Sẽ sáng tỏ liên minh Nga - Trung trong tuần này?

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có chuyến thăm cấp cao đến Trung Quốc trong tuần này, báo hiệu sức mạnh và phạm vi của tình hữu nghị "không giới hạn" mà hai bên đã thiết lập.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: EPA
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: EPA

Tổng thống Putin sẽ tham dự Diễn đàn Vành đai - Con đường (BRI) của Trung Quốc, diễn ra vào ngày 15 - 16/10, nhân dịp Bắc Kinh kỷ niệm 10 năm ra đời sáng kiến ​​xây dựng cơ sở hạ tầng trải dài từ châu Á đến châu Âu và châu Phi.

Nhà lãnh đạo Nga dự kiến ​​sẽ thúc đẩy các thỏa thuận năng lượng mới và mở rộng các dự án cơ sở hạ tầng - là 2 trong số 6 hành lang kinh tế chính thức của BRI chạy qua Nga - đồng thời tạo cơ hội đầu tư vào khoảng trống mà các công ty phương Tây đã để lại.

Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý rằng Bắc Kinh cũng đã có những bước đi thận trọng kể từ khi Điện Kremlin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022. Tatiana Mitrova, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu, nói với Nikkei Asia: "Kể từ khi chiến sự nổ ra, Trung Quốc đã cư xử rất thận trọng với Nga, chủ yếu tập trung vào việc mua khối lượng lớn tài nguyên năng lượng của Nga với giá chiết khấu, đồng thời tránh các dự án mới".

Do đó, bản chất của bất kỳ thỏa thuận nào đạt được trong tuần này - hoặc việc thiếu các thỏa thuận - được cho có thể làm sáng tỏ mối quan hệ thực chất giữa Nga và Trung Quốc.

Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin tuyên bố tại Diễn đàn doanh nghiệp Nga - Trung hồi tháng 3 năm nay rằng 2 nước đang có 80 dự án đầu tư chung, trị giá hơn 165 tỷ USD. Nhưng kể từ khi BRI ra mắt vào năm 2013, đầu tư của Trung Quốc vào Nga chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng.

Trong khi Bắc Kinh thúc đẩy mục tiêu kết nối quốc tế, Moscow ban đầu coi đây là ưu tiên thấp hơn vì các mối quan hệ kinh tế của nước này chủ yếu hướng tới khu vực phía Tây của Nga hoặc cụ thể là vào Liên minh châu Âu (EU). Các dự án cơ sở hạ tầng chung giữa Trung Quốc và Nga thường xuyên bị chậm trễ do chi phí cao và tiềm năng tăng trưởng thấp của các hành lang giao thông mới.

Theo Nikkei, quan điểm của Nga về BRI bắt đầu thay đổi trong bối cảnh nước này bị bủa vây bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây cả về kinh tế, tài chính và công nghệ, trong hơn một năm qua. Chuyển hướng thương mại sang châu Á đã trở thành ưu tiên hàng đầu của Điện Kremlin.

Thương mại song phương với Trung Quốc, đặc biệt là hàng nhập khẩu, chỉ có thể tăng mạnh nếu hoàn thành một số dự án đang chờ xử lý ở vùng Viễn Đông của Nga. Một ví dụ là cầu đường sắt Đồng Giang (Tongjian).

Mặc dù được phê duyệt vào năm 2008 nhưng việc xây dựng phải đến năm 2014 mới được bắt đầu. Cây cầu được hoàn thành vào tháng 12 năm ngoái, cắt giảm thời gian giao hàng từ Hắc Long Giang đến Moscow và chuyển hướng giao thông khỏi các điểm ở phía Đông, giúp giải quyết một số nút thắt về hậu cần.

Nga hiện đang muốn đầu tư và sử dụng các hành lang Vành đai - Con đường không chỉ để thu phí quá cảnh và thu hút đầu tư, mà còn để chuyển hướng dòng chảy thương mại của chính nước này đến và đi từ Trung Quốc và Đông Nam Á.

Tuy nhiên, đối với Trung Quốc, giá trị của các hành lang vận tải chạy qua Nga đang giảm dần do các tuyến thương mại qua Ukraine và Belarus bị đóng cửa, xuất khẩu của Trung Quốc sang EU giảm và áp lực địa chính trị gia tăng. Trong khi đó, thương mại qua Trung Á đang đạt được động lực mới.

Alicia Garcia-Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại Natixis, bình luận: "Bắc Kinh đang trở nên quan trọng hơn đối với Trung Á, nhưng cả Trung Á cũng đang trở nên quan trọng hơn đối với quốc gia này, vì phương Tây ngày càng mất niềm tin vào Trung Quốc".

Trong bối cảnh này, Tổng thống Putin được cho sẽ tìm cách tăng cường hợp tác với Trung Quốc. Lĩnh vực năng lượng vẫn là trục hợp tác chính của Nga với Trung Quốc. Moscow đang tìm kiếm nguồn tài trợ, các hợp đồng dài hạn và quan trọng hơn là tiếp cận các công nghệ và thiết bị thăm dò dầu khí.

Các dự án khí đốt đứng đầu chương trình nghị sự, đặc biệt là việc phê duyệt Power of Siberia 2 đã được mong đợi từ lâu. Đây là một đường ống dẫn khí khổng lồ được đề xuất xuyên qua Mông Cổ, có thể cung cấp tới 50 tỷ mét khối khí đốt từ Nga sang Trung Quốc mỗi năm.

Công ty năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cũng mong muốn tiếp tục dự án phát triển dầu khí Sakhalin 3, vốn đang bị đình trệ do thiếu thiết bị thăm dò cần thiết. Theo báo cáo, các công ty Trung Quốc hiện đã phát triển và thử nghiệm các công nghệ có thể khiến điều này trở nên khả thi.

Giới quan sát nhận đinh, việc ký kết thỏa thuận Power of Siberia 2 khi đang ở Trung Quốc sẽ là một thắng lợi lớn cho Tổng thống Putin.

"Nếu đạt được các thỏa thuận thực sự trong chuyến thăm lần này, thay vì chỉ là các biên bản ghi nhớ, điều đó sẽ cho thấy một sự thay đổi căn bản trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc" - chuyên gia Mitrova nói - "Hợp đồng đường ống dẫn khí đốt không chỉ là một thỏa thuận khí đốt thông thường, nó là bằng chứng cho thấy sự hiện diện hay vắng mặt của một liên minh chiến lược dài hạn thực sự".

Tổng thống Putin được cho cũng có thể để mắt tới các mục tiêu khác trong chuyến đi Trung Quốc lần này, chẳng hạn như kết nối Hệ thống chuyển thông điệp tài chính (SPFS) nội địa của Nga với nền tảng Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) của Trung Quốc.

Theo một báo cáo do Ngân hàng Trung ương Nga công bố hồi tháng 6, khoảng 25% hàng xuất khẩu và 34% hàng nhập khẩu của Nga hiện được tính bằng nhân dân tệ, và việc liên kết các hệ thống có thể tăng tốc và giảm chi phí thanh toán xuyên biên giới.

Về phần mình, Trung Quốc có thể sẽ quan tâm đến việc thảo luận về sự tham gia nhiều hơn ở Bắc Cực, đặc biệt là ở Tuyến đường biển phía Bắc (NSR) dành cho vận tải hàng hải.

Tháng 3 năm nay, ông Putin đã công bố kế hoạch thành lập một ủy ban làm việc chung để phát triển tuyến đường ngày càng dễ tiếp cận do hiện tượng nóng lên toàn cầu. Đi thuyền theo cách này có thể cắt giảm đáng kể thời gian vận chuyển giữa châu Á và châu Âu.

Tiến sĩ Richard Connolly, nhà phân tích cấp cao phụ trách về Nga tại tổ chức tư vấn Oxford Analytica, đánh giá: "Sự hỗ trợ của Trung Quốc sẽ là rất cần thiết để Nga hiện thực hóa tham vọng biến NSR thành tuyến thương mại có tầm quan trọng toàn cầu".