Siết chặt sở hữu chéo ngân hàng

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự quyết liệt và quyết tâm của cơ quan quản lý trong việc chặt vòi bạch tuộc, hạn chế vốn rót vào các dự án sân sau của các ông, bà chủ ngân hàng đang ngày một mãnh mẽ hơn, thể hiện qua một loạt các động thái gần đây.

Cảnh báo sớm
Tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, NHNN sẽ ban hành Kế hoạch hành động của ngành, chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng (TCTD) xây dựng và triển khai phương án cơ cấu lại. Theo đó, các ngân hàng phải tập trung đánh giá thực trạng tài chính, hoạt động quản trị điều hành, cổ đông và sở hữu vốn điều lệ. Từ đó đề xuất các giải pháp cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu và lộ trình thực hiện trên các mặt quản trị điều hành, cổ đông sở hữu cổ phần, thực trạng tài chính, mạng lưới hoạt động, khả năng cạnh tranh… Song song với kế hoạch hành động này, NHNN sẽ tăng cường thanh tra, giám sát đối với hoạt động của các TCTD, trong đó tập trung vào các lĩnh vực còn nhiều hạn chế, sai phạm, theo đó có cảnh báo sớm các ngân hàng và xử lý nghiêm các vi phạm.

Hoạt động nghiệp vụ tại chi nhánh SacomBank. Ảnh: Phan Hằng

Động thái quyết liệt khác được thị trường nhìn nhận như một giải pháp mạnh tay xử lý sở hữu chéo là việc khởi tố bắt tạm giam ông Trầm Bê - nguyên cựu Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng thương mại Cổ phần (NHTMCP) Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Theo thông tin ban đầu, ông Trầm Bê đã tiếp tay cho Phạm Công Danh - nguyên Chủ tịch HĐQT NHTMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) và đồng phạm trong việc gửi tiền sang Sacombank bảo lãnh và trả nợ thay cho 6 công ty do ông Danh thành lập trên hồ sơ vay vốn tại Sacombank, gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.800 tỷ đồng. Ông Danh sử dụng số tiền này để trả nợ cho NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và sử dụng vào việc cá nhân.
Trước đó, giới quan sát và giới đầu tư đã dõi theo những diễn biến quanh đại hội đồng cổ đông và chuyện nhân sự của Sacombank. Mặc dù Sacombank trình lên NHNN khá nhiều lần đề án tái cơ cấu nhưng đều không được thông qua, lý do chính là các vướng mắc liên quan đến sở hữu chéo và nợ xấu từ NHTMCP Phương Nam sau khi sáp nhập. Và để tham gia HĐQT Sacombank, ông Dương Công Minh (sau đó được bầu làm Chủ tịch HĐQT Sacombank) và nhóm người liên quan phải thoái toàn bộ vốn tại Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank).
Chỉ đạo không - chưa đủ
Theo Điều 18 Thông tư 36/TT- NHNN quy định một NHTM chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa không quá 2 TCTD khác (trừ trường hợp TCTD khác là công ty con của ngân hàng đó), đồng thời lượng cổ phần được nắm giữ tối đa này phải dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của TCTD đó.
Giới chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo rất sớm về tác hại của sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng gây ra. Mặc dù quy định hiện hành yêu cầu ngân hàng không được rót vốn cho các DN mà cổ đông lớn đứng tên, nhưng thực tế có không ít các chiêu thức được áp dụng, dưới nhiều hình thức khác nhau: Sở hữu cổ phiếu thông qua các công ty con, đứng tên cá nhân, tổ chức khác…
TS Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế, là người đã có nhiều phát biểu nhận xét về tình trạng sở hữu chéo từng lấy ví dụ về một hình thức khá phổ biến: Lãnh đạo ngân hàng T. đồng thời làm lãnh đạo sẽ đầu tư vốn vào công ty A.; công ty A. có vốn trong công ty B.; công ty B triển khai dự án bất động sản; ngân hàng T. tài trợ vốn cho công ty B. Qua rất nhiều vòng như vậy, thậm chí không đứng tên trực tiếp sở hữu cổ phần trong DN có quan hệ tín dụng với ngân hàng, nhưng xét trong cả sơ đồ tổng thể, không thể không thấy mối quan hệ giữa các bên.
Thị trường cũng từng có những trường hợp lãnh đạo ngân hàng kiêm luôn lãnh đạo DN bên ngoài thâu tóm DN khác. Ngân hàng sau đó tài trợ vốn cho một loạt dự án của DN này. Để đảm bảo đúng quy định, DN sau đó đã chuyển nhượng vốn cho một DN khác. Tuy nhiên, liệu đó có phải là chiêu "bình mới, rượu cũ" hay không… thì chỉ người trong cuộc mới biết.
Trong khi nhiều nước giám sát và quy định rất chặt chẽ về sở hữu và quản trị ngân hàng, thì  tại Việt Nam, thời gian gần đây cũng đã có khá nhiều chuyển biến tốt với một loạt các quy định và động thái mạnh tay của cơ quan quản lý. TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, phải quyết liệt chống sở hữu chéo trong tư duy của nhà quản lý và xử lý thật nghiêm các trường hợp vi phạm. Đây không những là tiếng chuông cảnh tỉnh, mà còn có tác dụng răn đe rất nhiều, làm trong sạch và lành mạnh hóa hoạt động của ngân hàng. Khi giảm thiểu các quan hệ tín dụng thân hữu, đồng vốn mới thực sự chảy vào các khu vực cần vốn của nền kinh tế và có thể tạo ra giá trị thật thay vì tạo ra bong bóng tài sản như trước đây.
Dù Thông tư 36/TT-NHNN đã có hiệu lực hơn một năm (có hiệu lực từ ngày 1/2/2016), nhiều ngân hàng vẫn chưa thể hoàn thành thoái vốn sở hữu tại các ngân hàng khác. Tuy nhiên, điều này không đáng lo bằng việc xảy ra tại các TCTD khi nhóm cổ đông thao túng, liên kết ngầm thực hiện các hoạt động cho vay, đầu tư lòng vòng, khiến các cơ quản quản lý cũng như nhà đầu tư không đánh giá chính xác được thực chất vốn và hoạt động tài chính của TCTD. Điều này đe dọa đến an toàn của bản thân TCTD và của toàn hệ thống, cản trở quá trình tái cơ cấu ngân hàng.
TS Nguyễn Xuân Thành
Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright
Sở hữu chéo là nguyên nhân không nhỏ phát sinh nợ xấu
Việc ngân hàng sở hữu chéo với số lượng cổ phần lớn là vi phạm đến nguyên tắc công khai minh bạch dẫn đến khó quản lý dòng vốn, ngân hàng lợi dụng sở hữu để liên kết nhằm thao túng thị trường gây không ít rủi ro với khách hàng. Sở hữu chéo dễ dẫn đến việc ngân hàng này sử dụng tài sản của ngân hàng kia hoặc ngược lại, khi tài sản biến động gây nên dư nợ bất thường, khó phân biệt để quản lý.
TS Cao Sỹ Kiêm nguyên Thống đốc NHNN