Sát sao hơn trong công tác kiểm tra văn bản

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 28/8, Đoàn giám sát “Việc thực hiện pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2015 - 2018” do Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu (ĐB) Quốc hội TP Hà Nội Bùi Huyền Mai làm Trưởng đoàn đã làm việc với Sở Tư pháp Hà Nội.

 Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Bùi Huyền Mai phát biểu kết luận buổi giám sát.
Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Tống Thị Thanh Nam, trong giai đoạn từ năm 2015 đến 30/7/2018, HĐND, UBND TP đã ban hành 216 văn bản (53 Nghị quyết, 163 Quyết định); cấp huyện đã ban hành 813 văn bản (276 Nghị quyết, 537 Quyết định); cấp xã đã ban hành 3.390 văn bản (2.803 Nghị quyết, 587 Quyết định).
Thực hiện ủy quyền của UBND TP, Giám đốc Sở Tư pháp đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra các văn bản thuộc lĩnh vực của các sở, ngành, quận, huyện, thị xã. Sở Tư pháp đã giúp TP thực hiện tự kiểm tra đối với 163 Quyết định do UBND TP ban hành, 258 văn bản do HĐND, UBND quận, huyện, thị xã gửi đến.

Qua kiểm tra cho thấy, các văn bản đều được ban hành đúng thẩm quyền, nội dung phù hợp với pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Ngoài ra, thực hiện kế hoạch kiểm tra hàng năm của UBND TP, Đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra các văn bản tại 23/30 đơn vị cấp huyện với số lượng 1.422 văn bản được kiểm tra. Qua kiểm tra đã phát hiện 116 văn bản có sai sót về căn cứ pháp lý, thể thức và kỹ thuật trình bày…

Tại buổi giám sát, các ĐB có ý kiến, việc thẩm định, kiểm tra văn bản rất quan trọng, tác động lớn; cần phải đánh giá kỹ những tồn tại, hạn chế. Khi kiểm tra giám sát ở các huyện, có đơn vị còn nhầm lẫn về thể thức văn bản. Do đó, công tác kiểm tra văn bản cần sát sao hơn. Các huyện cũng kiến nghị, trình độ chuyên môn của một số cán bộ tư pháp chưa đáp ứng yêu cầu, do đó có những nội dung không phát hiện kịp thời. Vì vậy, công tác kiểm tra của TP rất quan trọng, phải chú ý ngay từ khi huyện gửi văn bản lên, không phải đợi đến lúc các đoàn kiểm tra xuống làm việc mới phát hiện.

Theo lãnh đạo Sở Tư pháp, Sở là cơ quan đầu mối thành lập đoàn liên ngành kiểm tra công tác ban hành VBQPPL. Tuy nhiên, có những trường hợp không gửi văn bản đến Sở Tư pháp nên không thể kiểm tra được, chỉ có thể thông qua khi đi kiểm tra địa bàn. Luật đã quy định rõ VBQPPL và văn bản hành chính nhưng thực tế có nơi vẫn lúng túng.

Qua thực tế giám sát tại Sở Tư pháp và các địa phương, Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội đề nghị, tới đây tổng kết thi hành 5 năm thực hiện Luật Thủ đô, với vai trò là cơ quan tham mưu của HĐND, UBND TP, Sở Tư pháp cần có những kiến nghị phù hợp, làm sao để rà soát, điều chỉnh các VBQPPL của HĐND, UBND TP, triển khai thi hành Luật Thủ đô cho phù hợp với các VBQPPL mới. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều biện pháp phù hợp để chuyển tải đầy đủ các nội dung VBQPPL cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành.

“Sở Tư pháp nên quan tâm đến các điều kiện bảo đảm thi hành, công tác ban hành, kiểm tra rà soát hệ thống văn bản, hướng dẫn cụ thể cơ chế phối hợp cũng như việc xây dựng các đầu mối cộng tác viên tham gia vào công tác ban hành văn bản, bảo đảm đúng quy định của pháp luật và phù hợp với thực tiễn. Ngoài ra, hướng dẫn, thẩm định các văn bản khi quận, huyện có đề nghị” - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP Bùi Huyền Mai đề nghị.