Hà Nội:

Sắp triển khai đề án giới thiệu và chuyển thể các vở diễn trong trường học

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sân khấu hóa tác phẩm văn học triển khai tại các nhà trường nhiều năm qua đã mang lại hiệu quả tích cực, được học sinh nhiệt tình hưởng ứng. Tuy nhiên, để việc dàn dựng tác phẩm văn học theo hướng chuyên nghiệp, bài bản, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt đề án về nội dung trên.

Tới đây, việc dàn dựng các tác phẩm văn học tại nhà trường sẽ triển khai theo hướng chuyên nghiệp và bài bản
Tới đây, việc dàn dựng các tác phẩm văn học tại nhà trường sẽ triển khai theo hướng chuyên nghiệp và bài bản

UBND TP Hà Nội vừa có Quyết định 3871/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Giới thiệu và biểu diễn các vở diễn được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới có trong chương trình giáo dục phổ thông tại các trường học của TP Hà Nội giai đoạn 2022 - 2030”.

Mục tiêu của đề án đề án nhằm phát huy thế mạnh của nghệ thuật sân khấu, giúp học sinh tiếp cận các tác phẩm văn học nổi tiếng một cách gần gũi và sống động hơn, khơi niềm yêu thích và say mê của các em với môn Lịch sử, Ngữ văn. Ngoài ra, đề án còn hướng tới phát hiện và bồi dưỡng tài năng nghệ thuật sân khấu, tạo nguồn diễn viên tiềm năng…

Toàn TP hiện có 1.683 trường phổ thông gồm 780 trường tiểu học, 653 trường THCS, 250 trường THPT (số lượng có thể tăng trong thời gian tới). Đây là nguồn lực con người đặc biệt quan trọng - chủ nhân của TP trong tương lai.

“Thông qua Đề án, các Nhà hát trực thuộc Sở VH&TT Hà Nội không chỉ có cơ hội và điều kiện để thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình đối với việc xây dựng nguồn lực con người của Thủ đô trong tương lai, mà còn xây dựng lực lượng khán giả tiềm năng, tìm kiếm những tài năng diễn viên nghệ thuật sân khấu trực tiếp đưa tới sự phát triển của các Nhà hát theo đúng yêu cầu, định hướng phát triển văn học - nghệ thuật đã được xác định tại Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”- đề án nêu rõ.

Theo đề án này, các nhà hát trực thuộc Sở VH&TT Hà Nội sẽ phục dựng và dàn dựng 51 vở diễn thuộc 70 tác phẩm, sự kiện, nhân vật lịch sử, tổ chức 1.800-2.000 buổi diễn tại các trường phổ thông.

Giai đoạn thử nghiệm từ 2022 – 2024 sẽ phục dựng 11 vở diễn, tổ chức 400 buổi diễn và tuyển chọn học sinh, giáo viên của 2 trường. Giai đoạn triển khai rộng rãi từ 2025-2030 sẽ phục dựng 40 vở diễn; tổ chức 1400 – 1600 buổi diễn và tuyển chọn học sinh, giáo viên tại 24 điểm trường.

Thúy Kiều- Kiếp đoạn trường là vở diễn được Nhà hát kịch Hà Nội dàn dựng công phu, phục vụ đông đảo khác giả là học sinh
"Thúy Kiều- Kiếp đoạn trường" là vở diễn được Nhà hát kịch Hà Nội dàn dựng công phu, phục vụ đông đảo khán giả học sinh

Đề án lưu ý: Những trích đoạn, tác phẩm được chọn phục dựng và biểu diễn phải phù hợp với chương trình mỗi cấp học, được chọn từ văn học dân gian, hiện đại, kinh điển nước ngoài; tác phẩm về thời kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước của Việt Nam; tác phẩm về các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, các vị tướng của Việt Nam và thế giới.

TP yêu cầu các vở diễn có tính giáo dục cao, phù hợp với chương trình học và lứa tuổi học sinh; nội dung, hình thức tổ chức giới thiệu, biểu diễn phải đảm bảo gọn nhẹ, hấp dẫn, không có tính áp đặt, thu hút các đối tượng học sinh tự nguyện tham gia.

Bên cạnh đó, lộ trình giới thiệu, biểu diễn các vở diễn, trích đoạn phải đảm bảo tính thống nhất và liên thông giữa các khối lớp, cấp học; không lặp lại nội dung, hình thức giới thiệu, biểu diễn các vở diễn, trích đoạn cho cùng một đối tượng học sinh ở các khối lớp, cấp học khác nhau. Kế hoạch giới thiệu, biểu diễn cũng cần có tính khoa học, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, không nặng nề, quá tải cho học sinh và không ảnh hưởng tới chương trình học tập chính khóa theo khung chương trình học do Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT quy định.

Việc giới thiệu và biểu diễn các trích đoạn tác phẩm văn học được sân khấu hóa cho học sinh thực hiện theo 2 phương thức chính: Thứ nhất là dàn dựng và biểu diễn trực tiếp tại trường học và thứ hai là các nghệ sỹ, diễn viên chuyên nghiệp sẽ hướng dẫn/truyền dạy cho giáo viên, học sinh cùng kết hợp biểu diễn.

Các trích đoạn, các vở diễn đã được dàn dựng có chất lượng nghệ thuật cao, được Hội đồng nghệ thuật TP thẩm định, được đông đảo khán giả trên sân khấu và trên sóng truyền hình đón nhận. Các vai diễn, các trích đoạn và vở diễn đã đạt được nhiều giải thưởng lớn, nhiều Huy chương Vàng, Bạc trong các lần tham gia Hội diễn. Đây là cơ hội tốt để đưa các tác phẩm sân khấu đến gần hơn với khán giả, đồng thời, mang tính bổ trợ và tăng cường hiệu quả học tập các bộ môn chính khóa trong nhà trường.

Hoạt động giới thiệu và biểu diễn các vở diễn được tổ chức tại các trường học (khu vực sân khấu ngoài trời hoặc trong nhà - tùy theo điều kiện cơ sở vật chất của từng trường phổ thông).

Đề án khẳng định: “Hà Nội có đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất (với 6 đơn vị biểu diễn nghệ thuật trực thuộc Sở VH&TT gồm: Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và Tạp kỹ Hà Nội, Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long) và nguồn nhân lực dồi dào, đội ngũ diễn viên tài năng được đào tạo bài bản, say mê nghề nghiệp, trong đó có nhiều Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú được đông đảo công chúng, nhất là tuổi trẻ mến mộ”.