Sẽ chuyển giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc về TP Hà Nội quản lý

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong quý II/2023, Bộ KH&CN sẽ hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định phê duyệt Đề án chuyển giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc về TP Hà Nội.

Đây là thông tin được chia sẻ tại buổi họp báo thường kỳ quý I/2023 của Bộ KH&CN do Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy chủ trì, chiều 5/4.

Chia sẻ tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ từ năm 1998, hiện đang thuộc quyền quản lý của Bộ KH&CN. Khu có tổng diện tích quy hoạch gần 1.600ha, được xây dựng theo mô hình thành phố khoa học với đầy đủ các tiện ích và những khu chức năng. Các dự án đầu tư tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã giúp hình thành hệ sinh thái ban đầu cho các lĩnh vực công nghệ, như Công nghệ thông tin, điện tử viễn thông và phần mềm, công nghệ sinh học phục vụ y tế, công nghệ tự động hóa… Nhiều trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ của các tập đoàn kinh tế lớn cũng như của các viện nghiên cứu, trường đại học đã đi vào hoạt động.

Quang cảnh buổi họp báo thường kỳ Quý I/2023 Bộ KH&CN
Quang cảnh buổi họp báo thường kỳ Quý I/2023 Bộ KH&CN

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng gặp nhiều khó khăn liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, hạ tầng giao thông, khu đô thị lân cận… Vì vậy, đến nay, tổng diện tích đất các nhà đầu tư lấp đầy khu công nghệ cao còn thấp. "Mục tiêu của khu Công nghệ cao Hòa Lạc không phải lấp đầy nhanh bằng các DN FDI, mà cần phải giữ quỹ đất như một tiềm lực thu hút nhà đầu tư. Vì vậy, khi khu Công nghệ cao được chuyển giao về Hà Nội, hy vọng vẫn giữ được vai trò, sứ mệnh ban đầu khi thành lập đó là khu công nghệ lõi, bám sát mục tiêu phát huy năng lực nội sinh về khoa học công nghệ của đất nước"- đại diện Bộ KHCN cho biết.

Đại diện Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Bộ KH&CN) cũng thông tin, hiện, khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã thu hút 104 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký khoảng gần 100.000 tỷ đồng, thu hút gần 30.000 nhân lực.

Trong đề án chuyển giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc về TP Hà Nội đã có phân tích tác động trong mô hình quản lý, bên cạnh đó nhìn nhận dự báo khi chuyển đổi đơn vị quản lý. Qua đó để giải quyết những vấn đề tồn tại. Bộ cũng đang xin ý kiến góp ý tăng thêm, hoàn thiện đề án.

Chia sẻ về lộ trình chuyển giao, theo đại diện Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, đến thời điểm này, Bộ KH&CN đã trình đề án lên Chính phủ sau khi nhận được 50% ý kiến góp ý của các Bộ, ngành. Hiện, Bộ đang trong quá trình đợi ý kiến đánh giá của Văn phòng Chính phủ và tiếp tục nhận các ý kiến góp ý từ các Bộ ngành nữa để bổ sung hoàn thiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định về việc chuyển giao này.

Lộ trình chuyển giao như nào cho phù hợp đã được phân tích,  đánh giá tác động, trong đó có những tác động liên quan đến cơ chế chính sách, tác động liên quan tới nguồn lực đầu tư, tổ chức bộ máy con người. Từ đó có đề xuất Chính phủ xem xét để quyết định trên cơ sở sự sẵn sàng của Hà Nội để quyết định thời điểm chuyển giao phù hợp nhất.

Thông tin thêm tại buổi họp báo, Chánh Văn phòng Bộ KH&CN Đỗ Thành Long cho biết, trong ba tháng đầu năm 2023, Bộ KH&CN đã hoàn thiện, trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/01/2023 về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 04 văn bản/đề án.

Bên cạnh việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về KH,CN&ĐMST, Quý I/2023, Bộ KH&CN đã chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức nhiều sự kiện quan trọng. Qua đó ngày càng khẳng định vị trí, vai trò và đóng góp của KH,CN&ĐMST trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.