Siết chặt quản lý đào tạo và sát hạch lái xe

Ngọc Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Nghị định 41/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến dịch vụ đào tạo và sát hạch lái xe, các quy định được sửa đổi theo hướng tạo thuận lợi hơn cho học viên, nhưng chặt chẽ hơn trong công tác quản lý.

Yêu cầu chặt chẽ

Theo quy định mới tại Nghị định 41/2024/NĐ-CP, hồ sơ cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe phải bao gồm chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Trường hợp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử thì việc xuất trình, kiểm tra có thể thực hiện thông qua tài khoản định danh điện tử.

Anh Đặng Hoàng Anh (giáo viên dạy thực hành lái xe bằng B1) cho biết: “Các yêu cầu chặt chẽ, cụ thể hơn với người muốn có chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe là hoàn toàn cần thiết. Các thầy giáo khi dạy lái ô tô nhưng chưa có đầy đủ chứng chỉ sẽ không đảm bảo việc học viên được đào tạo đúng, đủ kiến thức thực hành. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hành tự lái về sau của người học, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông rất lớn".

Các quy định về đào tạo và sát hạch lái xe được sửa đổi theo hướng chặt chẽ hơn trong công tác quản lý, đào tạo giáo viên dạy thực hành.
Các quy định về đào tạo và sát hạch lái xe được sửa đổi theo hướng chặt chẽ hơn trong công tác quản lý, đào tạo giáo viên dạy thực hành.

Về trình tự thực hiện để được cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe, theo quy định mới, cá nhân có nhu cầu cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe lần đầu lập một bộ hồ sơ theo quy định gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu chính đến cơ sở đào tạo lái xe, thay vì gửi thẳng lên cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe như trước.

Với quy định mới, cơ sở đào tạo lái xe sẽ là đơn vị tiếp nhận hồ sơ của cá nhân, bảo đảm các điều kiện đối với người tham dự tập huấn theo quy định và tổ chức tập huấn theo chương trình tập huấn về nghiệp vụ giáo viên dạy thực hành lái xe theo quy định của Bộ GTVT. Còn ở quy định cũ đơn vị tiếp nhận là Sở GTVT (đối với các cơ sở đào tạo do địa phương quản lý) và Cục đường bộ Việt Nam (cơ sở đào tạo của cơ quan trung ương).

Giáo viên dạy thực hành lái xe sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận trong các trường hợp có hành vi gian lận để được tham dự tập huấn và kiểm tra để được giấy chứng nhận; cấp cho người không đủ một trong các tiêu chuẩn quy định tại Điều 8 Nghị định 65/2016/NĐ-CP do cơ quan hoặc người không có thẩm quyền cấp. Giấy chứng nhận bị tẩy xóa, sửa chữa cũng nằm trong diện bị thu hồi. Nếu giáo viên tổ chức hoặc cho cơ sở đào tạo khác thuê, mượn để sử dụng giấy chứng nhận nhưng không tham gia giảng dạy sẽ bị thu hồi chứng nhận.

Ông Vương Văn Kha - nguyên Trưởng phòng Quản lý nhân sự, HTX Vận tải Tín Lợi cho biết: “Trước đây đã có không ít vụ tai nạn giao thông xảy ra do trình độ của người dạy lái xe yếu kém. Việc siết chặt các quy định quản lý, nâng cao yêu cầu đối với đội ngũ giáo viên dạy thực hành lái xe cũng chính là nâng cao chất lượng của học viên. Người dạy chưa đủ tốt thì khó có thể đào tạo ra học viên tốt, chất lượng”.

Nâng cao chất lượng đào tạo

Trong Nghị định 41/2024/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung điều kiện về hệ thống phòng học chuyên môn đào tạo lái xe. Cụ thể, phòng học lý thuyết phải có các trang thiết bị, công cụ hỗ trợ việc giảng dạy về luật giao thông đường bộ, đạo đức người lái xe, văn hóa giao thông, phòng chống tác hại của rượu, bia và cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ. Đồng thời, trang bị hệ thống báo hiệu đường bộ, sa hình bằng hệ thống tranh vẽ hoặc được thiết kế dưới dạng điện tử.

Phòng học kỹ thuật ô tô phải có các thiết bị công nghệ trình chiếu, hỗ trợ việc giảng dạy về cấu tạo, sửa chữa thông thường và kỹ thuật lái xe. Trường hợp các thiết bị công nghệ trình chiếu chưa có video, hình ảnh mô phỏng, hệ thống treo, hệ thống phanh, lái, các thao tác lái xe cơ bản, phải có hình hoặc tranh vẽ… 

Các đồ nghề chuyên dùng để hướng dẫn học sinh thực hành tháo lắp lốp, kiểm tra dầu xe, nước làm mát, thiết bị mô phỏng … cần được trang bị đầy đủ.

Cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải bố trí số lượng phòng học lý thuyết và phòng học kỹ thuật ô tô phù hợp với lưu lượng học viên và chương trình đào tạo. Với lưu lượng dưới 500 học viên phải có ít nhất 1 phòng học lý thuyết và 1 phòng học kỹ thuật; từ 500 - 1.000 học viên phải có ít nhất 2 phòng học lý thuyết và 2 phòng học kỹ thuật ô tô; trên 1.000 học viên phải có ít nhất 3 phòng học lý thuyết và 3 phòng học kỹ thuật ô tô.

Anh Phan Hoàng Long (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Nếu có đầy đủ cơ sở vật chất thì việc học và ôn tập của mình cũng như các học viên khác sẽ dễ dàng, thuận lợi hơn nhiều. Hiện tại mình đang tự ôn lý thuyết và các năng mô phỏng tại nhà là chính. Từ việc học tại nhà tới thực hành trên máy của trung tâm cũng có nhiều khác biệt."

Cho ý kiến về chất lượng phòng học đào tạo lái xe, ông Vương Văn Kha cho rằng: “Việc nâng cấp, bổ sung trang thiết bị học tập trực quan càng sớm càng tốt. Như vậy thì học viên sẽ có đầy đủ kiến thức cơ bản trước khi bước vào các bài sát hạch và thực hành ngoài đường. Có những kỹ năng rất đỗi cơ bản như phòng chống cháy nổ, kiểm tra dầu xe… nhưng nếu không được dạy, có khi nhận bằng rồi mà học viên vẫn chưa biết cách thực hành. Như vậy là rất nguy hiểm khi lái xe tham gia giao thông ngoài đường”.

 

Thông tư 05/2024/TT-BGTVT của Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến lĩnh vực vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, phương tiện và người lái. Trong đó, người có nhu cầu cấp giấy phép lái xe ô tô, mô tô các hạng được lựa chọn một trong các hình thức học lý thuyết như: tập trung tại cơ sở đào tạo; tập trung tại cơ sở đào tạo kết hợp với đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn; đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn.

Đối với hình thức học từ xa, tự học có hướng dẫn, cơ sở đào tạo phải xây dựng phương án, phần mềm đào tạo, nội dung đào tạo, phương án quản lý học viên học đủ thời gian báo cáo Sở GTVT trước khi tổ chức đào tạo.