Sáp nhập, giải tán trường sư phạm yếu kém

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 17/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ GD&ĐT và các chuyên gia giáo dục để bàn biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo ngành sư phạm.

Bộ GD&ĐT đề xuất 4 giải pháp
Nhiều vấn đề của đào tạo sư phạm được đặt ra: Chất lượng đầu vào, chất lượng đào tạo, dư thùa giáo viên, cơ chế đặt hàng... Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng trước hết phải đánh giá nhu cầu thực tế của giáo viên đến từng môn học, bám sát chương trình, từ đó xác định chỉ tiêu đào tạo mới. “Với trách nhiệm của mình, Bộ GD&ĐT sẽ siết chặt chỉ tiêu trên toàn quốc, đảm bảo cung – cầu khớp với nhau, phải tính đến số giáo viên thiếu, chứ không tính đến những người về hưu hoặc tăng thêm. Sẽ có một nhóm nghiên cứu đánh giá chi tiết, trong đó các địa phương cũng phải có trách nhiệm tham gia” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội trên giảng đường.  Ảnh: Trần Dũng

Hiện, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các sở GD&ĐT phối hợp với các trường cao đẳng (CĐ) địa phương có chương trình bồi dưỡng. Giải pháp cấp bách và hiệu quả là sử dụng biên chế đang thừa cục bộ để hoán đổi nhằm giảm khó khăn cho địa phương, đồng thời tạo điều kiện cho thầy cô trong diện dư thừa có cơ hội để làm công việc phù hợp. Đối với các trường ĐH địa phương được nâng cấp từ trường CĐ, Bộ sẽ chỉ đạo tập trung đào tạo lại đội ngũ giáo viên hiện có trên cơ sở đạt chuẩn. Như vậy, các trường sư phạm ở địa phương mới có cơ hội tồn tại.
Trước mắt, các trường ĐH sư phạm cần giảm mạnh chỉ tiêu, tập trung vào chương trình sách giáo khoa, bồi dưỡng giáo viên địa phương đạt chuẩn; đồng thời, áp dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện cho giáo viên nâng cao chất lượng. Địa phương cũng có trách nhiệm cùng Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ rà soát lại những bất cập, cơ chế tuyển chọn, chế độ chính sách để báo cáo Chính phủ. Đối với những giáo sinh đang thất nghiệp hoặc đang ký hợp đồng lao động, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo các trường sư phạm và đề nghị các ngành liên quan, nhu cầu thị trường để có chương trình đào tạo. “Bộ GD&ĐT cũng sẽ làm việc với ngành công nghệ thông tin, du lịch để có phương thức đào tạo qua lại, vừa học thông qua tín chỉ để có bằng cử nhân mới, vừa học qua thực tiễn một cách linh hoạt, để sau 5 năm siết chặt chỉ tiêu mới và tập trung xử lý vấn đề đang tồn tại” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết. Đặc biệt, Bộ trưởng đề nghị đẩy nhanh việc sáp nhập hoặc giải tán những trường CĐ yếu kém.
Đặt hàng đối với trường sư phạm
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, giáo viên là khâu quyết định việc nâng cao chất lượng ngành sư phạm, cũng như thực hiện đổi mới giáo dục. Vì thế, giáo viên cần được tăng cường tập huấn đào tạo các kiến thức và kỹ năng. Thực trạng chất lượng giáo viên thời gian qua cho thấy năng lực của một bộ phận chậm được cập nhật, không đáp ứng yêu cầu đổi mới. Là bởi các trường thành lập mới nhiều, địa phương quản là chính. Thêm vào đó, chính sách vào sư phạm không thu học phí, các trường đào tạo ngành khác có thu tiền nên có ngành chất lượng cao, còn sư phạm hạn chế.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chỉ ra thực trạng sinh viên tốt nghiệp sư phạm khó xin được việc, trong các trường phổ thông thì nhiều giáo viên hợp đồng đã chờ đợi nhiều năm mà không có suất biên chế. Một số tỉnh lại siết biên chế, khiến giáo viên trẻ có tâm tư. Chất lượng kiểm định sư phạm chưa tốt, trong khi đào tạo giáo viên và bác sĩ là hai đối tượng cực kỳ quan trọng. Vì thế, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT đánh giá, xác định mặt bằng các trường sư phạm địa phương; quy hoạch và phân bố lại các trường. Đồng thời triển khai đặt hàng đối với trường đào tạo có chất lượng gắn với chi phí đào tạo, từ đó tạo ra khuôn mẫu, mặt bằng để các trường khác làm theo.
"Cùng với giao nhiệm vụ nghiên cứu, Bộ GD&ĐT cũng cần đưa ra chương trình, quy định đặc cách với một số ngành đang cần nhiều nhân lực (du lịch, công nghệ thông tin) có thể đào tạo chuyển tiếp cử nhân ngành sư phạm. Cách làm này sẽ giải quyết được ngành thừa ngành thiếu".
  Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ