Sau 4 ngày giằng co, EU đạt được điều "phi thường", "lịch sử"

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cuối cùng đã đi đến thống nhất về quỹ ngân sách 1,82 nghìn tỷ euro (2,1 nghìn tỷ USD), sau nhiều ngày đêm tranh cãi căng thẳng.

Các nhà lãnh đạo Pháp, Đức thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh EU hôm 20/7.
Theo đó, khối này đã đạt được sự đồng thuận về quỹ phục hồi Covid-19 trị giá 750 tỷ euro, được phân bổ dưới dạng cho vay và tài trợ đối với các quốc gia bị virus tấn công mạnh nhất, và ngân sách hơn 1 nghìn tỷ euro cho 7 năm tới.
"Trước đây, chưa bao giờ EU đầu tư vào tương lai như thế này", Thủ tướng Bỉ Sophie Wilmes nói. Gọi đây là "một ngày lịch sử đối với châu Âu", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiết lộ thêm rằng "đã có những khoảnh khắc cực kỳ căng thẳng".
"Một tình huống phi thường, đòi hỏi những nỗ lực phi thường", Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu trước thành quả của một trong những hội nghị thượng đỉnh dài nhất của khối từ trước đến nay.
Theo kế hoạch, cuộc gặp của 27 nhà lãnh đạo châu Âu vốn chỉ diễn ra trong 2 ngày và kết thúc hôm thứ 7 vừa qua, đã bị buộc phải kéo dài thêm 2 ngày nữa bởi mâu thuẫn sâu sắc giữa các quốc gia thành viên. Các cuộc đàm phán dường như chạm đáy vào tối Chủ nhật, để rồi cho thấy những tiến triển rõ rệt vào sáng nay (21/7).
Tất cả các quốc gia đồng ý rằng họ cần phải hợp tác với nhau, nhưng 5 quốc gia giàu có hơn ở phía Bắc, gồm Hà Lan, Áo, Phần Lan, Thụy Điển và Đan Mạch, muốn kiểm soát chặt chẽ chi tiêu. Trong khi các quốc gia phía Nam đang gặp khó khăn như Tây Ban Nha và Italia cho rằng những điều kiện đó nên được hạn chế.
Thỏa hiệp về quỹ phục hồi cuối cùng được thông qua ở mức 390 tỷ euro tiền tài trợ - giảm từ mức 500 tỷ euro được đề xuất ban đầu - cùng với một số tiền cho vay.
"Chúng ta đã làm được!...Châu Âu là thống nhất", chủ tịch Hội đồng EU Charles Michel viết trên Twitter cá nhân.