Hàng loạt doanh nghiệp FDI bị xử phạtThông tin từ cơ quan thuế, năm 2019, qua thanh tra, kiểm tra, cơ quan thuế đã phát hiện và ra quyết định truy thu hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế với hàng loạt DN FDI như Coca Cola Việt Nam, Heineken Asia Pacific, Công ty Holcim Việt Nam và Ngân hàng Standard Chartered…Cụ thể, cuối năm 2018, Công ty Heineken Asia Pacific có trụ sở tại Singapore đã chuyển nhượng 100% cổ phần tại Công ty Heineken Việt Nam - Hà Nội cho Công ty Nhà máy bia Heineken Việt Nam với giá trị giao dịch tới hơn 4.800 tỷ đồng nhưng không đóng thuế. Cuối năm 2019, qua công tác thanh tra, kiểm tra, cơ quan thuế đã yêu cầu DN này đóng trên 916 tỷ đồng tiền thuế và tiền chậm nộp vào ngân sách và DN đã chấp hành.Trước đó, một loạt các DN FDI khác cũng bị truy thu thuế như Công ty Holcim Việt Nam bị truy thu 1.800 tỷ đồng, Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered bị truy thu 19 tỷ đồng… Năm 2019, riêng tổng số tiền kiến nghị, xử lý qua thanh tra, kiểm tra là trên 64.525 tỷ đồng.Đại diện Tổng cục thuế cho biết, phương thức lẩn tránh thuế của các DN FDI thường là chuyển nhượng vốn góp với giá cao hoặc kê khai giá đầu vào cao dẫn đến bị lỗ để không phải đóng thuế. Đơn cử, trường hợp chuyển nhượng quyền sở hữu ngoài lãnh thổ như Heineken thường sẽ phát sinh tranh chấp quyền đánh thuế giữa các nước có ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần. "Có dòng thuế mà bên nước ngoài không thu trong khi DN vẫn cố gắng vận dụng Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giống như trường hợp Heineken, họ khai thuế nhưng đồng thời nộp Hiệp định tránh đánh thuế và xin được áp dụng Hiệp định này. Do đó, trong quá trình thanh tra, kiểm tra, cơ quan thuế phải chứng minh tỷ lệ giá trị tài sản hình thành từ bất động sản chiếm từ 50% tổng giá trị chuyển nhượng thì phải thực hiện theo pháp luật Việt Nam, không thể theo Hiệp định được và phải nộp thuế tại Việt Nam" - đại diện Vụ Thanh tra (Tổng cục Thuế) thông tin.Hay như Coca-Cola Việt Nam, "bí quyết" để DN này có thể liên tục kê khai lỗ nằm ở chi phí nguyên phụ liệu, trong đó chủ yếu hương liệu được nhập trực tiếp từ công ty mẹ với giá rất cao. Trung bình chi phí nguyên phụ liệu chiếm trên 70% giá vốn, cá biệt năm 2006 - 2007 chi phí nguyên phụ liệu lên đến 80 - 85% giá vốn. Đến cuối năm 2012, số tiền lỗ lũy kế của Coca-Cola đã lên đến 3.768 tỷ đồng, vượt cả số tiền đầu tư ban đầu của tập đoàn là 2.950 tỷ đồng. Vì thế, các năm từ 2012 trở về trước, công ty này liên tục kê khai số lỗ "khủng". Sau nhiều nỗ lực đấu tranh của phía Việt Nam, đến năm 2013 Coca-Cola Việt Nam đã bắt đầu báo lãi và nộp thuế thu nhập DN cho Chính phủ Việt Nam. Năm 2013, công ty này bắt đầu kê khai lãi 150 tỷ đồng và tiếp tục lãi 350 tỷ đồng trong năm 2014. Tuy nhiên, do DN được chuyển lỗ trong vòng 5 năm nên đến thời điểm đó Coca-Cola Việt Nam vẫn chưa phải nộp thuế TNDN.Chống chuyển giá - làm sao?Liên quan đến hoạt động chống chuyển giá, trốn thuế, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 3 điều 8, Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết. Trong đó, điểm quan trọng nhất được sửa đổi là việc tăng trần chi phí lãi vay cho DN từ 20% lên 30%. Ngoài ra, Việt Nam cũng ký 77 hiệp định về chống đánh thuế 2 lần giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ, dữ liệu được liên tục trao đổi. Điều này là cơ sở để cơ quan thuế chỉ rõ, điểm mặt các DN FDI có hành vi lẩn tránh thuế, trốn thuế chứ không chỉ là nghi vấn như trước.Từ 1/7/2020, khi Luật Quản lý thuế sửa đổi có hiệu lực, đây sẽ là căn cứ quan trọng để cơ quan thuế tiếp tục đấu tranh với công cuộc chống chuyển giá, trốn thuế. Những tập đoàn FDI liên tục báo lỗ sẽ tiếp tục nằm trong danh sách thanh tra, kiểm tra.Để tăng chế tài xử phạt, răn đe các DN FDI có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đề nghị, trong năm 2020, Tổng cục Thuế phải xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn để tổ chức triển khai thực hiện tốt Luật Quản lý thuế sửa đổi (có hiệu lực từ 1/7/2020). Đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu ngành Thuế phải tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, chống thất thu ngân sách, chống chuyển giá theo phương pháp phân tích rủi ro.