phẩm có sức lan tỏa trong xã hội, tác động mạnh tới suy nghĩ, nhận thức của công chúng. Đồng thời, nhiều tác phẩm lại khai thác thái quá khía cạnh giải trí, bạo lực, kinh dị… hạ thấp tính giáo dục, xa rời bản sắc dân tộc”.

Tại buổi tọa đàm, phân tích thực trạng hiện nay thế hệ trẻ sáng tác nhiều tác phẩm nhưng chưa đi vào cuộc sống, các nghệ sĩ lão thành đã chỉ ra vấn đề rằng: “Ở nơi nào thì Thủ đô cũng là nơi diễn ra các sự kiện tiêu biểu của đất nước về chính trị, xã hội, văn hóa… Gần đây, Hà Nội còn được các nước lựa chọn là nơi gặp gỡ của các nguyên thủ, tổ chức hội nghị về chính trị, kinh tế, khoa học. Có thể nói, Hà Nội có rất nhiều chất liệu để những văn nghệ sĩ trẻ sáng tác. Tuy nhiên, ít người viết chú ý đến việc tìm hiểu Hà Nội trên thực địa. Khi cần chất liệu sáng tác, họ thường tìm trên Google, các mạng xã hội… thậm chí có nhiều người do sống hàng ngày ở Hà Nội, quen thuộc với mảnh đất này đến mức không cần quan tâm đến nó. Chính vì vậy, ít tác phẩm chất lượng, sáng tạo, có sức lan tỏa” - nhà thơ Vũ Quần Phương chia sẻ.

Dữ liệu nghệ thuật dân gian

Tại buổi tọa đàm “Những kinh nghiệm của các thế hệ văn nghệ sĩ trong việc tổ chức sáng tác và truyền thụ kinh nghiệm cho các thế hệ kế cận”, một số ý kiến cho rằng, việc tổ chức các giải thưởng VHNT để phát hiện các tài năng trẻ, kịp để bồi dưỡng là việc rất quan trọng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp việc bình xét giải thưởng của các Hội đồng nghệ thuật còn nhiều bất cập. Các văn nghệ sĩ nhấn mạnh, ban giám khảo các giải VHNT cần là người phải có chuyên môn, đạo đức, công minh để tránh lợi ích nhóm, phe phái. Đồng thời, đội ngũ phê bình VHNT cần được thúc đẩy định hướng sáng tác; biểu dương các tác phẩm có chất lượng, phê phán những biểu hiện thiếu tôn trọng các giá trị truyền thống của dân tộc. Đồng thời, các văn nghệ sĩ cũng thẳng thắn nhìn nhận vấn đề “thương mại hóa” tác phẩm phê bình VHNT, phản đối việc vì lợi ích cá nhân viết quảng bá cho những tác phẩm kém chất lượng.

Nhiều văn nghệ sĩ Hà Nội cũng kiến nghị, hình thức mở trại sáng tác đang bị lặp đi lặp lại; tổ chức trại sáng tác là tốt nhưng kết quả, chất lượng các tác phẩm không cao. “Có trại tiến hành đọc tác phẩm cho nhau nghe để đồng nghiệp góp ý, giúp cho chất lượng tác phẩm được nâng cao nhưng nhiều trại lại không thực hiện việc này. Trại nào, sau thời gian quy định đều tổng kết và đạt thành công rực rỡ, nhưng rất ít tác phẩm thành vở diễn của các nhà hát. Và nhiều vở yếu, thiếu vở hay. Do vậy, theo tôi việc tổ chức trại sáng tác là cần thiết nhưng đã cũ và ít hiệu quả. Chúng ta cần tìm hình thức mới hơn” - PGS.TS Trần Trí Trắc cho biết.

Theo NSND Trần Quốc Chiêm, thời gian tới, Hội VHNT Hà Nội cần tập trung đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu về các môn nghệ thuật dân gian, nghệ thuật truyền thống nhằm hỗ trợ, phục vụ cho quá trình nghiên cứu, giảng dạy, truyền bá cho thế hệ văn nghệ sĩ kế cận.