Sẽ đề xuất Hà Nội học là môn học trong hệ thống Giáo dục Thủ đô

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Ngày 9/5, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội tổ chức Hội thảo Khoa học “Giáo dục địa phương TP Hà Nội- Thực trạng và giải pháp” với sự tham dự của Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, giáo viên tại các trường phổ thông trên địa bàn TP.

Giáo dục địa phương là môn khoa học

Phát biểu tại hội thảo, đại diện ĐH Thủ đô Hà Nội cho biết: Giáo dục địa phương là những vấn đề cơ bản hoặc thời sự về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp… của địa phương, bổ sung cho nội dung giáo dục bắt buộc chung, thống nhất trong cả nước nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết những vấn đề của quê hương. Đây là chủ trương đúng đắn của Bộ GD&ĐT trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Toàn cảnh Hội thảo khoa học
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại Hội thảo khoa học sáng 9/5

Những năm qua, các trường phổ thông của Hà Nội đã thực hiện từ tích hợp đến dạy độc lập nội dung Giáo dục địa phương Hà Nội vào các môn học trong nhà trường phổ thông. Hà Nội cũng là địa phương đi đầu trong cả nước dạy bộ tài liệu Giáo dục nếp sống văn minh cho học sinh Hà Nội. Cùng với các cơ sở giáo dục phổ thông trên cả nước, năm 2023 là năm thứ 3 Hà Nội dạy nội dung Giáo dục địa phương trong Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tham luận tại Hội thảo, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ (nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) chia sẻ: Giáo dục địa phương là nội dung bắt buộc trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, có nhiệm vụ gắn lí luận với thực tiễn, giữa cái chung và cái riêng. Đây là nội dung tích hợp của nhiều môn học nên có yêu cầu cao khi biên soạn tài liệu cũng như giảng dạy. Giáo viên phải có kiến thức sâu phần được phân công giảng dạy (kiến thức cơ bản các môn: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Âm nhạc, Mỹ thuật); đồng thời còn phải nghiên cứ bổ sung kiến thức của các học liệu bổ trợ khác như các sách, giáo trình Lịch sử địa phương, địa lí địa phương.

PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ nêu quan điểm: Trong các văn bản chính thức, Giáo dục địa phương đang được gọi là “Nội dung Giáo dục địa phương”, một số địa phương phát hành giáo trình về giáo dục địa phương thì gọi là “Tài liệu giáo dục địa phương”. Tuy nhiên, Giáo dục địa phương phải có một vị trí xứng đáng, phải là một môn khoa học trong Chương trình phổ thông hiện hành.

Tài liệu giáo dục địa phương nên đa dạng nội dung, có cấu trúc hợp lý đi cùng cách trình bày hấp dẫn để học sinh hiểu, hứng thú, tránh viết bài chung chung; tác giả viết tài liệu cần có sự tư vấn tốt của các Hội như: Hội Sử học, Hội Văn học…

Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2006 và Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, nhiều năm qua, tại các trường phổ thông của Hà Nội đều triển khai nội dung Giáo dục địa phương theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Sở GD&ĐT đã biên soạn tài liệu Giáo dục địa phương trên cơ sở tham khảo các nguồn tài liệu để dạy tốt nội dung này theo hướng tích hợp liên môn, gắn Giáo dục địa phương với nội dung môn học và thực tiễn sinh động ở địa phương trên tinh thần không làm quá tải, đảm bảo tính vừa sức, tính sáng tạo và phù hợp.

Môn giáo dục địa phương giảng dạy ở Hà Nội chính là Hà Nội học

Xét về nội dung thì Hà Nội học và Giáo dục địa phương TP Hà Nội đều có nội hàm giống nhau, đều nghiên cứu, phổ biến các vấn đề về Hà Nội, về không gian lịch sử- văn hóa Thăng Long- Hà Nội...

Đồng ý với quan điểm trên, GS.TS Phùng Hữu Phú- Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục Hà Nội học trong chương trình phổ thông của Hà Nội hiện nay; trong đó, Giáo dục địa phương của Hà Nội phải là giáo dục Hà Nội học cho học sinh phổ thông.

Cần xây dựng Hà Nội học thành bộ môn khoa học mũi nhọn để giảng dạy cho học sinh phổ thông
GS.TS Phùng Hữu Phú- Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương: Cần xây dựng Hà Nội học thành bộ môn khoa học mũi nhọn để giảng dạy cho học sinh phổ thông

Chúng ta không chỉ dừng lại trong đào tạo giáo viên giảng dạy Hà Nội học mà hướng đến giảng dạy Hà Nội học cho học sinh phổ thông của Hà Nội; đồng thời xây dựng Hà Nội học thành bộ môn khoa học mũi nhọn để giảng dạy cho học sinh phổ thông. Trường ĐH Thủ đô Hà Nội phải trở thành trung tâm nghiên cứu, đào tạo mạnh về Hà Nội học của Thủ đô” - GS.TS Phùng Hữu Phú bày tỏ.

Cho rằng đến lúc đưa Hà Nội học trở thành môn học chính của giáo dục phổ thông, GS.TS Phùng Hữu Phú kiến nghị Thành ủy Hà Nội sớm có cuộc làm việc với Bộ GD&ĐT về nội dung này; từ đó sớm ban hành chủ trương để phát triển ngành Hà Nội học.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đánh cao ý nghĩa hội thảo; đồng thời cho biết, giáo dục địa phương luôn được TP chú trọng giảng dạy trong chương trình phổ thông nhiều năm qua.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục địa phương trong chương trình phổ thông, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng: "Đây là cơ hội để chúng ta giáo dục truyền thống, về vùng đất đang sinh sống và tình yêu Hà Nội cho học sinh...".

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong: Giáo dục địa phương luôn được TP chú trọng giảng dạy trong chương trình phổ thông nhiều năm qua
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong: Giáo dục địa phương luôn được TP chú trọng giảng dạy trong chương trình phổ thông nhiều năm qua

Trên cơ sở đó, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị Sở GD&ĐT chú trọng nội dung giáo dục địa phương; chú trọng đến các yếu tố thời đại, linh hoạt và mở để học sinh hiểu rõ các giá trị về văn hóa, lịch sử, thời đại của Thủ đô Hà Nội.

Đối với Trường ĐH Thủ đô Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, nhà trường cần đẩy mạnh việc truyền tải các thông tin, kiến thức về Hà Nội học cho sinh viên. Nhà trường cần xây dựng chiến lược phát triển trong giai đoạn tới, xác định các nhóm ngành đào tạo mũi nhọn về đào tạo giáo viên cho Thủ đô; trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học, xã hội và nhân văn của Hà Nội; trong đó, Hà Nội học phải trở thành môn học mũi nhọn, có chiều sâu trong chương trình nghiên cứu và đào tạo của nhà trường. Cùng với đó, nhà trường cần tập trung nghiên cứu những vấn đề mang tính địa phương mà Hà Nội đang phải đối mặt như thách thức về đô thị hóa, dân số tăng nhanh… để từ đó góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội hiện đại, văn hiến, văn minh.

“Tới đây, Thành ủy Hà Nội sẽ có buổi làm việc với Bộ GD&ĐT, đề xuất nội dung cho phép Hà Nội giảng dạy môn Hà Nội học là một môn học trong hệ thống Giáo dục của Thủ đô. Trước mắt, ĐH Thủ đô Hà Nội cần gắn kết hơn với Sở GD&ĐT Hà Nội về nội dung này. Sở GD&ĐT Hà Nội sớm có rà soát, đánh giá công tác triển khai nội dung Giáo dục địa phương để hướng dẫn các trường, các địa phương trong quá trình thực hiện. Thêm vào đó, tài liệu Giáo dục địa phương cần phải thiết kế lại để xác định rõ phần nào cần chuẩn đầu ra, phần nào giao cho các quận huyện, địa phương chủ động thực hiện…”- Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.

 

Hội thảo Khoa học “Giáo dục địa phương TP Hà Nội- Thực trạng và giải pháp” nằm trong kế hoạch thực hiện Đề án “Bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là Đề án thuộc Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”.

Hội thảo được tổ chức nhằm có thêm cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng chương trình, tài liệu, bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên, giúp giáo viên dạy tốt nội dung Giáo dục địa phương TP Hà Nội trong chương trình Giáo dục phổ thông mới; từ đó, hướng đến thực hiện nhiệm vụ mà TP giao cho Trường ĐH Thủ đô Hà Nội là đào tạo giáo viên dạy môn Hà Nội học trong các trường phổ thông trên địa bàn TP.