Sẽ siết chặt các cuộc thi hoa hậu

Hoàng Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn một tháng diễn ra 5 cuộc thi hoa hậu, trong đó có cuộc vừa kết thúc đã bị “ném đá” vì vấn đề phẫu thuật thẩm mỹ và nhan sắc không xứng; có cuộc diễn ra giữa lúc cả xã hội gồng mình chống lũ…

Trước sức ép dư luận, sáng 8/11, lãnh đạo Bộ VHTT&DL đã thông tin cho báo chí về việc Bộ có “nới lỏng” quản lý tổ chức các cuộc thi hoa hậu, người đẹp hay không.

Loạn thi hoa hậu

Từ đầu năm đến nay, không đếm hết các cuộc thi người đẹp, người mẫu và hoa hậu. Mỗi tuần, mỗi tháng, thông tin về các cuộc thi này nhan nhản trên các phương tiện truyền thông. Chưa kể các cuộc thi doanh nhân, quý bà, sinh viên, thì đã có hàng chục cuộc thi nhan sắc diễn ra như: Hoa khôi Du lịch Việt Nam 2017, Hoa hậu Hữu nghị ASEAN, Người đẹp xứ Trà, Nữ hoàng trang sức 2017, Hoa hậu Phụ nữ Việt Nam qua ảnh 2017… Đặc biệt, trong 35 ngày (từ 1/10 đến 4/11/2017) đã có 5 cuộc thi sắc đẹp trong nước và quốc tế với các danh hiệu “hoa hậu”, “nữ hoàng” diễn ra ở một số tỉnh, TP nước ta. Cụ thể là Hoa hậu Hòa bình Thế giới 2017 (Phú Quốc), Hoa hậu Đại dương 2017 (Bình Thuận), Nữ hoàng Doanh nhân Đất Việt (Đà Nẵng), Nữ hoàng Golf 2017 (TP Hồ Chí Minh). Và cuộc thi thứ 5 vào đêm 4/11 là cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017, với vòng bán kết được tổ chức tại Nha Trang - Khánh Hòa.

Cuộc thi Hoa hậu Đại dương diễn ra cuối tháng 10/2017 là một trong những cuộc thi Hoa hậu cấp quốc gia trong năm nay.  Ảnh: Linh Anh

Sự kiện Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 diễn ra đúng lúc tỉnh này đón trận bão lớn nhất trong lịch sử 20 năm qua cùng nhiều mất mát, thiệt hại. Thế nhưng, đêm bán kết Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 vẫn diễn ra, được truyền hình trên sóng truyền hình quốc gia nên bị dư luận “ném đá” tơi bời. Chưa hết, ngày 5/11, cuộc họp báo chuẩn bị cho một hành trình của cuộc thi Hoa hậu Biển Việt Nam toàn cầu diễn ra năm 2018 cũng lại được tổ chức, khiến dư luận cảm thấy Việt Nam “loạn” hoa hậu.

Bộ khẳng định không vượt quy định

Một câu hỏi đặt ra, liệu nước ta có cần quá nhiều cuộc thi người đẹp đến vậy, có cần nhiều người đẹp mang các danh hiệu cuộc thi và các danh hiệu ấy phục vụ gì cho đất nước? Người đẹp sau khi đăng quang, không nhiều người có đóng góp lớn cho cộng đồng những hoạt động thiện nguyện, hoặc nâng vị trí của sắc đẹp Việt Nam trên trường quốc tế, mà phần nhiều dùng danh để làm lợi cho cá nhân.

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Vương Duy Biên cho biết: Nghị định 79/2012/NĐ-CP quy định, mỗi năm, Bộ VHTT&DL chỉ được cấp phép tổ chức cho 2 cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia. Thi người đẹp phạm vi vùng, miền, ngành thì được cấp phép 3 cuộc/năm, cuộc thi người đẹp cấp tỉnh được 1 cuộc/địa phương/năm. Các hoạt động mang tính chất sinh hoạt nội bộ kiểu Hoa khôi các trường thì Nghị định 79 không quy định. Ông Vương Duy Biên giải thích, năm nay, Việt Nam có 2 cuộc thi được cấp phép là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 và Hoa hậu Đại dương Việt Nam 2017. Còn lại, 2 cuộc Hoa hậu Hòa bình thế giới và Hoa hậu Hữu nghị ASEAN là có yếu tố nước ngoài. Với những cuộc thi sắc đẹp quốc tế có thể dao động từ 2 - 3 cuộc/năm.

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Vương Duy Biên cho biết thêm, thời gian tới sẽ siết chặt hơn việc cấp phép tổ chức thi hoa hậu, người đẹp. Ông cũng thừa nhận, bên cạnh những mặt được, còn nhiều hạn chế xảy ra như lợi dụng làm thương mại kiếm tiền, ít tập trung đến mục đích cao cả là tôn vinh cái đẹp. Ngoài việc mở thông thoáng cho các cuộc thi người đẹp để phát triển, Bộ đề nghị các cơ quan quản lý kiểm soát, răn đe, xử lý mạnh tay những người sai phạm.

Được biết, Bộ sẽ tiếp tục xin ý kiến các cơ quan liên quan để đưa ra quy định, nên tổ chức bao nhiêu cuộc thi hoa hậu, người đẹp trong một năm là hợp lý. Hy vọng, sau thực tế này, Bộ VHTT&DL sẽ có sự chỉnh sửa quy định, đặc biệt là siết chặt tình trạng “lách luật” khiến dư luận bức xúc.